Tâm sự

Ngày 8/3: Những bóng hồng từ phòng thí nghiệm

03/03/2017, 07:16

Có những nhà khoa học nữ dành cả cuộc đời, tuổi thanh xuân của mình cho công trình nghiên cứu.

5

GS. TS. Nguyễn Kim Phi Phụng, cá nhân duy nhất giành giải Kovalevskaia năm 2016

“Cả đời trong phòng thí nghiệm”

GS. TS. Nguyễn Kim Phi Phụng, giảng viên bộ môn Hóa hữu cơ, Khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, là cá nhân duy nhất giành giải Kovalevskaia năm 2016. 40 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, GS. Kim Phụng đã từng tham gia hướng dẫn 8 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 69 thạc sĩ và hàng trăm sinh viên thực hiện khóa luận tốt nghiệp. Cũng trong thời gian này, chị cùng những sinh viên của mình hướng tới nghiên cứu khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật hoặc địa y ở Việt Nam, đặc biệt là những loài thực vật chưa được trong nước và thế giới khảo sát. Theo đó, chị đã tiến hành khảo sát 53 loài cây và cho ra kết quả thực nghiệm về hóa học, hoạt tính sinh học của những loài thực vật đó. Kết quả, chị đã phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế tốt sự phát triển của tế bào ung thư ở người như: Ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi hoặc ức chế được các loại enzyme liên quan đến bệnh tiểu đường, gây nám đen da, bệnh Alzheimer...

Kết quả các công trình nghiên cứu của GS. TS. Kim Phụng đã đóng góp vào kho tàng cây thuốc Việt Nam, đồng thời cung cấp cơ sở dữ liệu cho các nhà khoa học, nhất là lĩnh vực hóa dược, có thể định hướng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, phục vụ cho nền công nghiệp dược ở Việt Nam và thế giới. Thế nhưng, khi hay tin là cá nhân duy nhất nhận giải Kovalevskaia năm 2016, nữ giáo sư chia sẻ: “Tôi cảm thấy quá bất ngờ. Từ trước tới nay chỉ quen trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu và cống hiến, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đón nhận vinh dự này”.

Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017- 2022) được tổ chức từ ngày 7 đến 9/3. Tham dự đại hội có hơn 1.100 đại biểu chính thức là những phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho các tầng lớp phụ nữ, các dân tộc, tôn giáo, các độ tuổi, các ngành nghề, các lĩnh vực công tác và các vùng miền  khác nhau trong cả nước. Trong dịp này, ngoài giải thưởng Kovalevskaia năm 2016 được trao tặng, Chương trình Tự hào phụ nữ Việt Nam cũng sẽ tôn vinh, biểu dương 100 phụ nữ tiêu biểu.

Để có được những thành quả nghiên cứu trên, GS. Kim Phụng không thể quên chuỗi tháng ngày lang thang một mình hoặc cùng học viên đi tìm những cây thuốc mới, lạ còn chưa được ai nghiên cứu, đặt tên. “Có những lúc khó khăn, bế tắc nhưng tôi quyết tâm không thể từ bỏ được, vì tôi hiểu những công trình nghiên cứu này còn gắn với kết quả nghiên cứu sinh của học viên. Vì vậy, hơn hết tôi phải là cột mốc trụ lại để cho sinh viên bình tâm tiếp tục triển khai”, nữ giáo sư quả quyết. Kết quả nghiên cứu được hội đồng chuyên môn đánh giá cao, tuy nhiên điều khiến GS. Kim Phụng trăn trở là tới thời điểm này vẫn chưa thể triển khai ứng dụng thành sản phẩm ra thị trường. “Tất cả mới dừng ở mức độ nghiên cứu cơ bản. Từ kết quả phòng thí nghiệm tới sản xuất viên thuốc bán trên thị trường sẽ phải mất nửa chặng đường nữa, cùng với đó là vốn đầu tư lớn, công sức lẫn tiền bạc. Chỉ tiếc rằng, nguồn dược liệu của nước ta còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá một cách đầy đủ, có hệ thống. Trong khi đó, các công ty dược hiện nay chỉ muốn sản xuất những thứ có sẵn, không muốn đầu tư nhiều vào nghiên cứu...”, nữ giáo sư trải lòng.

Nhìn lại chặng đường đã qua, giờ đây, GS. Kim Phụng chỉ có ước nguyện đủ sức khỏe để dìu dắt những thế hệ sinh viên tiếp theo. “Các em chính là sản phẩm cụ thể của đời tôi. Thật hạnh phúc khi tôi biết rằng, nhiều em không những trở thành giảng viên mà còn là những người nối bước trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học”.

Những nhà khoa học nữ đi đầu về công nghệ nano

Trong lần trao giải Kovalevskaia này, giải tập thể được trao cho nhóm nhà khoa học nữ nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về Khoa học và công nghệ nano, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam. Theo đó, tập thể gồm 5 nhà khoa học nữ bao gồm: PGS. TS. nghiên cứu viên cao cấp (NCVCC) Trần Kim Anh; PGS. TS. NCVCC Vũ Thị Bích; PGS. TS. NCVCC Phạm Thu Nga; PGS. TS. NCVCC Trần Hồng Nhung; PGS. TS. NCVCC Nguyễn Phương Tùng đã và đang làm chủ nhiệm, thực hiện thành công 12 đề tài cấp Nhà nước, 17 đề tài cấp Bộ, 8 đề tài cấp Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam và 6 đề tài cấp quốc gia NAFOSTED. Các chị cũng là tác giả và đồng tác giả của khoảng 636 bài viết, trong đó có khoảng 120 bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế nổi tiếng.

Trong số các công trình nghiên cứu khoa học, cụm công trình khoa học nổi bật nhất của nhóm nhà khoa học nữ với nhan đề “Cụm công trình nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về khoa học và công nghệ nano” nhằm tới các ứng dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, y - sinh và dược học. Đây cũng là những nhà khoa học nữ đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về các vật liệu bột phát quang chứa các ion đất hiếm, phục vụ việc sản xuất đèn huỳnh quang để chế tạo bẫy đèn diệt côn trùng, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cũng theo hướng nghiên cứu này, các chị đã đầu tư nghiên cứu các vật liệu nano để sử dụng cho các ứng dụng sinh học, chế tạo các đầu dò sinh học phát hiện vi khuẩn và tế bào ung thư; Theo dõi sự xâm nhập của thuốc vào trong tế bào hay khối u trong cơ thể; Phát hiện sớm tế bào ung thư vú. Bên cạnh đó, các chị phát triển mạnh nghiên cứu về hệ kính hiển vi huỳnh quang, cho phép chụp cắt lớp và dựng ảnh 3D tế bào và mô sống, là công cụ đắc lực trong nghiên cứu sinh học và chẩn đoán y học.

Trong tập thể 5 nhà khoa học nữ, PGS. TS. Nguyễn Phương Tùng là người đang nghiên cứu hàng loạt các hệ sản phẩm đặc thù cho ngành Dầu khí như: Chất hạ điểm đông, cải thiện tính lưu biến cho dầu thô paraphin, chất ức chế sa lắng muối, hệ polymer gel chịu nhiệt để bịt nước trong các giếng bơm ép tại móng mỏ Bạch Hổ, hệ chất hoạt động bề mặt bền nhiệt cho tăng cường thu hồi dầu... Ngoài ra, nghiên cứu ứng dụng các hạt nano Fe3O4 biến tính bề mặt để xử lý ô nhiễm nước cũng được nữ nhà khoa học thực hiện với kết quả khả thi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.