Các bị cáo tại phiên tòa sơ phẩm vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm (tháng 5/2018) |
Theo kế hoạch, sáng mai 22/10, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án đại gia Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm gây thất thoát hàng ngàn tỷ tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank). Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 31/10, do thẩm phán cao cấp Phan Thanh Tùng làm chủ tọa.
Trước đó, xử sơ thẩm hồi tháng 5/2018, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ 20 năm tù đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội cố ý làm trái..., tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, bà Phấn phải bồi thường 1.105 tỉ đồng thiệt hại từ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hơn 15.600 tỉ đồng từ hành vi cố ý làm trái...
Cùng hai tội danh trên, bị cáo Bùi Thị Kim Loan (trợ thủ đắc lực của bà Phấn) bị phạt tổng cộng 28 năm tù, bị cáo Ngô Kim Huệ (nguyên thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc Trustbank bị phạt tổng cộng 10 năm tù.
Sau bản án sơ thẩm, có 11/28 bị cáo kháng cáo, nguyên đơn dân sự và 15/214 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo. Nhân vật chính của vụ án là bà trùm Hứa Thị Phấn có đơn kháng cáo kêu oan. Cánh tay đắc lực cho bà Phấn là bị cáo Bùi Thị Kim Loan cũng kháng cáo toàn bộ nội dung bản án.
Hai nhân vật đứng đầu của ngân hàng Trustbank là bị cáo Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc), Hoàng Văn Toàn nguyên Chủ tịch HĐQT Trustbank tại phiên sơ thẩm đều thừa nhận làm theo chỉ đạo của bà Phấn, cũng có đơn kháng cáo. Tuy nhiên, nội dung kháng cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.
Cháu ruột của bà Phấn là bị cáo Ngô Kim Huệ - nguyên Phó tổng giám đốc Trustbank cũng không kháng cáo.
Theo hồ sơ điều tra, năm 2006 Chính phủ yêu cầu những ngân hàng nào muốn tồn tại, hoạt động phải có vốn pháp định 3.000 tỷ đồng. Lợi dụng chính sách này, bà Phấn đã dùng tài sản là đất nông nghiệp tại Q.2 và Nhà Bè nâng khống lên từ giá thực tế 80 nghìn đồng/m2 lên từ 8-32 triệu đồng/m2 để vay 3.581 tỷ đồng. Với thủ đoạn này, bà Phấn vừa trở thành người nắm giữ cổ phần lớn nhất tại Trustbank với hơn 84%, nhưng cũng kịp đút túi hơn 2.581 tỷ đồng.
Từ đây, bà Phấn chính thức đặt chân vào trong Trustbank với vai trò cố vấn cao cấp nhất. Là người nắm giữ số cổ phần cao, bà Phấn trở thành người “điều binh, khiển tướng” sắp xếp các vị trí chủ tịch HĐQT là ông Hoàng Văn Toàn, tổng giám đốc là ông Trần Sơn Nam… cho đến các vị trí chủ chốt khác với toàn anh em, con, cháu, họ hàng.
Sau khi sắp xếp nhân sự toàn là người nhà, bà Phấn tiếp tục các hành vi rút ruột ngân hàng thông qua các thủ đoạn như: đầu tư trái pháp luật vào nhiều dự án bất động sản, nâng khống tài sản bất động sản của mình sau đó bán lại cho chính ngân hàng của mình. Lợi dụng hồ sơ của doanh nghiệp, chỉ đạo nhân viên thu khống - chi khống để hợp thức hóa việc "rút ruột" ngân hàng. Khi ngân hàng chỉ còn cái “xác” rỗng ruột, vốn chủ sở hữu bị mất… Lúc này, bà Phấn tìm cách bán tống bán tháo cho Phạm Công Danh.
Tại phiên sơ thẩm vụ án, ông Danh thừa nhận mua ngân hàng chỉ với giá tượng trưng là 4 triệu đồng. Số tiền 3.581 tỷ đồng đưa cho bà Phấn chẳng qua là để lấy được các tài sản đang nằm trong ngân hàng mà thôi. Tuy nhiên, chỉ đến khi ra tòa, ông Danh mới biết được nhiều tài sản bất động sản mà ngân hàng mua đều đã bị nâng khống gần chục lần. Ngay đến khoản nợ của khách hàng doanh nghiệp trong ngân hàng cũng bị kê khống… bởi những trò “ma” của bà trùm này. Ông Danh khẳng định: Bà Phấn đã lừa không chỉ ông, mà lừa cả ngân hàng Nhà nước và nhiều cơ quan khác.
Trước đó, ngày 4/5 phiên xét xử phúc thẩm đại án OceanBank bà Phấn bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 17 năm tù.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận