Các nhà sản xuất ô tô trên thế giới vốn đã khốn khó vì đại dịch Covid-19 nay lại càng thêm áp lực về tài chính khi không thể rút chân ra khỏi lĩnh vực phát triển xe điện, dù đã tiêu tốn hàng tỷ USD. Câu chuyện về dây chuyền sản xuất mang tên Zwickau của Volkswagen (VW) tại khu vực gần biên giới giữa Đức với Cộng hòa Séc là ví dụ điển hình.
Khó khăn chồng chất
Zwickau nằm trong kế hoạch phát triển và chế tạo xe điện trị giá 33 tỉ euros (tương đương 36 tỉ USD) tính đến năm 2024. VW mong muốn sản xuất hơn 330.000 ô tô/năm, đưa nơi đây trở thành một trong những nhà máy sản xuất xe điện lớn nhất châu Âu, làm đòn bẩy cho VW vượt qua tập đoàn chuyên xe điện của Mỹ - Tesla.
Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế do tác động từ dịch bệnh, ngành sản xuất và tiêu thụ ô tô nói chung và các tập đoàn như VW nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, rơi vào tình cảnh phổ biến là: Phòng trưng bày ế khách, nhà máy dừng hoạt động, thậm chí bị dồn đến bờ vực phá sản.
Khi xã hội xuất hiện vô số người thất nghiệp, nhu cầu mua nhà, mua xe chắc chắn không còn sôi nổi. Chưa kể giá dầu rẻ khiến cho các phương tiện chạy bằng xăng vẫn hấp dẫn hơn xe điện. Thêm nữa, một số chính phủ kẹt tiền vì chi tiêu chống dịch không còn có thể trợ cấp cho những chương trình thúc đẩy công nghệ mới.
Ngay từ trước dịch, các nhà sản xuất cũng lao đao vì kinh tế Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới cũng lao dốc. Đây là nơi có hơn nửa số khách hàng mua xe điện trong tổng số xe điện được bán ra trên toàn thế giới.
Theo ước tính từ BloombergNEF, doanh số xe điện dự kiến còn 932.000 chiếc trong năm nay, giảm 14% so với năm 2019. Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo, những tập đoàn ô tô như Renault SA (một trong những hãng đầu tiên bắt tay vào phát triển xe điện với những mẫu xe như Zoe) có thể “biến mất” hoàn toàn nếu không được chính phủ trợ cấp.
Kể cả tập đoàn đi tiên phong trong ngành xe lai điện là Toyota Motor với mẫu xe lai điện nổi tiếng là Prius, cũng gặp áp lực và dự kiến lợi nhuận giảm đến mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ.
Không còn đường lùi và thách thức từ Trung Quốc
Các nhà sản xuất ô tô đã đổ “tiền tấn” vào kế hoạch chuyển đổi công nghệ ô tô tương lai như xe lai điện, xe tự động lái và đang phải đối mặt với thử thách: Liệu kế hoạch được xây dựng từ trước dịch với mục tiêu chế tạo và bán xe điện có lợi nhuận, có thể thành công trong môi trường kinh tế đang thay đổi mạnh như hiện nay hay không?
Một số nhà sản xuất ô tô của Đức cũng không ngừng thúc đẩy kế hoạch EV như Daimler AG vẫn tiếp tục kế hoạch sản xuất xe điện với xe tải và xe hơi loại nhỏ chạy bằng pin vào cuối năm nay. BMW dự kiến sẽ giới thiệu xe INEXT cỡ SUV vào năm 2021 cũng như dòng sedan i4 để đối trọng với mẫu xe Model 3 đang bán chạy nhất thị trường của Tesla.
Theo một số chuyên gia, câu trả lời có lẽ là: Dù biết Covid-19 đang tiêu diệt nhu cầu xe điện nhưng các hãng ô tô vẫn phải tiếp tục vì không còn có thể quay trở lại.
Ông Thomas Ulbrich, người đang điều hành doanh nghiệp EV của VW cho biết: “Mỗi chúng ta đều có một nhiệm vụ lịch sử phải hoàn thành, để bảo vệ sức khoẻ cho khách hàng, cùng lúc phải đưa doanh nghiệp trở lại đúng hướng, một cách có trách nhiệm”.
Như với ví dụ về nhà máy Zwickau của VW, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Zwickau vẫn là nhà máy đầu tiên tại Đức nối lại hoạt động sau lệnh giới nghiêm trên toàn quốc bắt đầu từ tháng 3. Trước khi khởi động, công ty đã thảo một danh sách chi tiết khoảng 100 biện pháp an toàn đối với nhân viên như phải đeo khẩu trang, đồ bảo hộ. Để đề phòng, VW giảm năng suất xuống còn 50 chiếc ô tô/ngày, tương đương 1/3 năng suất trước dịch.
Ba tháng qua, dù dịch bệnh, thành viên Hội đồng Quản trị VW - ông Thomas Ulbrich và Giám đốc điều hành VW Herbert Diess luôn luôn cam kết tiếp tục kế hoạch xe điện. “Tôi và Thomas Ulbrich đều bắt đầu tuần làm việc mới với kế hoạch xe điện ID.3 - dự án quan trọng nhất để đáp ứng các mục tiêu khí thải CO2 của châu Âu trong năm 2020 và 2021. Chúng tôi đang nỗ lực để khung thời gian làm việc không bị rối loạn”, ông Diess nói.
Một vấn đề đáng ngại hơn cả, có thể làm tổn hại tới kế hoạch tăng quy mô sản xuất của VW đó là kho vận. Ô tô đã sản xuất bị ế ẩm hoặc không thể chuyển đi nên không có chỗ cho ô tô mới. Để giải quyết khúc mắc, VW cũng buộc phải chấp nhận chiến lược kinh doanh mới vốn được các nhà sản xuất Trung Quốc áp dụng, đó là diệt khuẩn ô tô đã hoàn thành và giao tới nhà cho khách hàng lái thử và mở rộng thương mại trực tuyến.
Đối với VW và một số hãng ô tô khác, trong trường hợp họ vượt qua thử thách từ Covid-19, để có thể dẫn đầu thế giới về xe điện, họ còn phải đối mặt với thách thức từ Trung Quốc. Giám đốc điều hành VW Herbert Diess gọi Trung Quốc là “động cơ thành công của VW” bởi đất nước này đã và đang gần như dẫn đầu thế giới về tương lai xe điện.
Dù hứng chịu hậu quả nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 nhưng chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn thực hiện các chính sách thúc đẩy doanh số EV và giúp các nhà sản xuất ô tô nội địa cạnh tranh trên toàn cầu, không chỉ với xe hơi chạy điện thông thường mà cả các dòng xe buýt chở khách. Đây là một phần trong mục tiêu đưa Bắc Kinh trở thành siêu cường công nghiệp vào năm 2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận