Sau gần 1 tháng gián đoạn, TAND TP.HCM cho biết sẽ quyết định tiếp tục phiên xử sơ thẩm vụ kiện dân sự giữa taxi Vinasun và Grab vào ngày 7/3 tới. Vụ kiện trước đó đã được tạm hoãn để tòa án yêu cầu Grab Taxi bổ sung danh sách các hợp tác xã là đối tác của đơn vị này cũng như một số vấn đề pháp lý… Xung quanh vấn đề vụ kiện này, PV Báo Giao thông có cuộc trao đổi với các luật sư.
Luật sư Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh Đông Á: Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ Vinasun kiện Grab, dựa theo luật Grab đã vi phạm các điều kiện về kinh doanh vận tải. Hàng loạt chứng cứ pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước đã khẳng định hình thức kinh doanh của Grab là vận tải hành khách bằng xe taxi. Cụ thể, Grab quyết định giá cước vận chuyển, liên tục tung ra các chương trình khuyến mại gửi thẳng đến điện thoại các nhóm khách hàng đi taxi. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho khách hàng đi xe Grab…Ngoài ra giao dịch của Grabtaxi không phải là “hợp đồng điện tử”. Bởi giao dịch của Grabtaxi với khách hàng (người đi xe và trả tiền dịch vụ vận chuyển hành khách), theo Bộ luật dân sự 2015 - Điều 116 chính là giao dịch dân sự, hình thức tuân theo Điều 119 BLDS.
Tại điều 45 Thông tư 63 và điều 7 Nghị định 86, khi hoạt động kinh doanh Grab không có bản chính hoặc bản sao hợp đồng, danh sách hành khách đi xe theo quy định. Không đáp ứng được điều kiện về hợp đồng vận chuyển hành khách. Bởi một hợp đồng vận chuyển phải có các nội dung cơ bản như thời gian thực hiện hợp đồng, địa chỉ nơi đi, nơi đến…
Theo luật sư Vân, Grab còn vi phạm “Đề án 24” của Bộ GTVT, dù không được thực hiện thí điểm tại các địa phương như Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng nhưng Grab vẫn tiến hành triển khai dịch vụ của mình tại các địa phương này.
Phiên toà vụ kiện giữa Vinasun và Grab. |
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM: Hiện nay phải có cơ đội quản lý cả Grab, Uber để khi xảy ra tình huống như mất trộm, an ninh thì phải có ai là người chịu trách nhiệm. Đồng thời phải có một hiệp hội như hiệp hội vận tải hay taxi để xây dựng nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của tài xế.
Qúa trình thí điểm về đề án, tài xế phải được ký hợp đồng lao động về bảo hiểm, y tế. Khi hoạt động kinh doanh Grab, Uber sử dụng phần mềm công nghệ nhưng phải coi là một doanh nghiệp, tham gia đóng thuế đầy đủ, tuân thủ mọi hoạt động kinh doanh vận tải có điều kiện.
Việc Vinasun kiện Grab cũng là chuyện bình thường tuy nhiên họ phải chứng minh được những thiệt hại, có cơ sở pháp lý và phải chứng minh như thế nào thì đợi tòa án quyết định. Hai bên đang tranh luận nhau thì hãy để cho bản án của tòa án ban hành, đây sẽ còn là một câu chuyện dài vì mới chỉ ở Sơ thẩm còn phải Phúc thẩm, Giám đốc thẩm nữa. Điều mà người dân quan tâm là dù taxi truyền thống hay công nghệ nhưng phải có cơ chế để bảo vệ người tiêu dùng khi gặp những tình huống xấu.
Luật sư Lê Văn Phiến, đoàn luật sư TP.HCM: Từ trước giờ tại Việt Nam chưa thấy có vụ nào hai doanh nghiệp vận tải kiện nhau, một bên là nguyên đơn và một bên là bị đơn và ngay cả Toà án cũng sẽ phải làm việc hết sức vất vả để có thể đưa ra những lập luận và quyết định cho cả hai bên.
Theo luật dân sự, nếu Vinasun chứng minh được những thiệt hại của mình thì trên cơ sở đó tòa án sẽ có những quyết định cụ thể. Tôi cho rằng vụ việc này cần có sự can thiệp của cơ quan chức năng chuyên ngành để giải quyết vụ việc công bằng, đúng pháp luật. Về phía khách hàng, hãng vận tải nào tốt, phù hợp, giá rẻ người dân sẽ chọn lựa và họ cần phải có một cơ quan doanh nghiệp cụ thể để bảo vệ quyền lợi khi xảy ra sự cố.
Vinasun kiện Grab đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng với lý do tổng thiệt hại mất lợi nhuận của Vinasun năm 2016 +2 Quý 2017 (Q1+Q2) = 75,9 tỷ đồng, trong đó phần thiệt hại do Công ty TNHH GrabTaxi gây nên cho Vinasun là: 75,9 x 54,25% = 41,2 tỷ đồng. Vinasun còn cho rằng Grab đã làm Cơ quan thuế, cơ quan BHXH thất thu nghiêm trọng. Kỳ kinh doanh 2014 - 2016 Vinasun nộp hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuế, 400 tỷ đồng tiền BHXH, trong khi đó Grab chỉ nộp 9,5 tỷ đồng tiền thuế. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận