Chuyện dọc đường

Ngập nước hay ngập trách nhiệm?

07/06/2024, 06:30

Sáng sớm 5/6, người dân Hà Nội chật vật đi làm trong mưa và ngập. Ngập nặng khắp nơi và kéo dài đến 9-10h sáng. 

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội phải huy động nhân công cật lực khơi thông dòng chảy, cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn giao thông.

Ngập nước hay ngập trách nhiệm?- Ảnh 1.

Cơn mưa lớn trong sáng 5/6 khiến nhiều tuyến phố tại Hà Nội bị ngập sâu. Ảnh: Tạ Hải.

Ở đầu phía Nam của đất nước, TP.HCM cũng trong tình cảnh tương tự, nhưng bệnh ngập trầm kha hơn. Tuần trước, mới chỉ vài cơn mưa đầu mùa chưa lớn lắm mà TP Thủ Đức đã rối loạn vì ngập, nhất là khu vực quanh chợ Thủ Đức. 

Nguy cấp đến mức sau đó, ngày 31/5, UBND TP Thủ Đức phải phối hợp với phân hiệu trường Đại học Thuỷ Lợi tổ chức ngay tọa đàm về thực trạng và giải pháp giảm ngập, ngõ hầu tìm kiếm lối thoát.

Ngập ở TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai… hay các đô thị lớn khác, nguyên nhân chính là do quy hoạch xây dựng không tôn trọng quy tắc cốt nền; do lấp, lấn kênh rạch để làm nhà cửa, xây dựng công trình; do bê tông hoá, không còn đất để thẩm thấu nước; do lòng cống hẹp, năng lực tiêu thoát kém…

Ông Mai Hữu Quyết, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức còn nêu một nguyên nhân: "Trước giờ, chúng ta chỉ nghĩ giảm rác để thành phố sạch thôi. Nhưng rác là nguyên nhân chính khiến ngập càng thêm trầm trọng.".

Từ đó, ông kết luận: cùng với các giải pháp mở rộng một số kênh rạch, thi công hệ thống thoát nước và các giải pháp phi công trình là quản lý, điều hành, kiểm soát cống, ngăn triều… thì còn phải vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch.

Dĩ nhiên, vị phó chủ tịch Thủ Đức nói không sai. Ở TP.HCM hay Hà Nội cũng thế thôi. Rác là một trong số các nguyên nhân, nhưng là nguyên nhân làm ngập tức thời, làm trầm trọng thêm. Nếu không có rác, vẫn cứ ngập! Vì sao?

Ví dụ ở TP.HCM, một thành phố chằng chịt kênh rạch, bây giờ nhiều con kênh đã biến thành phố. Như kênh Tân Hoá ở quận Tân Phú. Đó là một con kênh quan trọng, có giá trị trong giao thông thủy, giờ nó là con đường 6 làn xe thênh thang. Dĩ nhiên bên dưới có cống hộp. Nhưng cống hộp làm sao bằng con kênh lưu thoát nước?

Hay rất nhiều kênh rạch khác ở Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 4, quận 6, quận 7… Kênh chỉ còn là dấu tích bởi chồng bên trên nó là tầng tầng lớp lớp nhà cửa.

Mặt khác, cốt nền trong xây dựng là điều mà các nhà khoa học đã cảnh báo từ hơn 20 năm trước nhưng gần như bị phớt lờ. Để giờ đây, một số con đường cứ làm xong rồi nâng lên, nâng tới nâng lui, ngập vẫn hoàn ngập.

Tại TP Thủ Đức, sau khi dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân vừa hoàn thành, ngay cơn mưa đầu mùa hồi tháng 5 vẫn cứ lênh láng. Thậm chí, năng lực tiêu thoát kém - có thể do phi ống cống - còn thổi bay cả nắp cống bằng sắt do áp lực nước được tạo ra theo nguyên tắc bình thông nhau. Chẳng lẽ khi thiết kế, các kỹ sư không nhận thấy hậu quả này?

Ngập dĩ nhiên là do nhiều nguyên nhân, ai cũng thấy. Nhưng còn một số nguyên nhân nữa: năng lực quản trị đô thị kém, năng lực thiết kế thi công kém, tinh thần chịu trách nhiệm kém... Đừng cố đổ cho lý do này kia, người dân đã đóng thuế nuôi bộ máy quản trị, họ phải được hưởng thành quả chứ không phải nhận lấy hậu quả mỗi khi mưa xuống như thế này.

Nói như ông phó chủ tịch ở Thủ Đức, rác là một trong số các nguyên nhân chính làm trầm trọng thêm nạn ngập. Để chống xả rác, không chỉ vận động hô hào mà còn phải có chế tài, phạt.

Cũng vậy, những ai được giao quản trị đô thị mà quản trị lôi thôi, chất lượng kém, cần phải phạt hoặc nhường cho người khác làm. Đừng để người dân năm nào khi mưa đến cũng khổ sở ngập trong nước, còn "trách nhiệm" thì cứ trôi nổi lều bều mà không ai nhận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.