Xem - ăn - chơi

Ngày xưa, nơi đây là cửa rừng

03/05/2017, 11:05

Một mình một túi khoác, tôi leo đèo Eo Bát lúc mặt trời gác núi.

441

Ngày xưa, nơi đây là cửa rừng - Ảnh minh họa.

Đứng ở đỉnh đèo nhìn lên chỉ thấy trời xanh. Cửa rừng nhưng cũng là cửa gió. Quanh năm gió rừng hun hút thổi. Bên cạnh lối đi có một cây sồi già. Thợ sơn tràng thường ngồi nghỉ dưới gốc sồi lấy sức để vào rừng hoặc xuống núi. Bây giờ, cây sồi vẫn còn, gốc gân guốc, vỏ mốc thếch. Cây sồi già đã chứng kiến khoảnh khắc bồng bột, cuồng nhiệt của tôi và Sinh từ ngày xưa ấy, chứng kiến mọi đổi thay ở cửa rừng với.

Đầm Vạc, đồng Cỏ đồi con Rùa, núi Lò Vôi và dân xóm Núi, bản Mường ở bên này đèo. Bên kia đèo, rừng xanh miên man, điệp trùng tưởng như không bao giờ hết.

Dạo ấy, có một doanh trại bộ đội ở bên kia đồng Cỏ, sát chân đồi con Rùa. Lính mới trẻ măng. Quân hàm đỏ chót. Sao bạc sáng lấp lánh. Quân phục xanh như lá rừng. Họ lấy vỏ quả bom bi mẹ làm kẻng. Lính trong doanh trại học tập, rèn luyện, ngủ nghỉ nhất nhất đều theo lệnh kẻng. Báo thức: Kẻng. Ăn sáng: Kẻng. Ra thao trường: Kẻng. Lên giường ngủ: Kẻng... Tiếng kẻng bộ đội quen đến mức dân xóm Núi và bản Mường nghe là biết mấy giờ. Ngày nào cũng nghe, nghe mãi thành thói quen của cả vùng. Sáng, nghe tiếng kẻng báo thức là tỉnh ngủ. Chiều tối, đang ở rừng nghe tiếng kẻng là bảo nhau về nhà. Đêm, nghe tiếng kẻng là vợ chồng con cái bảo nhau tắt đèn chai lên giường. Tiếng kẻng doanh trại lính đi vào đời sống sinh hoạt quê tôi rất nhuần nhụy, tự nhiên. Sau này, bộ đội rút đi hết, họ tặng doanh trại cho xã làm trụ sở Ủy ban. Tiếng kẻng không còn vang lên khi sáng sớm, lúc chiều tà nữa. Lòng tôi mênh mang, trống vắng vô cùng. Người dân quê tôi nhớ tiếng kẻng thao thức không ngủ. Dạo đó, đồi con Rùa là thao trường lính tập luyện. Lúc giải lao, họ giá súng và vật nhau, đùa vui hoặc ôm đàn ghi ta gảy, hát rống lên, ở bên này đầm Vạc cũng nghe được. Lúc đầu, trẻ chăn trâu, chăn ngựa lạ lẫm, sau thành quen. Chúng lân la, sán lại gần, ngồi chồm hỗm hoặc nằm bệt xuống cỏ, chống tay lên má, há hốc miệng nghe hát. Tôi ở rừng về thỉnh thoảng gặp lính trẻ hành quân đi ngược chiều, họ trêu đùa làm tôi xấu hổ đỏ bừng mặt.

Bây giờ, chiến tranh đã lùi xa. Doanh trại bộ đội ngày xưa mất hết dấu vết. Tất cả chỉ còn trong ký ức. Tôi thẫn thờ đứng trước ngõ nhà mình. Căn nhà cũ kỹ lợp rạ vẫn còn nguyên dáng hình. Tôi nghe rõ tiếng cối gạo nhẩn nha thóp... thóp... bên hàng xóm. Đàn dê nhà tôi mới đi ăn về đang nhảy cỡn trong sân đất tranh nhau vào chuồng. Cây gạo cổ thụ trong vườn xù gai vươn cành khẳng khiu lên nền trời đang xam xám tối. Lửa đỏ cháy bập bùng. Củi nổ lép bép. Mùi xôi nếp nương ngào ngạt. Mẹ đang ngồi lúi húi đun bếp. Bóng mẹ tôi in trên vách đen sẫm.

- Bu ơi!

Mẹ bỏ que cời bếp, ngước lên trân trân nhìn tôi. Mẹ ngạc nhiên vì tôi về đường đột khi đã chập choạng tối trời? Một thứ tình cảm ruột thịt sâu thẳm trong lòng tôi trào lên. Lâu lắm rồi tôi mới có cái trạng thái tình cảm này. Tôi mếu máo:

- Bu ơi? Con đã về đây.

Mẹ tôi cũng nghẹn ngào. Mẹ quệt nước mắt:

- Mày cũng còn biết đường mà về, hở Miên?

- Công nọ việc kia, bận lu bù, nhưng mà lúc nào con cũng nhớ bu.

Mẹ linh cảm tôi có chuyện không vui. Mẹ làm mặt giận, hỏi:

- Chồng con đâu mà mày dẫn cái xác về không?

Chỉ chờ có thế là tôi nhao vào lòng mẹ, khóc như trẻ nhỏ. Khóc vì buồn. Khóc vì vui. Khóc vì thấy lòng mình dễ chịu. Gần bốn mươi tuổi đầu, chỉ khi về nhà, tôi mới tìm thấy tôi, tìm thấy những ngày xưa ấm áp trong lòng mẹ.

Đêm miền rừng.

Tôi thao thức hoài. Mẹ cũng lục tục dậy dỡ chõ xôi đã chín. Tôi ra ngồi ở bậc cầu thang nhà sàn, nhìn lên bầu trời. Trăng miền rừng gầy và xanh xao hơn trăng thành phố. Sao thưa thớt, nhấp nháy không biết mệt. Trời đêm cao hơn, xa xăm, vời vợi. Cũng đêm trăng thế nàỵ hai chục năm trước, tôi đã gặp Sinh. Cuộc gặp bất ngờ, lạ kỳ cứ ám ảnh suốt cuộc đời tôi.

Hôm ấy, ăn cơm xong một lúc thì tôi đến khe Nước tắm. Mẹ bảo tôi: Tiện thể đem ống bương theo, tắm xong vác luôn nước về. Tôi dầm mình vào nước khe trong mát. Khe Nước chỗ cạn chỗ sâu, tôi bơi ra chỗ sâu nhất vẫy vùng. Cơn mệt mỏi từ buổi chiều đi rừng lấy măng mất hẳn. Đêm vắng. Khe vắng. Và trăng thanh. Tôi ngây ngất mùi hương hoa dại, mùi cỏ nước thơm thoảng dưới trăng ngàn. Bỗng dưng, tôi bị chuột rút. Hai bắp tay co cứng. Không bơi được nữa, hai chân quẫy đạp tuyệt vọng, mỗi lần kêu cứu là nước ộc vào miệng. Người tôi trồi lên chìm xuống. Me... ẹ ơi? Cư... ứu con! Tôi kêu mẹ trong lúc khốn cùng. Và một thoáng nghĩ đến cái chết lướt nhanh trong đầu.

Sinh khoác ba lô một mình đi qua khe Nước. Anh có mặt lúc tôi đang nghí ngóp sắp chìm hẳn. Sinh để nguyên quần áo lao xuống khe Nước vớt tôi lên. Anh vác tôi trên vai, quàng tay ôm chặt hai đùi tôi chạy. Đầu dốc xuống đất, nước trong bụng tôi ộc ra miệng theo mỗi bước chạy của anh... Sau này, Sinh kể như thế. Tôi thầm cảm ơn anh và ngượng ngùng, xấu hổ. Tôi hình dung tiếp theo lúc ấy, anh đặt tôi trên nền cỏ xanh. Anh cuống quít cúi xuống và hút nước trong miệng, mũi tôi. Đôi bàn tay anh cứng cáp quen cầm súng, cầm xẻng đào công sự gấp gáp ấn mạnh từng nhịp lên ngực tôi, làm hô hấp nhân tạo. Không dám tưởng tượng thêm nữa, bởi tôi chỉ nhớ lúc đó tôi chỉ mặc bộ đồ mỏng mảnh trên người...

Sáng hôm sau, mẹ dẫn tôi đi tìm người lính đã cứu con gái mình. Doanh trại lính vắng tanh. Cả đại đội hành quân dã ngoại chưa về. Bếp nuôi quân dã chiến khói xanh bay cuộn lên hình cây nấm linh chi. Thấp thoáng vài ba bóng quân phục đi ra, đi vào doanh trại. Anh thiếu úy trẻ trực chỉ huy ở nhà chăm chú nghe mẹ tôi trình bày. Anh thiếu uý rất sửng sốt, không tin chuyện đã xảy ra.

Sự thật vẫn là sự thật. Sinh là người cứu tôi, nhưng anh đã giấu cán bộ đại đội. Một tuần trước, bộ đội ở tại trại học chính trị. Chỉ có Sinh được tiểu đoàn giải quyết đi tranh thủ thăm mẹ ốm, tối qua về doanh trại rất muộn. Anh trình bày lý do về muộn hai giờ đồng hồ là do tàu chậm. Nhưng anh đã quên rằng: tàu về ga từ sáu giờ tối. Lúc điểm danh ở doanh trại vẫn nghe tiếng còi tàu tu tu. Đi lối tắt qua đèo Eo Bát về doanh trại chỉ hết một giờ đồng hồ. Không thể chậm hơn? Đại đội bắt làm kiểm điểm, thuyên chuyển xuống tổ nuôi quân và phạt bổ củi một ngày. Tôi chạy vội đến chỗ Sinh đang bổ củi. Anh cởi trần, ngực vạm vỡ vồng lên. Mồ hôi nhễ nhại. Mặt đỏ bừng vì nóng. Cái vòng bạc tôi tặng đêm hôm qua, lấp lánh ở cổ tay anh. Tôi trào nước mắt. Thương anh đến nao lòng. Chỉ vì tôi mà Sinh đã nên nông nỗi này...

Dạo ấy, tôi đang học năm cuối cùng bậc phổ thông. Sáng nghe tiếng kẻng của bộ đội, tôi dậy ngay và đi bộ xuống trường huyện kịp bảy giờ học. Gần trưa, học xong lại lóc cóc đi bộ từ phố huyện về xóm Núi. Đi học, đi rừng, tôi không biết mệt là gì. Bạn bè bảo tôi đẹp. Cái đẹp của cô gái mười bảy tuổi. Mặt trái xoan, lúc nào cũng trắng hồng. Tóc cắt ngắn ngang vai. Ngực cao, đầy đặn. Eo thắt. Mắt tròn, to mơ màng. Tính tôi vui vẻ, nồng nhiệt. Quen rồi thân, tôi và Sinh yêu nhau lúc nào không biết. Các buổi sáng chủ nhật bộ đội phải đi rừng lấy củi giúp anh nuôi. Buổi chiều được nghỉ, tôi và anh vào rừng, hoặc đi dọc khe Nước chơi.

Mẹ biết chúng tôi yêu nhau. Mẹ không ngăn cản, nhưng băn khoăn vì tôi còn trẻ quá. Mười bảy tuổi, tôi chưa học hết phổ thông. Chiến tranh không biết bao giờ kết thúc. Cha tôi đi bộ đội mười năm vẫn chưa về. Mẹ tôi sống những tháng ngày dài dằng dặc chờ chồng. Nỗi lo cho chồng nay thêm nỗi lo cho con gái...

                                                                                 * *
                                                                                  *

Tôi lấy chồng. Chồng tôi chưa một ngày biết đến chiến tranh. Thời trai trẻ của Sinh là ở rừng núi và chiến trường. Chồng tôi sống rất hiện đại, là người thành đạt, kiếm nhiều tiền.

Đêm tân hôn, tôi đã quỳ xuống trước mặt chồng, xin tha thứ. Anh dìu tôi dậy và ôm chặt vào lòng. “Anh yêu em là yêu con người em đang ở trước mặt anh đây. Tôi thành thật: “Anh hãy cho em thời gian”. Và tôi đã kể lại mối tình với Sinh cho chồng nghe. Chồng tôi bảo: “Anh biết em vẫn còn nhớ đến Sinh”. Tôi luôn thành thật với chồng: “Vâng! Em chưa thể quên ngay được. Nhưng anh đừng ghen với người đã chết”.

Tình cờ, chồng tôi bắt gặp cuốn nhật ký của Sinh và cái vòng bạc tôi tặng Sinh đeo tay ở chiến trường. Người ta vất vả lắm mới đem được hai di vật ấy từ chiến trường ra đưa lại cho tôi theo lời Sinh nhắn trước khi chết. Đến lúc này thì chồng tôi làm ầm lên. Chồng tôi yêu cầu không để bất cứ cái gì liên quan đến Sinh trong đầu tôi và cả trong nhà nữa. Để cứu vãn cuộc hôn nhân có nguy cơ tan vỡ, tôi hứa làm theo ý chồng. Từ đó căn nhà bình yên, và chồng tôi yên lặng, không hề đả động đến chuyện cũ. Tôi cố xóa hình ảnh Sinh trong đầu nhưng không xóa được.

Tôi vẫn nhớ như in cái buổi tối định mệnh ấy ở cửa rừng, ở dưới gốc cây sồi già. Linh cảm trong tôi đến từ cuối buổi chiều. Doanh trại bộ đội không có tiếng kẻng ăn cơm, không có kẻng đi ngủ tối. Có chuyện rồi! Trong lòng tôi như có lửa đốt. Nôn nao không chịu được tôi liền chạy một mạch đến doanh trại của Sinh. Tối om, chỉ một vài chỗ thắp đèn chai tù mù thấp thoáng bóng người. Họ là những người lính được phân công ở lại coi doanh trại. Tôi hỏi thăm. Một người nói nhỏ: ‘’Đi rồi! Đi hết rồi! ‘’, và bảo tôi về để họ đóng cổng doanh trại. Trống ngực to hơn trống làng, tôi bưng mặt khóc. Sinh đi rồi! Sinh đi như những người lính trẻ đã từng đến đây tập luyện rồi lại đi chiến trường.

Chạy ra ga Xép. Tôi chạy, chạy cuống quít. Gió thổi hai bên tai. Đá sắc, gai đâm dưới chân đau nhói. Tôi vẫn chạy, chạy lối tắt qua đèo Eo Bát. Cửa rừng hun hút gió. Một bóng người cũng đang huỳnh huỵch chạy ngược chiều. Chúng tôi nhận ra nhau. Tôi đổ nhào vào lòng Sinh. Sinh thở dốc, nói:

- Đơn vị anh hành quân đi vào Nam.

Tôi thấy mình bị bỏ rơi. Tôi oan ức, tủi thân, đấm liên hồi lên vai, lên ngực anh:

- Sao anh không báo cho em.

- Anh cứ tưởng hành quân tập luyện như mọi khi. Ai ngờ, đến ga Xép, họ phổ biến lệnh hành quân vào Nam. Đơn vị đang chờ tàu, anh gửi ba lô và trốn khỏi sân ga chạy về.

Lạy trời đất, thần linh phù hộ? Các đấng linh thiêng đã chia đôi quãng đường để Sinh chỉ phải chạy một nửa, còn tôi đỡ cho anh một nửa. Chúng tôi đã gặp nhau ngay cửa rừng, giữa đèo Eo Bát. Sinh thở hổn hển:

- Em chơ...ờ anh nhé!

- Vâng! Bao giờ anh sẽ về?

- Nhanh thôi! Cùng lắm là sang năm. Không! Sang xuân anh sẽ về.

Tôi gục đầu vào bộ ngực nở nang của Sinh. Sinh vòng hai tay ôm chặt lấy tôi. Mùi mồ hôi quen thuộc, ấm áp, dễ chịu. Rồi tôi thấy người mình nóng ran. Lồng ngực căng cứng tưởng như nghẹt thở. Chúng tôi quấn vào nhau dưới gốc cây sồi già. Bên ngoài: Gió vẫn thổi. Ngàn lau phơ phất. Chim rừng đi ăn muộn đang về thảng thốt kêu. Và cây sồi già oằn mình rung lá. Chúng tôi buông nhau ra khi tiếng còi tàu tu tu từ ga Xép vọng đến. Sinh hốt hoảng: “Anh phải đi kẻo chậm mất”. “Cho em đi theo với.’’ ‘“Không được đâu!’’ Sinh bắt tôi phải quay về. Tôi không chịu. Lúc ấy, tôi chỉ muốn đi theo anh cùng trời cuối đất. Sinh chạy trước, tôi chạy sau, thỉnh thoảng anh dừng lại chờ tôi. Chúng tôi đến ga Xép thì bộ đội đang lục tục lên tàu. Sinh nhào lên cửa tàu trong tiếng càu nhàu của bạn và tiếng quát tháo của một người chỉ huy.

Con tàu chở toàn màu xanh rùng mình từ từ rời ga. Tôi lật đật chạy theo. Sinh ngoái đầu ra khỏi ô cửa tàu hoả: “Miên... Miên ơi! Sang xuân anh sẽ về!’’ Tôi cuống quít: “Vâng! Anh Sinh ơi! Em chờ anh?’’. Tôi thẫn thờ nhìn con tàu xuôi về Nam. Con tàu đang chở Sinh và đồng đội của anh đi chiến trường, không biết ngày trở lại. Tôi rưng rưng nước mắt. Bất chợt! Tôi thấy rất nhiều cánh chim trắng loang loáng chao liệng bên con tàu. Bao nhiêu lời chúc tụng, lời nhắn gửi, lời hát... của những người lính trẻ trên tàu mà tôi nghe không rõ. Tôi đứng nhìn theo đến khi con tàu vào Nam khuất hẳn. Sân ga và dọc đường tàu trắng xoá những cánh chim trắng vừa rơi. Những người đi đường cúi xuống nhặt. Tôi cũng cúi xuống nhặt. Hoá ra là thư của thững người lính trẻ viết vội vàng từ biệt gia đình, người thân. Nhiều phong thư chưa kịp dán tem, nhiều lá thư chưa có phong bì. Tất cả đều viết nguệch ngoạc, vội vàng và nhờ người đi đường gửi hộ...

                                                                                       * *
                                                                                        *

Tôi ra ga Xép trở về thành phố.

Mẹ tiễn chân tôi đến cửa rừng ngày xưa. Mẹ tôi bảo: “Bu biết mày nặng lòng với ngày xưa quá, Miên ạ. Tết nhất đến nơi rồi. Về với chồng con. Đừng lo cho bu.’’ “Vâng! Thôi bu về đi”.

Tôi lại về với chồng. Tôi về với con tôi. Tôi sẽ kể hết cho chồng tôi nghe rằng: Ngày ấy tôi đã xin tiền của mẹ mua tem và phong bì. Tôi đã nằm bò trên sàn hí hoáy ghi tên người và địa chỉ nhận thư. Tôi đã gửi giúp những người lính trẻ không biết bao nhiêu lá thư tới gia đình, người thân của họ.Tôi thẫn thờ đi bộ qua đèo Eo Bát. Tôi ngồi nghỉ dưới gốc cây sồi già. Ngày xưa lại rưng rưng hiện về. Ngày xưa ơi? Ngày xưa nơi đây là cửa rừng. Cửa rừng hun hút gió. Gió thổi. Gió thổi hoài. Tôi ngước nhìn lên. Cây sồi già đang trở mình rung lá.

Tam Điệp. Ngày mở cửa rừng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.