Ngành GTVT làm được gì sau nửa nhiệm kỳ?
Kỳ 1: Thay đổi tư duy, đột phá phát triển cao tốc
Kỳ 2: Trên quyết liệt, dưới chạy đua
Kỳ 3: Giấc mơ 3.000km cao tốc không còn xa
Cuộc phát động chạy nước rút 120 ngày đêm cùng sự quyết liệt vào cuộc của các cấp ngành khiến các công trường dự án không thể không chuyển động. Kết quả là các dự án đều đang lần lượt về đích, dù gặp vô vàn khó khăn.
Chuyển biến công trường sau lệnh điều chuyển
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tặng quà, động viên các kỹ sư, công nhân thi công hầm Tam Điệp khi kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 ngày 17/11/2022. Ảnh: Tạ Hải
Tròn một tháng kể từ ngày đưa tuyến chính dự án đi vào khai thác (30/4), ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 vẫn còn nguyên cảm giác bồi hồi bởi sự bứt phá ngoạn mục về tiến độ những tháng cuối cùng, đặc biệt là sau chuyến công tác của người đứng đầu ngành GTVT.
Theo ông Long, thời điểm Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kiểm tra công trường lần đầu tiên (11/2022), sản lượng dự án mới đạt trên 73% giá trị hợp đồng, khối lượng công việc còn lại rất lớn.
Các nhà thầu lại gặp rất nhiều khó khăn về tài chính sau quãng thời gian biến động giá nhiên, vật liệu kéo dài.
Thế nhưng, sau buổi kiểm tra của Bộ trưởng, công trường dự án đã chuyển biến rõ rệt. Lãnh đạo cao nhất của các đơn vị thường xuyên nằm tại công trường, chỉ đạo thi công.
Ban QLDA đã yêu cầu các nhà thầu lập lại tiến độ thi công chi tiết để theo dõi, đôn đốc từng ngày, từng tuần. Khối lượng bị chậm được kiểm đếm chi tiết, yêu cầu nhà thầu tập trung nguồn lực để khắc phục xuyên ngày, đêm, xuyên lễ, Tết. Công tác nghiệm thu thanh toán cũng được các bên tập trung đẩy nhanh.
Với những giải pháp quyết liệt ấy, sản lượng hàng ngày của từng nhà thầu đều tăng mạnh. Sau buổi kiểm tra của Bộ trưởng, sản lượng các tháng tiếp theo đạt trung bình khoảng 350 tỷ đồng/tháng, tương đương 4,8% giá trị hợp đồng. Trong khi, sản lượng trung bình của các tháng trước đó chỉ đạt khoảng 160 tỷ đồng/tháng, tương đương 2,2%.
Ông Long chia sẻ, một điểm ấn tượng khác về công tác chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng chính là việc quyết định cắt chuyển khối lượng của các nhà thầu ngay tại công trường, cụ thể là tại gói thầu số 12-XL.
Sau khi xem xét báo cáo của các đơn vị, Bộ trưởng yêu cầu cắt chuyển ngay một phần khối lượng của nhà thầu Hoàng Long sang cho nhà thầu đứng đầu liên danh trực tiếp thi công.
Việc này có hiệu quả tức thì với gói thầu số 12-XL, giúp phần việc bị chậm được đẩy tiến độ, kịp hoàn thành và đưa vào khai thác cùng lúc với các đoạn tuyến khác của dự án vào đúng dịp 30/4.
Chia sẻ cụ thể hơn, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, ngay khi tiếp nhận chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Đèo Cả tức tốc nhập cuộc hỗ trợ nhà thầu Hoàng Long. Thực hiện khối lượng công việc “giải cứu” khoảng 50 tỷ đồng, Đèo Cả sẽ lỗ đến 20 tỷ đồng.
Song, vì mục tiêu chung, tập đoàn đã huy động cả nguồn lực ở các dự án phía Nam dồn về công trường thi công ngày đêm, giải quyết khó khăn chỉ trong vòng 1 tháng, trong khi thông thường mất từ 5 - 6 tháng.
Thần tốc gỡ vướng nguồn vật liệu
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thị sát thực tế và chỉ đạo tại dự án thành phần Mai Sơn - QL45 tháng 11/2022. Ảnh: Tạ Hải
Gắn bó với dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết từ những ngày đầu khởi công với vai trò giám đốc điều hành, kỷ niệm với ông Phạm Quốc Huy là hai lần “thót tim” trước tiến độ triển khai dự án.
Đó là thời điểm đầu năm 2022, hơn 1 năm kể từ ngày khởi công, sản lượng thi công dự án mới chỉ đạt 10% giá trị hợp đồng do thiếu vật liệu đất đắp. Chỉ đến khi Nghị quyết 60 rồi Nghị quyết 133 của Chính phủ được ban hành, khó khăn nguồn vật liệu dần được cởi bỏ, dự án mới có điều kiện tăng tốc.
“Tiếp đến là khoảng thời gian giá nhiên liệu, vật tư biến động mạnh, vượt xa đơn giá trúng thầu, nhà thầu rơi vào cảnh lỗ nặng. Việc duy trì các mũi thi công trở thành áp lực lớn. Có lúc, cán bộ ban điều hành đi một đoạn tuyến dài 5 - 7km không có mũi thi công nào”, ông Huy nhớ lại và cho biết, may thay, khi ấy, Bộ GTVT phát động phong trào 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần, trong đó có dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, các nhà thầu đều phải ký cam kết về tiến độ.
Vào thời điểm nhiều nhà thầu có dấu hiệu chậm huy động nguồn lực do mang tâm lý dự án sẽ được gia hạn thời gian hoàn thành, việc yêu cầu ký cam kết tiến độ đã xốc lại toàn bộ công trường.
Sản lượng thi công có sự chuyển biến lớn. Giai đoạn cuối, có những ngày khối lượng thảm bê tông nhựa kỷ lục lên tới 5.000 tấn so với 2.000 - 3.000 tấn ở thời điểm bình thường.
Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết có thể sớm đưa vào khai thác, theo ông Phạm Quốc Huy, phần lớn còn nhờ vào sự sát sao với công trường của lãnh đạo Bộ GTVT.
Đơn cử ngày 15/3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đi kiểm tra công trường. Sau khi nghe ban điều hành báo cáo về việc thiếu nguồn đất đắp, ngay trong ngày, Bộ trưởng đã làm việc, đề nghị tỉnh Bình Thuận làm báo cáo trên cơ sở nội dung Nghị quyết 31 của Chính phủ gửi Bộ TN&MT. Cùng thời điểm, Bộ GTVT cũng chuẩn bị báo cáo gửi đến cấp có thẩm quyền.
Đến đầu tháng 4/2023, Nghị quyết mới khơi thông nguồn đất đắp cho dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết được Chính phủ ban hành. Chỉ trong hai tuần, bế tắc về nguồn vật liệu trong thời gian dài được giải quyết. Đây là sự thần tốc cực kỳ hiếm có.
Vì uy tín, nhà thầu thấy lỗ vẫn làm
Đáp lại nỗ lực tháo gỡ khó khăn của lãnh đạo Bộ GTVT, trong suốt thời gian triển khai các dự án trọng điểm, hàng loạt nhà thầu lớn cũng sẵn sàng gác lại vấn đề lợi nhuận để bứt tốc tiến độ.
Tham gia thi công hai dự án thành phần: Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) vẫn không thể quên chuỗi ngày gian khó các nhà thầu phải vượt qua.
Bước vào năm 2022 là đỉnh điểm của giá vật tư, vật liệu so với thời điểm trúng thầu. Cước phí vận chuyển cũng tăng 1,5 lần. Biến động ấy khiến đơn giá thi công của nhà thầu đội lên 25 - 30% so với giá trúng thầu ở thời gian cao điểm nhất.
Bản thân là nhà thầu lớn, làm chủ được máy móc, thiết bị với nguồn vốn tích lũy và nguồn vốn vay được, Phương Thành Tranconsin không bị “lạc” vào tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá vật liệu xuống. Công trường vẫn được duy trì đều đặn, tận dụng tối đa các ngày thời tiết thuận lợi.
Là một trong những doanh nghiệp tham gia nhiều gói thầu nhất tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, có lúc, đơn giá thi công của Tập đoàn Cienco4 tại các dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Cam Lộ - La Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đều tăng từ 15 - 20% so với giá trúng thầu. Thế nhưng, đứng trước yêu cầu dự án không thể chậm tiến độ, Cienco4 chấp nhận chi phí phát sinh, dồn lực toàn bộ cho công trường.
“Tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, trong tháng 11 và tháng 12/2022, có những lúc tài chính đề xuất trong một tuần hơn 20 tỷ đồng so với 5 tỷ đồng/tuần như thông thường. Thời gian thi công cầu vượt được rút ngắn từ 8 tháng xuống chỉ còn 4 tháng”, ông Trần Văn Sơn, cán bộ quản lý dự án thuộc Tập đoàn Cienco4 chia sẻ.
Với sự quyết liệt, không thỏa hiệp về tiến độ, ngày 29/4, cả hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây với tổng chiều dài hơn 163km đã được thông xe, trong sự ngỡ ngàng của người dân. Bởi chỉ trước đó vài tháng, dự án còn ngổn ngang, không ai có thể tin dự án sẽ hoàn thành.
Và như vậy, chỉ trong 2,5 năm qua, số chiều dài đường cao tốc được tăng thêm hơn 600km, trong khi hơn chục năm trước chỉ xây dựng được khoảng 1.100km.
Cụ thể, các dự án được đưa vào khai thác trong 2,5 năm qua gồm: Cao Bồ - Mai Sơn (15km), Cam Lộ - La Sơn (98km), Mai Sơn - QL45 (63km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (101km), Phan Thiết - Dầu Giây (99km), Nha Trang - Cam Lâm (50km), Vân Đồn - Móng Cái (80km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51km).
Tổng chiều dài cao tốc của Việt Nam hiện nay là hơn 1.700km.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:
Ấn tượng sự tăng tốc của ngành GTVT
Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ GTVT thời gian qua, chưa bao giờ sự tăng tốc của ngành GTVT lại rõ rệt như thời gian qua.
Trong bối cảnh đất nước cần đổi mới để hội nhập, tăng tốc phát triển kinh tế thì ngành GTVT đã cho thấy một điểm sáng, là bài học cho các bộ, ngành khác.
Để phát triển đồng bộ, tận dụng được những lợi thế mà ngành GTVT đã tạo ra, Bộ GTVT nên có một chiến lược phát triển giao thông toàn quốc trên nền tảng đường cao tốc. Và cũng cần quy hoạch toàn bộ các tài nguyên liên quan đến phát triển đường cao tốc, tránh trường hợp bị động như vừa rồi. Ví dụ như: Đất, đá, cát, sỏi, xi măng, sắt thép…
Tức là, chúng ta cần có một quy hoạch nhằm ưu tiên nguyên liệu dành riêng cho hệ thống đường cao tốc, phát triển cơ sở hạ tầng cao tốc trong trung hạn hoặc trong dài hạn.
Xuân Thu (Ghi)
Niềm vui từ cung đường mới
Với anh Hoàng Văn Đông (sinh sống tại TP.HCM), niềm vui lớn nhất là quãng đường từ TP.HCM xuống TP Phan Thiết đã dễ dàng hơn rất nhiều khi dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác.
Theo tính toán, khi chưa có cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây, từ TP.HCM muốn đi Phan Thiết (Bình Thuận) phải mất ít nhất là 4 tiếng. Với việc cao tốc đưa vào khai thác, thời gian được rút ngắn còn chưa đầy 2 tiếng nhờ vận tốc được nâng lên đáng kể, phương tiện không phải gặp nhiều nút giao cắt như khi lưu thông trên QL1.
Những ngày này, vào dịp cuối tuần, người dân TP.HCM rủ nhau đi tắm biển và ăn hải sản ở Mũi Né (Phan Thiết), thay vì trước đó chỉ có một đường là đi biển Vũng Tàu.
Chị Minh Hương, chủ một doanh nghiệp kinh doanh nông sản tại xã Sông Bình, (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) cho biết, trước khi có đường cao tốc, việc vận chuyển hàng hóa của vựa chủ yếu phải sử dụng xe ba gác để di chuyển trên đường tỉnh lộ nhỏ, chuyển ra QL1 để vào Sài Gòn, tối đa chỉ được khoảng 500kg/chuyến.
Khi cao tốc chuẩn bị thông xe, chị đầu tư thêm hai xe tải thay cho mấy xe ba gác. Từ đây, mỗi chuyến hàng vận chuyển hàng được gấp 5 - 7 lần trước đây. “Có đường còn giúp tiết kiệm thời gian, hàng hóa nông sản, trái cây, hải sản; tối ưu chi phí xăng dầu, giúp thu nhập cao hơn”, chị Hương cho biết.
Vĩnh Phú
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận