Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi với người dân và báo chí khi đi kiểm tra tiến độ dự án cầu Nhật Tân và đường nối hai đầu cầu - Ảnh: Khánh Linh |
Theo các nhà báo, công tác truyền thông của Bộ GTVT đã tiệm cận tới độ chuyên nghiệp. Đây là sự chuyển biến rất lớn nếu so với cách đây 4 - 5 năm khi nguồn thông tin về ngành luôn rất khó tiếp cận.
Bộ GTVT cởi mở, báo chí đầy ắp thông tin
Đó là chia sẻ của nhà báo Anh Minh (Báo Đầu tư) khi nói về, sự minh bạch thông tin với báo chí của Bộ GTVT. “Tôi thấy bốn năm gần đây là quãng thời gian rất thuận lợi cho hoạt động tác nghiệp của các phóng viên bởi tinh thần cởi mở, thân thiện với báo giới của lãnh đạo ngành GTVT”, Anh Minh chia sẻ.
Cũng theo phóng viên có hơn 15 năm theo dõi ngành Giao thông, lãnh đạo Bộ GTVT, trực tiếp là Bộ trưởng Đinh La Thăng luôn mở cửa mọi cuộc họp của Bộ cho các phóng viên tham dự, trừ những cuộc họp của Ban Cán sự liên quan tới công tác tổ chức.
“Nhiều bài phóng sự nóng hổi của các báo ngoài ngành đã được thực hiện trong những chuyến tháp tùng Bộ trưởng đi kiểm tra, đôn đốc các công trình trọng điểm, các điểm nóng về mất ATGT. Những bài báo này đã giúp bạn đọc hiểu hơn về những hoạt động của ngành, đồng thời xây dựng nên hình ảnh lãnh đạo Bộ năng động, quyết đoán, sát sao công trường và thân thiện với người dân. Đó là một sự cộng hưởng hài hòa, phi vụ lợi hiếm có giữa một thành viên Chính phủ với báo giới mà đối tượng được hưởng lợi cao nhất chính là người dân, nhà đầu tư và các doanh nghiệp liên quan tới ngành GTVT”, anh Minh nói.
"Người dân có quyền biết chúng ta đang làm gì, làm như thế nào, làm với thái độ, trách nhiệm ra sao. Hơn thế, người dân còn có quyền yêu cầu chúng ta phải trả lời ngay rất nhiều câu hỏi về mỗi công trình hạ tầng, mỗi chính sách liên quan đến GTVT, mỗi sự kiện gắn với an toàn trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa”. Bộ trưởng Đinh La Thăng |
“Những chuyển biến này xuất phát từ tư duy làm truyền thông cởi mở, công khai, dám đối diện với áp lực dư luận của người đứng đầu mà trong trường hợp này là dấu ấn rất rõ của Bộ trưởng Thăng. Không chỉ là một người rất thú vị với báo giới qua những cách nghĩ, cách làm có tính đột phá cao; sức hấp dẫn tự thân của một người từng trải qua nhiều cương vị công tác, trong đó có công tác Đoàn…, Bộ trưởng Thăng còn là người luôn hướng tới sự minh bạch cao nhất trong điều kiện có thể mọi hoạt động của ngành”, nhà báo Đặng Tú, Ban Thời sự Đài Truyền hình VN nhận định.
Nhà báo Hà Nho đến từ Đài Tiếng nói VN chia sẻ: Nhiều đồng nghiệp của tôi còn “ghen tị” với các phóng viên theo dõi giao thông vì thông tin lúc nào cũng đầy ắp lại được tiếp cận trực tiếp các nguồn tin. “Nguồn tin ở đây là Bộ trưởng, các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ GTVT. Chúng tôi được tiếp cận thông tin trực tiếp và không phải lo rằng không có thông tin. Công việc của chúng tôi chỉ là làm như thế nào, cung cấp thông tin một cách đầy đủ và chính xác nhất tới thính giả, bạn nghe đài”, chị Hà Nho nói.
Nhà báo Lưu Thoan, Truyền hình TTX VN lại nhấn mạnh: “Ngay cả với những vụ việc được cho là “nóng” nhất, nhạy cảm nhất như vụ “nghi án quan chức đường sắt nhận hối lộ”, vụ “thép rơi chết người trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông…”, lãnh đạo Bộ cũng luôn thẳng thắn, đề cập trực diện vấn đề, không hề có chuyện tránh nghe điện thoại hay “đóng cửa” với báo chí”.
Như vụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ngay khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Bộ đã có mặt, xử lý trực tiếp tại hiện trường, có thông cáo báo chí kịp thời về vụ việc và kết quả xử lý sau này… “Tôi còn nhớ lần đó, phóng viên hầu như không thể tiếp cận hiện trường do lực lượng chức năng đã phong tỏa để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng đã làm chúng tôi thỏa mãn khi cung cấp thông tin trực tiếp từ Bộ trưởng, Thứ trưởng. Cùng đó là việc phát hành thông cáo báo chí”, chị Thoan nói và chia sẻ “gần như chưa một cuộc điện thoại đề nghị cung cấp thông tin nào của tôi tới lãnh đạo Bộ GTVT bị từ chối”.
"Gần như chưa một cuộc điện thoại đề nghị cung cấp thông tin nào của tôi tới lãnh đạo Bộ GTVT bị từ chối”. Nhà báo Lưu Thoan |
Liên quan tới sự cố lún nứt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Nhà báo Anh Minh cũng bày tỏ sự ấn tượng sâu sắc đối với công tác truyền thông của Bộ GTVT. Ngay khi nhận được thông tin về sự cố mang tính bất khả kháng này, Bộ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp lên hiện trường cùng với các chuyên gia đầu ngành. Ngay sau khi có những kết luận sơ bộ, Bộ GTVT đã phát hành thông cáo nói rõ nguyên nhân, hướng xử lý và quy trách nhiệm cụ thể cho đơn vị thi công và quản lý dự án.
“Các thông cáo về việc khắc phục cũng liên tục được phòng Truyền thông Bộ cập nhật giúp các phóng viên nắm rõ thông tin để có thể chuyển tải chân thực đến bạn đọc. Sự thẳng thắn, công khai này không những đã giúp chặn đứng sự suy diễn, bình luận ác ý mà ngươi dân còn dành sự cảm thông cho những khó khăn, vất vả của ngành. Ngoài sự cố nói trên, vụ lật xe khách ở Lào Cai, hay sập cầu treo Chu Va, chậm huỷ chuyến trong lĩnh vực hàng không cũng được xử lý rất tốt, xét trên khía cạnh truyền thông”, anh Minh nêu quan điểm.
Với đặc điểm là ngành xã hội hóa rất cao khi mọi hoạt động của Bộ GTVT liên quan mật thiết và tác động sâu sắc tới đời sống của người dân. Vì thế, các sự cố về chất lượng công trình hay chất lượng dịch vụ vận tải thường trở thành tâm điểm của dư luận. Vấn đề là khi sự cố xảy ra, người dân và công luận cần được biết một cách sớm nhất đó là cái gì? Ảnh hưởng như thế nào? Liên quan tới ai và trách nhiệm như thế nào? Càng thông tin đầy đủ, minh bạch, chân thành, càng nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của người dân dù đó có thể lỗi khách quan, hay chủ quan dẫn tới những sự cố không mong muốn.
“Làm được hay chưa đều phải công khai, minh bạch”
Trên thực tế, tại nhiều hội nghị, hội thảo của Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đều đòi hỏi sự công khai minh bạch thông tin ở các đơn vị trực thuộc Bộ. Theo người đứng đầu ngành GTVT, phải công khai mọi hoạt động của ngành để người dân hiểu, chia sẻ và giám sát.
Tại buổi gặp mặt đại diện các cơ quan thông tấn báo chí nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng VN mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cam kết “chủ động thông tin với báo chí” với mong muốn các phóng viên, cơ quan báo chí có sự chia sẻ với ngành GTVT, thấy được tình hình và quyết tâm, nỗ lực của ngành, để cùng ngành GTVT đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
“Tôi rất nhiều lần yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cần phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Đã có quy chế rồi, những gì thuộc trách nhiệm của mình phải thông tin, trả lời cho báo chí nắm rõ. Không né tránh bởi có muốn né cũng không được trong thời buổi thông tin như vũ bão hiện nay”, Bộ trưởng chia sẻ và một lần nữa đề nghị lãnh đạo các cơ quan đơn vị phải coi những nhà báo theo dõi ngành, quan tâm đến ngành thực sự là những người bạn đồng hành trên cùng con đường, vì những mục tiêu chung của ngành, của đất nước.
“Người dân có quyền biết chúng ta đang làm gì, làm như thế nào, làm với thái độ, trách nhiệm ra sao. Hơn thế, người dân còn có quyền yêu cầu chúng ta phải trả lời ngay rất nhiều câu hỏi về mỗi công trình hạ tầng, mỗi chính sách liên quan đến GTVT, mỗi sự kiện gắn với an toàn trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa”, Bộ trưởng nói và cho biết, ngoài nghĩa vụ thông tin một cách trung thực, chính xác và nhanh chóng mọi vấn đề nóng bỏng liên quan đến GTVT đến với toàn dân, các PV, biên tập viên, những người làm báo trong ngành phải là những sứ giả, là cầu nối giữa ngành với xã hội, với từng người dân, giữa lãnh đạo Bộ với các đơn vị cơ sở, để có thể lắng nghe và hoàn thiện mình hơn, tìm thấy cơ hội phục vụ đất nước được tốt hơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận