Đúng 7h sáng 27/4 việc phân chia kiểm soát vùng trời ở Tân Sơn Nhất đã chuyển đổi thành công. |
Đúng 7h sáng 27/4, Công ty quản lý bay miền Nam (Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam) đã chuyển đổi thành công việc tổ chức vùng trời khu vực kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất. Lúc này, tàu bay VJ 121 từ Hà Nội đang giảm độ cao để hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất. Các kiểm soát viên không lưu thuộc "Phân khu kiểm soát tàu bay đến" tập trung tiếp nhận thông tin trao đổi với cơ trưởng chuyến bay, hướng dẫn tàu bay hạ cánh mà không phải lo điều hành những tàu bay khác chuẩn bị cất cánh như trước. Khoảng 10 phút sau, chiếc VJ121 hạ cánh an toàn. Chiếc TLM 156 của hãng hàng không Thai Lion cũng được hướng dẫn hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất chỉ sau đó vài phút.
Cùng lúc này, tàu bay VJ122 từ Tân Sơn Nhất cũng bắt đầu cất cánh đi Hà Nội. Nhiệm vụ điều hành chiếc tàu bay này được giao cho các kiểm soát viên thuộc Phân khu kiểm soát tiếp cận.
Việc trao đổi thông tin liên tục giữa các kiểm soát viên không lưu và các cơ trưởng đã thuận tiện hơn, không có tình trạng nghẽn đường truyền do cùng một lúc có nhiều cuộc gọi đi đến. Trong khoảng thời gian từ 7h – 8h có khoảng 30 chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất được hướng dẫn cất hạ cánh theo phương thức mới này.
Trước đây, tàu bay đi và đến đều do một bộ phận điều hành bay thì nay được chia thành hai bộ phận, giảm tải cho kiểm soát viên không lưu và giảm rủi ro |
Ông Trần Minh Bảo, Trưởng Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Tân Sơn Nhất cho biết vùng tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất có bán kính khoảng 40 dặm. Trước đây tất cả các tàu bay đi và đến đều được điều hành bởi một bộ phận chung gọi là Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân. Bình thường thì không sao, nhưng khi lượng tàu bay đi và đến Tân Sơn Nhất đông, việc trao đổi thông tin giữa cơ trưởng và kiểm soát viên không lưu nhiều lúc bị gián đoạn, nghẽn mạng vì cùng một lúc có nhiều người liên lạc.
Để hạn chế tình trạng này, Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được chia thành hai phân khu. Phân khu kiểm soát tàu bay đến lo dẫn đường cho những tàu bay đã đến gần Tân Sơn Nhất trong bán kính 15 dặm. Trong khi đó Phân khu kiểm soát tiếp cận chịu trách nhiệm dẫn đường cho những tàu bay vừa vào vùng trời Tân Sơn Nhất ở tầm xa, trong bán kính 40 dặm và những tàu bay cất cánh từ Tân Sơn Nhất.
“Trước đây việc điều hành tàu bay đi và đến chỉ do một người làm thì giờ đây được chia cho hai người, điều này giảm áp lực cho kiểm soát viên không lưu, giúp họ tập trung hơn, hạn chế rủi ro mất an toàn. Đồng thời sẽ giảm tắc nghẽn trên không, giảm tối đa việc tàu bay phải bay chờ lòng vòng”. Tuy nhiên, để giảm tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất còn cần những cải thiện từ hạ tầng đường lăn, sân đỗ, ông Bảo nói.
Ông Bảo cho biết, ở Tân Sơn Nhất, từ cuối năm 2016, khi áp dụng phương thức bay đi/đến SID/STAR RNAV 1, đã giảm thời gian chờ đợi, bay vòng của tàu bay khi cao điểm.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Trưởng phòng quản lý hoạt động bay (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết sau Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty quản lý bay sẽ tiếp tục triển khai phương thức bay mới tại sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh để đảm bảo an toàn trong quá trình điều hành hoạt động bay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận