Thủy sản từng là bệ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới 2009-2010 |
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI cho biết, báo cáo năm nay sẽ lấy ngành nông nghiệp làm trục chính để tìm hiểu mỗi liên kết giữa việc phát triển doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo báo cáo, hiện nay, dù là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nhưng tỷ trọng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm thủy sản còn (NLTS) rất nhỏ. Mặc dù số lượng doanh nghiệp trong NLTS đã tăng từ 2.397 doanh nghiệp năm 2007 lên 3.635 doanh nghiệp năm 2013 nhưng tỷ trọng doanh nghiệp trong NLTS lại có xu hướng giảm đi, từ 1,6% xuống còn 1% trong giai đoạn 2007-2013.
Nếu Nông nghiệp là ngành có số lượng doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng, từ 787 doanh nghiệp năm 2007 lên 1.707 doanh nghiệp năm 2013, thì thủy sản lại có tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp thấp, thậm chí có những năm số lượng doanh nghiệp giảm đi.
Trong đó, nông nghiệp là ngành có tỷ trọng cao nhất về số lượng doanh nghiệp, với 1.707 doanh nghiệp năm 2013, chiếm 47% trong tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực NLTS, tiếp đến là thủy sản với 1.296 doanh nghiệp, chiếm 35,7%, cuối cùng là lâm nghiệp với 632 doanh nghiệp, chiếm 17,3%.
Các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang dần khẳng định vị thế và vai trò của mình trong lĩnh vực NLTS tuy nhiên khu vực doanh nghiệp này mới chỉ chiếm đa số về số lượng doanh nghiệp, còn về lao động và tài sản vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp FDI vẫn ít đầu tư vào lĩnh vực NLTS, chiếm 3% tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực NLTS và chiếm 1,09% tổng số doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực thu hút nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NLTS nhất, chiếm ¼ số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thủy sản. Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung cũng là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp ngành thủy sản cao, chiếm 21,4%.
Trái ngược với xu thế chung của nền kinh tế, hiệu quả sử dụng lao động trong giai đoạn 2007-2013 của ngành NLTS đã được cải thiện, dù mức độ cải thiện không cao, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức trung bình của cả nền kinh tế. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp NLTS cũng có xu hướng được cải thiện và tốt hơn mức trung bình của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, thể hiện qua chỉ số thanh toán hiện tại, chỉ số khả năng trả lãi vay và chỉ số nợ.
Hiệu suất sinh lợi của các doanh nghiệp NLTS cũng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự cao hơn này chủ yếu nhờ hiệu suất sinh lợi cao trong ngành thủy sản. Ngành Thủy sản cũng là ngành có hiệu quả sử dụng lao động cao nhất, hiệu quả sử dụng vốn cao nhất và khả năng tài chính tốt nhất. Đáng chú ý là tỷ lệ các doanh nghiệp NLTS kinh doanh thua lỗ lại đang có xu hướng tăng lên, từ 12,6% năm 2007 lên 35,1% năm 2013.
Ông Lộc cho rằng, NLTS đã trở thành bệ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn 2009-2010 khi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ diễn ra. Dù có vai trò quan trọng như vậy nhưng nay sự phát triển của lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân được ông Lộc chỉ ra là tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chất lượng chưa cao, năng suất thấp... “Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do sự thiếu vắng doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt phát triển trong lĩnh vực này”, ông Lộc kết luận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận