Đề cập đến dự án thép Cà Ná, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã hỏi thẳng Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: “Nếu sau này dự án có hệ lụy, Bộ trưởng có dám từ chức không?” - Ảnh: TTXVN |
Nhiều đại biểu (ĐB) mới lần đầu đặt câu hỏi chất vấn; Bản thân các Bộ trưởng cũng lần đầu "đăng đàn" trả lời nhưng trong ngày đầu (15/11), phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV đã thực sự nóng bởi nhiều câu hỏi gai góc, thậm chí truy vấn trách nhiệm đến cùng đối với các tư lệnh ngành.
Xử lý triệt để các dự án nghìn tỷ thua lỗ
Trong phiên chất vấn buổi sáng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cùng một số ĐB khác đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về nguyên nhân thua lỗ của 5 dự án nghìn tỷ (Xơ sợi Đình Vũ; Dự án xăng ethanol Phú Thọ và các dự án xăng ethanol khác; Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình; Dự án Gang thép Thái Nguyên; Giấy Tân An), do DN Nhà nước đầu tư và do Bộ Công thương quản lý.
Trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, cả 5 dự án đều được xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư và thực hiện hoạt động đầu tư từ những năm 2003 - 2008 và kéo dài cho đến nay. Tất cả các dự án này đều có quá trình triển khai, đầu tư kéo dài so với thời hạn đã được thẩm định và phê duyệt. Thậm chí, cho đến nay có dự án còn không quyết toán được mặc dù nhà máy đã đi vào vận hành.
Bên cạnh đó, có điểm chung cho tất cả các dự án này là đều rơi vào thời điểm có những biến động của thị trường thế giới nên khi kéo dài quá lâu đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và tính khả thi của dự án. Mặt khác, những hạn chế, tồn tại dẫn đến việc thua lỗ và hiệu quả kinh tế của các dự án không còn là còn do cả năng lực chủ đầu tư, khả năng thực hiện của các nhà thầu, trong đó có cả các nhà thầu nước ngoài, sự hạn chế về nguồn nhân lực... và không loại trừ có cả các vi phạm. Giả sử các dự án đó đưa vào triển khai thực hiện, vận hành thương mại thì cũng không có đủ điều kiện để cạnh tranh.
Vì vậy, theo nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp cho các dự án này cần phải được nghiên cứu xem xét một cách toàn diện, tổng thể, đảm bảo được mục tiêu bảo vệ những lợi ích của Nhà nước, của các DN Nhà nước trong các dự án này. Mặt khác, phải xem xét để làm rõ trách nhiệm và có hướng khắc phục một cách triệt để như: Bán dự án, cho thuê hoặc tiếp tục hoàn chỉnh dự án để khai thác, thậm chí có thể phải tuyên bố phá sản. Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành đều đã có nghiên cứu và có báo cáo, đề xuất một số giải pháp, biện pháp cụ thể. “Sau phiên họp Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo những hướng giải quyết, tháo gỡ cũng như xử lý triệt để các dự án này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, đồng thời, nhấn mạnh qua đây phải rút ra được bài học kinh nghiệm để từ nay về sau không còn tái diễn.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu câu hỏi tại phiên chất vấn |
“Không có lợi ích nhóm trong dự án thép Cà Ná”
Trả lời chất vấn của ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) về việc “có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm khi phê duyệt dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Tôn Hoa Sen tại Ninh Thuận”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện hàng năm Việt Nam vẫn đang nhập khẩu từ nước ngoài lượng sắt, thép khoảng 3 tỷ USD và dự kiến đến năm 2020 có thể nhập khẩu đến 15 tỷ USD. “Chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá. Tôi cũng khẳng định không có lợi ích nhóm, tại sao lại là lợi ích nhóm ở đây nếu như chúng ta đang hướng tới phát triển một cách hài hòa và bền vững các ngành kinh tế để đảm bảo được nguyên liệu cho các ngành công nghiệp quan trọng?”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải.
"Tôi khẳng định chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá. Tôi cũng khẳng định không có vấn đề lợi ích nhóm trong dự án thép Cà Ná". Bộ trưởng Bộ Công thươngTrần Tuấn Anh |
Người đứng đầu ngành Công thương cũng cho biết, quy hoạch ngành thép đã có từ những năm 2011 và dự án thép của Cà Ná tại Ninh Thuận đã được phê duyệt từ thời điểm này. Tuy nhiên, dự án sau đó không được tiếp tục thực hiện vì năng lực tài chính của chủ đầu tư có vấn đề và dự án đã được đưa ra khỏi quy hoạch. Vào thời điểm cuối năm 2015, dự án tiếp tục được nghiên cứu và Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã làm việc với tỉnh Ninh Thuận, đề xuất đưa vào trong quy hoạch thép mới, đề nghị xin chủ trương đầu tư để thực hiện dự án với cam kết đảm bảo yêu cầu về môi trường. Bộ Công thương căn cứ trên những yêu cầu thực tiễn trong phát triển công nghiệp thép cũng như quy hoạch đã tổ chức khảo sát và làm việc với tỉnh Ninh Thuận, đánh giá về hiện trạng khảo sát tại địa điểm và năng lực của nhà đầu tư. “Xin báo cáo với Quốc hội, đây mới là điều chỉnh về quy hoạch và quy hoạch chỉ xây dựng trên cơ sở đánh giá về những lợi thế so sánh của chúng ta và phù hợp về mặt địa điểm để phục vụ phát triển các dự án đầu tư, chứ không phải là dự án đầu tư đã được phê duyệt”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các bộ, ngành phải phối hợp, làm rõ với chủ đầu tư và địa phương về tất cả các chi tiết, nội dung liên quan đến các báo cáo tiền khả thi cũng như báo cáo khả thi của dự án.
Cũng chất vấn về dự án trên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi: “Nếu sau này dự án có hệ lụy, Bộ trưởng có dám cam kết trước Quốc hội rằng sẽ từ chức không?”. Đáng tiếc do hết thời gian nên Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh không trả lời câu hỏi này.
Bộ TN&MT chịu hoàn toàn trách nhiệm sự cố Formosa
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH, tập trung làm rõ các vấn đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; Việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.
"Chúng ta dồn hết sức giải quyết vấn đề do Formosa gây ra. Riêng đối với sự cố Formosa thì Bộ TN&MT chịu hoàn toàn trách nhiệm". Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà |
Trả lời ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về việc cơ sở nào để đảm bảo chắc chắn Formosa không gây ô nhiễm trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là nhiệm vụ được đặc biệt quan tâm. “Chúng ta dồn hết sức giải quyết vấn đề do Formosa gây ra. Riêng đối với sự cố Formosa thì Bộ TN&MT chịu hoàn toàn trách nhiệm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và cho biết, sau khi chỉ ra nguyên nhân cũng như nguồn gây ô nhiễm, Bộ TN&MT đã thành lập đoàn liên ngành gồm nhiều nhà khoa học uy tín cùng xem xét, yêu cầu phía DN có biện pháp, lộ trình xử lý cụ thể. Trong quá trình Formosa khắc phục sự cố này, tổ công tác của Bộ TN&MT phối hợp với Viện KHCN Việt Nam giám sát 24/24h về khí thải, lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại.
Về biện pháp xử lý, tập trung công nghệ xử lý đối với nước thải, từ nước thải sinh hoạt, sinh hóa phát sinh từ nhà máy luyện cốc hay cảng của Formosa đều được xem xét và có quy trình xử lý cụ thể. Nếu xảy ra sự cố sẽ có biện pháp phòng ngừa ngay. “Chúng ta có đầy đủ thiết bị giám sát, quan trắc. Để đáp ứng các yêu cầu đó, chúng tôi tính toán có tồn tại về công nghệ sản xuất mà có thể đến năm 2018 Formosa mới hoàn thành. Formosa đã tích cực, họ cũng đã cam kết nhằm duy trì lâu dài, không để xảy ra sự cố, đảm bảo phát triển bền vững ở địa phương”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Đầu giờ chiều 15/11, kết thúc phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tổng kết có 35 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, trong đó đó 4 đại biểu xin tranh luận. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phần chất vấn và trả lời chất vấn đã thẳng thắn, bám vào nhu cầu thực tiễn, tuy một số câu hỏi còn dài. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lần đầu trả lời chất vấn nhưng thể hiện nắm chắc tình hình. Các câu trả lời lưu loát, trôi chảy, làm rõ vấn đề và đề ra hướng giải pháp. Tuy nhiên, một số nội dung trả lời còn dài, chưa làm rõ trách nhiệm, giải pháp khắc phục. Phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, có tới 40 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi chất vấn. Bộ trưởng Trần Hồng Hà gom các vấn đề cùng lĩnh vực để trả lời, tuy nhiên, do phần trả lời quá dài nên nhiều lần Chủ tịch Quốc hội phải nhắc nhở Bộ trưởng trả lời vào trọng tâm câu hỏi các ĐB nêu, đồng thời trả lời từng ĐBQH để phần hỏi và trả lời rõ ràng hơn. |
Các đại biểu nói gì?
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Các câu hỏi của ĐBQH đề cập rất nhiều về đời sống thực tiễn, bám sát cuộc sống người dân. Đặc biệt, có ĐB đề cập đến câu hỏi về từ chức. Trước đây, tôi từng đặt nhiều câu hỏi về vấn đề này. Câu hỏi về vấn đề này có tác dụng nhắc nhở trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, tránh tình trạng lâu nay ta thấy là “hòa cả làng”. Tôi là người có vinh dự được tham dự nhiều phiên chất vấn qua nhiều khóa Quốc hội. Đây là phiên đầu tiên của khóa mới với 2/3 ĐB mới, các Bộ trưởng cũng mới nhận nhiệm vụ nhưng không khí vẫn sôi nổi. Nhưng nếu để khẳng định một câu đã thỏa mãn hay chưa thì lại rất khó.
ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Trước hết, tôi hoan nghênh cách thức đổi mới của phiên chất vất đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV khi các ĐBQH được quyền giơ biển xin tranh luận. Các ĐBQH đã xoáy vào những vấn đề trọng tâm, là những vấn đề bức xúc, nóng bỏng của xã hội. Là người lần đầu tiên trả lời, giải trình trước Quốc hội và lại là người trả lời đầu tiên trong bốn Bộ trưởng, tôi đánh giá Bộ trưởng Bộ Công thương đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng, tôi hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng. Tôi đánh giá cao không khí chất vấn và trả lời chất vấn.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình): Tôi mong các Bộ trưởng trả lời chất vấn sau sẽ đi thẳng và trực diện vào vấn đề hơn. Quan điểm của tôi là Bộ trưởng trả lời phải đi kèm luôn lời hứa thời gian nào khắc phục được tồn tại. Và kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết thì cũng phải ghi rõ vào Nghị quyết là Bộ trưởng, trưởng ngành ấy hứa có khắc phục được tồn tại của bộ, ngành ấy hay không, đến thời điểm nào thì khắc phục, để sau này còn quy trách nhiệm. Tránh tình trạng trả lời ngày hôm nay rồi năm sau lại diễn ra.
ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên): Tôi chưa hài lòng câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương đối với phần chất vấn của mình về vấn đề thủy điện xả lũ. Trách nhiệm ở đây không chỉ riêng Bộ trưởng mà cả hệ thống những người đang trực tiếp vận hành quy trình này phải thấy được trách nhiệm của mình trước người dân như thế nào. Tôi sẽ tiếp tục chất vấn nếu không đạt được kết quả như mong muốn, bởi đó không phải là mong muốn của ĐB mà là mong muốn của cử tri.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Câu trả lời của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà không phải trả lời cho bản thân tôi mà Bộ trưởng qua đó đã thổi niềm tin của Bộ trưởng đến người dân Quảng Bình nói riêng và nhân dân các tỉnh miền Trung nói chung, cũng như cử tri cả nước quan tâm đến vấn đề Formosa xả thải thời gian vừa qua. Bộ trưởng cũng khẳng định trong vấn đề xử lý môi trường, sẽ giám sát chặt để Formosa không gây ô nhiễm nữa. Được thế cử tri rất mừng. Hoài Thu (Ghi) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận