Thông điệp kết nối giao thông và tăng cường giao thương
Kết nối giao thông (đặc biệt là đường sắt) và tăng cường giao thương là hai từ khóa chính được nhà lãnh đạo Chính phủ nêu bật trong các cuộc gặp.
Tại cuộc gặp ông Vương Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, Thủ tướng đề nghị Vân Nam đi tiên phong trong thực hiện nhận thức chung cấp cao và các Tuyên bố chung, tăng cường giao lưu với các địa phương Việt Nam; phấn đấu nâng kim ngạch thương mại Việt Nam - Vân Nam lên mức 5 tỷ USD.
Từ đây, Vân Nam và Lào Cai có thể trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Trung Quốc với ASEAN, thúc đẩy triển khai thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh; tăng cường phối hợp trong công tác điều tiết xả lũ, phòng, chống thiên tai…, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới.
Khẳng định Vân Nam coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam, Bí thư Vương Ninh cho biết sẵn sàng cùng các bộ, ngành, địa phương Việt Nam thực hiện tốt nhận thức chung của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Tô Lâm, cũng như các chỉ đạo, đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trong đó, ông cam kết sẽ phối hợp để cùng làm sâu sắc hợp tác kinh tế - thương mại, tận dụng tốt các dự án đường sắt kết nối giữa hai nước, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ.
Tại cuộc tiếp ông Lam Thiên Lập, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, đề nghị hợp tác về đường sắt và cửa khẩu tiếp tục được Thủ tướng đưa ra.
Ông đề nghị hai bên hợp tác trong triển khai các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Quảng Tây với Việt Nam; làm tốt mô hình thí điểm cửa khẩu thông minh.
Đề nghị Quảng Tây tiếp tục tạo thuận lợi cho hàng hóa, nhất là nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Quảng Tây, trong đó có việc thiết lập trạm kiểm nghiệm, kiểm dịch.
Ngược lại, ông hoan nghênh doanh nghiệp Quảng Tây mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng sạch, phát triển bền vững.
Hai bên sớm triển khai công tác nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới và hợp tác kinh tế số, điện lực, năng lượng sạch…
Nhất trí với các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quảng Tây Lam Thiên Lập khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, mở rộng và làm sâu sắc giao lưu hữu nghị với các địa phương Việt Nam.
Trong đó, đẩy mạnh kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, nhất là các tuyến đường sắt từ Quảng Tây kết nối với tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hải Phòng; nhanh chóng triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh và các biện pháp tạo thuận lợi cho thông quan như thiết lập Trạm kiểm nghiệm, kiểm dịch đối với hàng nông sản Việt Nam.
Qua đó, hai bên có thể phát huy ưu thế đặc biệt để qua Quảng Tây kết nối sâu hơn với lục địa Trung Quốc, sang các nước thứ ba cũng như qua Việt Nam kết nối với các nước ASEAN.
Tập đoàn Trung Quốc muốn tham gia thực hiện đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Bên cạnh các cuộc gặp lãnh đạo địa phương, Thủ tướng tiếp ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) cùng các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn.
CRCC là doanh nghiệp nhà nước trung ương thuộc Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước của Quốc vụ viện; một trong những tập đoàn xây dựng tổng hợp mạnh và lớn nhất trên thế giới, xếp hạng thứ 39 trong Fortune Global 500.
Tập đoàn đã xây dựng 20.000 km đường sắt, cùng 8.000 km đường bộ cao tốc tại Trung Quốc.
Còn Tổng công ty Xây dựng công trình (CCECC) là công ty trực thuộc Tập đoàn CRCC, chủ yếu triển khai xây dựng các dự án đường sắt tại nước ngoài. Đến nay, với hơn 9.000 km đường sắt đã hoàn thành, CCECC chiếm 80% tổng khối lượng công trình đường sắt của Trung Quốc tại nước ngoài.
Tại cuộc tiếp, ông cho biết đã được khích lệ rất nhiều bởi những phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ngay sau đó, ông đã trao đổi về cơ hội hợp tác mới với các doanh nghiệp Việt Nam.
Lãnh đạo tập đoàn bày tỏ quan tâm, mong muốn tham gia các dự án đường sắt, đường tàu đô thị, đường bộ cao tốc, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, cũng như các ngành nghề lĩnh vực chiến lược mới nổi, trên tinh thần cùng thắng, cùng nhau lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đặc biệt, tập đoàn hết sức quan tâm và đang nghiên cứu kỹ, mong muốn tham gia triển khai tuyến đường sắt Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời đang nghiên cứu việc tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Việt Nam.
Hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm, đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tập đoàn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Tổng Công ty Đường sắt để đề xuất cụ thể, trước mắt là tiếp tục nghiên cứu tham gia dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nối với Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tuyến đường sắt rất quan trọng, góp phần kết nối khuôn khổ "Vành đai, Con đường" và "Hai hành lang, một vành đai kinh tế", góp phần làm cho Vân Nam có đường ra biển nhanh hơn, các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định tập trung làm tuyến đường này với mục tiêu khởi công trong năm 2025, trong đó 3 yếu tố rất quan trọng là coi trọng thời gian, coi trọng trí tuệ và triển khai các thủ tục theo quy định một cách nhanh nhất để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cùng với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị CRCC nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng quy mô lớn khác của Việt Nam như: tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn; tuyến đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; các dự án đường bộ cao tốc kết nối các tỉnh biên giới Việt Nam với Trung Quốc
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể, hiệu quả đo lường được, cân đong đo đếm được", lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước; triển khai các dự án hiệu quả nhất, nhanh nhất, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng cũng đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ hiện đại, năng lực quản trị và đào tạo nhân lực để góp phần nâng cao năng lực, phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Chủ tịch CRCC cảm ơn các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, cho biết sẽ lĩnh hội và quán triệt các ý kiến này, báo cáo các cơ quan chức năng của Trung Quốc, phối hợp các cơ quan, doanh nghiệp liên quan để có thể tham gia triển khai các dự án theo quy định, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Đề nghị ADB hỗ trợ vốn cho Việt Nam thực hiện các dự án sân bay, cảng biển, đường bộ cao tốc
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Thủ tướng đề nghị trong giai đoạn phát triển mới, ADB tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn với cách làm mới, quy mô lớn hơn, lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh chóng, hài hòa giữa hai bên.
Ông đề nghị tập trung cho một số dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, mang tính chất chuyển đổi tình thế, xoay chuyển trạng thái trong các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật, các dự án hạ tầng chiến lược lớn như sân bay, cảng biển, đường bộ cao tốc…, các dự án ứng phó sạt lở, sụt lún tại đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, các trung tâm năng lượng, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, hydrogen, hệ thống truyền tải điện…
Về phần mình, Việt Nam sẽ xây dựng chính sách khuyến khích khối tư nhân vay vốn các đối tác như ADB, rà soát, đánh giá các chính sách, quy trình, thủ tục về ODA, đầu tư công để đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp, phân quyền, giải quyết những vướng mắc liên quan thủ tục miễn thuế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận