Showbiz

Ngày càng nhiều hoa hậu diễu võ giương oai: "Lắm hoa nhiều hậu" làm gì?

16/10/2020, 20:58

NSND Lê Ngọc Cường - Nguyên Cục trưởng Cục NTBD khẳng định, hiện nay danh xưng hoa hậu đang bị “thương mại hoá”, “truyền thông hoá”...

img
Cuộc thi Miss Global Herbeauty 2020 diễn ra hồi tháng 1/2020 bị cơ quan quản lý "sờ gáy" vì tổ chức không được cấp phép

Tuỳ tiện "nâng giá" cuộc thi

Hoa hậu chuyển giới quốc tế Hương Giang từng thừa nhận: “Muốn là sao hạng A thì cách nhanh nhất là chiến thắng vương miện hoa hậu”. Thế nhưng, sao hạng A với những hoạt động văn hoá, nghệ thuật ý nghĩa chưa thấy đâu, chỉ thấy ngày càng có nhiều hoa hậu xưng danh rồi vướng phải loạt scandal đời tư rúng động. Thậm chí, hồi tháng 7 vừa qua, một Hoa hậu Thế giới người Việt tại Úc còn nằm trong đường dây bán dâm 30.000 USD gây xôn xao dư luận.

Câu hỏi hoa hậu đã làm được những gì cho xã hội chưa có câu trả lời. Những chương trình được gọi là gala tôn vinh sắc đẹp nhưng thể lệ và hình thức tổ chức chẳng khác nào một cuộc thi nhan sắc vẫn như một làn sóng ngầm mạnh mẽ. Mới đây, câu lạc bộ Doanh nhân (thuộc Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) và Công ty TNHH Truyền thông VinaArt chính thức ấn định ngày tổ chức chương trình gala tôn vinh Nữ Doanh nhân tài sắc năm 2020 vào ngày 19/12. Theo Ban tổ chức (BTC), chương trình nhằm vinh danh những đóng góp to lớn của các nữ doanh nhân trên các lĩnh vực văn hóa, kinh tế và xã hội; Là sân chơi bổ ích, mang tầm đẳng cấp của các doanh nhân trên toàn quốc.

Đáng nói, BTC còn công bố danh sách dài các đơn vị truyền thông bảo trợ thông tin cho cuộc thi kèm theo logo của các cơ quan báo chí, truyền hình trong nước. Đây là yếu tố khiến thí sinh cuộc thi yên tâm về độ phủ sóng rộng khắp các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, một trong số các đơn vị truyền thông được nêu tên là Báo Người Lao Động đã lên tiếng khẳng định không hề bảo trợ truyền thông mà BTC tự ý khẳng định và sử dụng logo của báo mà không được sự đồng ý của Ban Biên tập báo.

img
Poster chương trình gala tôn vinh Nữ Doanh nhân tài sắc năm 2020 đưa logo của nhiều đơn vị báo chí

Đây không phải lần đầu tiên BTC cuộc thi nhan sắc tuỳ tiện sử dụng logo của các đơn vị báo chí nhằm tăng sự uy tín của mình. Năm 2019, Báo Đầu tư, Dân trí đã lên tiếng phủ nhận việc bảo trợ truyền thông mà BTC cuộc thi Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 đã ngộ nhận quảng bá.

Theo Luật sư Trương Quốc Hoè (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết,việc sử dụng logo công ty nhưng không xin phép là hành vi vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ và sẽ bị xử phạt theo Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp). Tùy thuộc mức độ vi phạm mà mức xử phạt sẽ khác nhau từ 500.000 – 10.000.000 đồng.

“Tuy nhiên, đối với các cơ sở báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc một số cơ quan nhà nước không được bảo hộ bởi sở hữu trí tuệ khiến cho tổ chức của mình bị xâm phạm mà không được bảo vệ. Ngoài ra, theo việc sử dụng các logo này trên băng rôn giới thiệu, quảng bá cho sự kiện này thì đó là sự vi phạm nghiêm trọng Luật Quảng cáo về lừa dối”, luật sư Hoè giải thích thêm.

img
BTC giới thiệu quyền lợi cho các danh hiệu Nữ hoàng Doanh nhân, Hoa khôi Doanh nhân

Danh xưng hoa hậu bị “thương mại hoá”

Nhà văn, nhà viết kịch Chu Thơm (Nguyên Phó trưởng Phòng Nghệ thuật Cục Nghệ thuật Biểu diễn) thẳng thắn, có một thực tế không thể chối cãi rằng, cuộc thi nhan sắc nào cũng được tô điểm bởi thông điệp mà BTC “vẽ” ra, hoa hậu nào cũng sẽ được gắn với một sứ mệnh vô cùng lớn lao.

Nhưng thử hỏi, có mấy cô hoa hậu nào dám dấn thân về những nơi tận cùng của Tổ quốc để chia sẻ khó khăn với đồng bào? Có mấy cô hoa hậu tiếp tục thực hiện lời hứa khi đăng quang, hay đắm chìm trong loạt scandal hoặc nhanh chóng lên xe hoa với một đại gia ngay khi vừa hết nhiệm kỳ?

"Ngày càng có nhiều cuộc thi sắc đẹp, ngày càng có nhiều hoa hậu diễu võ giương oai trên sóng truyền hình, trên mạng xã hội. Ai cũng muốn được trở thành hoa hậu, từ một nữ sinh còn đang ngồi trên ghế giảng đường hay tới cô gái công khai việc sống nhờ bạn trai rồi tự xưng làm “nữ hoàng nội y”. Có những cô gái suốt đời chỉ làm một việc là tham gia các cuộc thi nhan sắc, cố tìm lấy một danh hiệu để được đổi đời, giàu có. Nhiều người sắm được xe sang, đồ hiệu đầy người, lấy được chồng giàu cũng từ những cuộc thi như thế này", nhà biên kịch Chu Thơm nói.

img
Trần Thu Ngân kết hôn với một doanh nhân hơn gần 20 tuổi sau vài tháng đăng quang Hoa hậu Bản sắc Việt toàn 2016

Đồng quan điểm, NSND Lê Ngọc Cường (Nguyên Cục trưởng Cục NTBD) khẳng định, hiện nay danh xưng hoa hậu đang bị “thương mại hoá”, “truyền thông hoá” khi rất nhiều người đẹp được gắn với danh xưng hoa hậu nhưng không ai biết họ mang đến giá trị nhân văn gì cho xã hội.

Trong khi đó, Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân cho rằng việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu hiện nay như một hoạt động kinh tế đáp ứng việc "có cầu ắt có cung". Có rất nhiều người ham muốn một danh hiệu nhan sắc, kể cả những cuộc thi người ta vẫn gọi là "ao làng". Song, họ không hiểu rằng, ngay cả những hoa hậu bước ra từ các cuộc thi chính thống, nếu không hoàn thiện bản thân mỗi ngày, làm những điều có ý nghĩa họ cũng sẽ bị "đào thải", lãng quên.

"Tất nhiên, chúng ta cũng cần có quy chế rõ ràng đối với các hình thức thi nhan sắc trá hình. Từ đó, có biện pháp răn đe, xử phạt để tránh ảnh hưởng đến uy tính của các cuộc thi chính thống", Ngọc Hân bày tỏ.

Việc sử dụng logo công ty nhưng không xin phép là hành vi vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ và sẽ bị xử phạt theo Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp), tùy thuộc mức độ vi phạm mà mức xử phạt sẽ khác nhau.

Cụ thể như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3.000.000 đồng:

a) Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;

b) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.