Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch chuyên trách UBATGT quốc gia trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh |
Chiều muộn ngày 20/3, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã đến kiểm tra hiện trường vụ sập cầu Ghềnh. Tại hiện trường, Thứ trưởng nhận định đây là một sự cố cực kỳ nghiêm trọng, dù chưa xác định được có người chết hay chưa nhưng đã gây thiệt hại rất lớn đối với xã hội.
Tại hiện trường, Thứ trưởng chỉ đạo ngành đường sắt trước mắt thông báo đến hành khách và người dân ga cuối cùng trên hành trình của tuyến đường sắt Bắc – Nam là ga Biên Hòa, ngành đường sắt sẽ chuyển tải hành khách từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa và ngược lại.
Trong ngày mai sẽ tiến hành khảo sát thực địa và lai dắt sà lan vào nơi an toàn để tránh va đập vào các tầu khác. Hiện tại các cơ quan chức năng đang phân luồng tàu thuyền đi sang sông Cái Bé, sau khi khảo sát cân nhắc phương án hướng dẫn tàu thuyền đi vào khoang thông thuyền của nhịp cầu còn lại. Đồng thời phối hợp tư vấn tiến hành kháo sát các dầm cầu, các trụ đã hư hại để đưa ra phương án xử lý tốt nhất.
Tuy nhiên, để khắc phục toàn bộ sự cố sập cầu Ghềnh và thông lại toàn bộ tuyến đường sắt qua đoạn nay thì cũng phải mất ít nhất từ 3 đến 5 tháng.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu tỉnh Đồng Nai và cơ quan điều tra tiến hành điều tra nguyên nhân và khởi tố vụ án vì đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tài sản quốc gia, gây đình trệ giao thông đường sắt.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Nguyễn Doãn Hải, Đoàn luật sư TP HCM cho biết: Điều 212 Bộ luật Hình sự Việt Nam đã quy định rõ khung hình phạt đối với vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Theo đó, nếu người điều khiển phương tiện gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận