Rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới mua chuyên cơ doanh nghiệp để phục vụ riêng các lãnh đạo |
Đầu tuần này, Tập đoàn đa quốc gia General Electrics (GE) thông báo sẽ bán dàn máy bay, trực thăng tư nhân chuyên phục vụ các giám đốc điều hành (CEO) để giải quyết khó khăn tài chính, góp phần tiết kiệm được một khoản tiền có thể lên tới 2 tỉ USD. Nhân câu chuyện này, phần đông dư luận đặt câu hỏi, tại sao các CEO phải chi bộn tiền cho dàn máy bay riêng?
Chi phí di chuyển thế nào?
Vì khó khăn tài chính liên miên, chỉ số trên bảng xếp hạng công nghiệp trung bình Down Jones (đánh giá khu vực công nghiệp của thị trường chứng khoán tại Hoa Kỳ) trượt sâu nên ban lãnh đạo dưới thời tân Giám đốc điều hành General Electrics - ông John Flannery đã phải lên kế hoạch thay đổi chính sách đi lại dành cho các lãnh đạo cấp cao của công ty.
Trong đó, GE dự định bán tất cả máy bay và trực thăng tư nhân phục vụ lãnh đạo và chỉ thuê máy bay để phục vụ chuyến công tác của các quan chức cao cấp của tập đoàn nhằm tiết kiệm chi phí. Dự định này nằm trong kế hoạch cắt giảm chi tiêu khoảng 2 tỉ USD của công ty.
Hiện, chưa rõ kế hoạch này sẽ giúp GE tiết kiệm được bao nhiêu. Như nhiều doanh nghiệp lớn khác, GE yêu cầu CEO của hãng phải sử dụng máy bay của công ty khi đi công tác, kể cả cho việc đi lại cá nhân vì lý do an ninh, hãng tin Bloomberg dẫn thông báo của GE cho biết. GE đã chi tới 257.639 USD cho các chuyến bay cá nhân của cựu CEO, ông Jeffrey Immelt trong năm 2016, chưa kể tiền chi cho các chuyến công tác nước ngoài.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, trong 3 năm gần đây nhất, các giám đốc điều hành cấp cao của GE đã chi tổng cộng 1,4 triệu USD cho các chuyến đi cá nhân trên các máy bay thuộc sở hữu của Tập đoàn GE. Tờ báo Mỹ dẫn thông tin từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho biết, General Electric vốn sở hữu một chi nhánh sản xuất động cơ máy bay, đang có 6 máy bay doanh nghiệp bao gồm: 3 máy bay dành cho doanh nhân Challenger 600s và 2 máy bay Global 5000s, tất cả đều do hãng Bombardier sản xuất.
Chiếc còn lại mà GE sở hữu là máy bay phản lực hạng nhẹ HondaJet. Ngoài ra, tập đoàn đa quốc gia này còn có 2 trực thăng AgustaWestland. Tạp chí Aircraft Bluebook định giá 6 chuyên cơ có giá tổng cộng khoảng 70 triệu USD. Giá trị có thể thay đổi tuỳ vào số giờ bay, trang thiết bị và cả chương trình bảo trì động cơ máy bay. Các chi phí bay và bảo quản cố định thường niên trong 423 giờ bay đối với mỗi chiếc chuyên cơ Challenger rơi vào khoảng 1,75 triệu USD và khoảng 2,5 triệu USD cho mỗi chiếc Global - con số trên do công ty định giá chi phí phi cơ Conklin & de Decker ước tính. Trong khi đó, số tiền bỏ ra để chi cho các hoạt động (trong thời gian tương đương) của HondaJet là khoảng 560.000 USD.
Dùng chuyên cơ công ty để đi nghỉ
Chuyện một tập đoàn sở hữu dàn máy bay tư nhân “khủng” chỉ để phục vụ riêng các lãnh đạo không phải là lạ trong giới lãnh đạo của các công ty lớn tại Mỹ, nhất là các tập đoàn đa quốc gia. Bởi, phương tiện này không chỉ tạo không gian cho những “bộ não” hàng đầu của công ty nghỉ ngơi, thư giãn hoặc có điều kiện tốt nhất để tranh thủ làm việc trong quá trình đi công tác xa mà còn là biểu tượng thể hiện sự thịnh vượng của công ty.
Tuy nhiên, việc các lãnh đạo sử dụng máy bay của công ty để phục vụ nhu cầu cá nhân đã khiến dư luận và các nhà đầu tư khá bức xúc. Từ năm 2011, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ đã có thống kê cho thấy, chuyên cơ doanh nghiệp được sử dụng để thực hiện hơn 30% số chuyến bay tới khu nghỉ dưỡng của các CEO. Báo cáo chỉ ra, một số công ty không công khai chi phí các giám đốc điều hành công ty sử dụng chuyên cơ để về nhà hoặc đi du lịch.
Thực tế, cổ đông các tập đoàn cũng không mấy hài lòng khi doanh nghiệp “chi đậm” để phục vụ các lãnh đạo. Một nghiên cứu do ông David Yermack đến từ Đại học New York thực hiện chỉ ra, khoảng thời gian sau khi các công ty thông báo mua máy bay tư nhân, cổ phiếu sụt giảm 1,1%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận