Ngày thơ Việt Nam 2017 |
Lùm xùm lời ra, tiếng vào
Khi được hỏi cảm nhận về Ngày thơ Việt Nam, nhiều nhà thơ đánh giá mặt tích cực trước tiên. Không lạ, vì xét đến cùng đây vẫn là sân chơi độc tôn dành cho họ, được tổ chức quy mô nhất vào một thời điểm trang trọng nhất. Ý kiến dẹp ngày thơ là thiểu số cực nhỏ, phần đông khẳng định muốn giữ nguyên. Nhưng giữ là một chuyện, còn có thiếu sót, hạn chế và cần đổi mới tới mức nào lại là chuyện khác.
Kỳ thực, sau 16 năm tổ chức, những ai chăm chỉ theo dõi nhắm mắt cũng có thể kể ra được những hoạt động sẽ diễn ra tại ngày thơ: Rước thơ; đánh trống khai hội; đọc diễn văn; đọc thơ và kết thúc bằng thả thơ. Nói như thế để thấy rằng, dừng ở góc độ tổ chức thì BTC đã thành công trong việc tạo ra một chuỗi hoạt động gần như thành truyền thống. Nhưng ở góc độ thưởng thức là một lối mòn hết sức cũ kĩ. Nhà thơ Văn Công Hùng nhận định: “Nhàm chán là có thực. Sân thơ trẻ mỗi năm chỉ có một vài gương mặt mới, còn lại dàn cũ giữ nguyên. Trong khi đó, sân thơ truyền thống hầu như cũng chỉ chừng đó gương mặt lặp đi, lặp lại”. Thậm chí, nhà thơ Đỗ Hoàng còn chia sẻ: “Có những gương mặt gặp mãi, mà nói thật theo đánh giá của tôi cũng không phải xuất sắc cho lắm”.
Chất lượng của các tác phẩm thơ trong Ngày thơ Việt Nam 2018 ra sao vẫn còn tùy vào sự thưởng thức của khán giả. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khẳng định, đã bố trí một bộ phận kiểm định do nhà thơ Trần Đăng Khoa đứng đầu, chốt ở sau cùng để thẩm định, siết chặt từng câu chữ, chi tiết tránh các sai sót về chính tả, thông tin như trước. |
Khi kịch bản và con người như vậy, chất lượng thơ cũng đầy những ì xèo. Có những năm mà trong số 50 câu thơ được thả lên trời mọc ra những sản phẩm thành diễn hài cho dư luận. Điển hình như câu: “Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót/Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ” của tác giả Trần Anh Trang thả ngày thơ 2013, khiến hàng loạt người xem không nhịn được cười. Đến mức nhà thơ Vũ Quần Phương phải tủm tỉm nhận xét: “Nhà thơ ôm vợ nhớ thuyền”. Hay nhà thơ Văn Công Hùng cũng liệt kê một sản phẩm khác thả cùng đợt: “Lên cao càng thấy trời cao/Khổ đau mới biết đồng bào khổ đau”… mà theo ông “rất buồn cười”. Ông cũng chia sẻ một cảnh tượng chua chát hơn: “Hoạt động thả thơ có tuyển chọn thì như vậy, còn đọc thơ, nói thật tôi đã chứng kiến cảnh ai đọc cứ đọc, còn nghe là chuyện của... người ngồi ở dưới”.
Theo đó, Ngày thơ Việt Nam về tổng thể vẫn chỉ dừng ở mức “cưỡi ngựa xem hoa”, tụ họp gặp mặt nhau là chính. Nói như nhà thơ Lê Minh Quốc, Ngày thơ Việt Nam lâu nay chỉ diễn ra giữa những người yêu thơ mà thôi. “Công chúng chẳng quan tâm. Có đến cũng chỉ như xem một món hàng, xem thứ gì đó lạ mắt, vui tai chứ chưa thực sự hòa mình vào”. Đó là còn chưa kể tới việc những sự cố “chết người” xảy ra bất ngờ như chuyện in nhầm ảnh nhà thơ tại con đường Thi nhân trong Ngày thơ Việt Nam 2017; hay in thơ sai chính tả từ “sấu” thành “xấu” của Chính Hữu: Hà Nội đêm buốt tê, Mái buồn nghe “xấu” rụng, in thiếu từ “sông” tại cuối câu thơ của Thu Bồn: Lấy khăn mà gói bơ vơ, tay cầm nước mắt bao giờ sang. Rồi chuyện sắp xếp thơ ca không theo niên đại, hay quên viết hoa tên nhà thơ... tại Ngày thơ năm 2010.
Sốt sắng đổi mới đến đâu?
Ngày thơ Việt Nam 2018 được ghi nhận có chuyển mình. Đầu tiên là việc thay vì chỉ gói gọn trong 2 ngày 14-15 tháng Giêng như hàng năm, đã mở rộng ra tới 4 ngày với 2 cuộc hội thảo mang tính học thuật về thơ và tiểu thuyết. Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, thành viên Ban tổ chức: “Trên thực tế, hội thảo về thơ diễn ra sáng 27/2 đã kéo rất đông người tới tham dự. Thậm chí, hội trường tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) không đủ sức chứa. Nhiều vị trong ban chấp hành tới sau còn phải ra ngoài, cho thấy sức hút rất lớn của hoạt động này”.
Hai cuộc hội thảo trên đã góp phần khiến sự kiện năm nay bớt tẻ nhạt, không chỉ còn có mỗi đọc thơ và trình diễn thơ nữa. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phân tích rằng, đây là sự kết hợp giữa phong trào và hàn lâm học thuật để: “Từ Ngày thơ, sẽ tiến tới mở rộng thành một Ngày văn chương Việt Nam. Đó sẽ là sự kiện dành cho cả thơ, lý luận phê bình, văn xuôi, văn học dịch. Phản ánh sự đổi mới toàn diện của nền văn học”.
Trên đà này, để khắc phục câu chuyện lặp đi, lặp lại một vài gương mặt trong Ban tổ chức “gánh” sân thơ hàng năm, tiêu chí tuyển chọn người đọc thơ của Ngày thơ năm 2018 hướng tới sự khác biệt: Mở rộng lấy thêm những nhà thơ là tiêu biểu cho các xu hướng đổi mới thơ hiện nay. “Từ đó, tạo ra sự đa dạng ở các gương mặt thơ xuất hiện tại ngày thơ. Có người đổi mới thơ truyền thống, có người trẻ hơn đổi mới do cách tân. Nhiều thế hệ, nhiều giọng điệu sẽ cùng góp mặt trong ngày thơ”, ông Thỉnh cho hay.
Có thể nói, việc đẩy mạnh từ Ngày thơ thành Ngày văn chương là một sáng kiến táo bạo. Nhưng theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, vấn đề kinh phí cũng tương đối đau đầu: “Trước giờ việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam đều do Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra lo kinh phí. Khi muốn mở rộng quy mô thành Ngày văn chương, có lẽ nên tính đến chuyện xã hội hóa. Hãy để các doanh nghiệp, người yêu văn chương và có tiềm năng để cùng đóng góp và làm thì mới đạt hiệu quả tốt”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận