Hỗ trợ 300 triệu/chuyến cho tàu container mở tuyến quốc tế vào cảng
Nghệ An vừa thông qua chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển vận chuyển container quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển bằng container đi, đến cảng Cửa Lò.
Tàu vận chuyển container quốc tế thực hiện dỡ hàng hoặc xếp hàng tại cảng Cửa Lò được hỗ trợ 300 triệu đồng/chuyến cập cảng.
Theo đó, từ 1/1/2024 đến 31/12/2025, hãng tàu biển vận chuyển container quốc tế được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định, thực hiện dỡ hàng hoặc xếp hàng tại cảng Cửa Lò được hỗ trợ 300 triệu đồng/chuyến cập cảng.
Với hãng tàu biển vận chuyển container nội địa (gồm trung chuyển qua các cảng quốc tế) được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định, thực hiện dỡ hàng hoặc xếp hàng hoặc vừa dỡ hàng và xếp hàng tại cảng Cửa Lò (trừ hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh) với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng/tháng sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến.
Các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu vận chuyển bằng container đi, đến cảng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An được hỗ trợ trợ 600.000 đồng/1 container 20 và 1 triệu đồng/1 container 40 feet.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Trần Nam Hải, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh bày tỏ kỳ vọng chính sách sẽ thu hút được khối lượng hàng xuất nhập khẩu thông qua cảng Cửa Lò. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến container từ Cửa Lò, từ đó giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có phương án xuất nhập vật tư, thiết bị, lưu thông sản phẩm hàng hoá thuận lợi, ổn định, giảm giá thành.
“Trong điều kiện toàn cầu hoá hiện nay, điều này còn góp phần phát triển các dịch vụ logistics, thu hút thêm các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu đến Nghệ An thực hiện dự án lớn”, ông Hải chia sẻ và nhấn mạnh, Cảng Nghệ Tĩnh xác định việc mở tuyến và duy trì được các tuyến container từ cảng Cửa Lò là nhiệm vụ quan trọng.
Doanh nghiệp lợi gì?
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Nghệ An chủ yếu vận tải hàng hóa ra Hải Phòng bằng đường bộ để xuất khẩu. Chi phí vận chuyển đường bộ một container từ Nghệ An ra Hải Phòng khoảng 8 - 10 triệu đồng/container. Nếu vận chuyển nội tỉnh, con số này vào khoảng 1 - 4 triệu đồng /container.
Tuy nhiên, điều này cũng không nghĩa với việc nếu có tuyến vận tải đường biển thẳng từ Nghệ An, với mỗi container, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ tiết kiệm khoảng 5 - 6 triệu đồng.
Sở dĩ như vậy, theo lãnh đạo Cảng Nghệ Tĩnh, dù giảm được phần cước vận chuyển nội địa song cước quốc tế từ Cửa Lò lại tăng khoảng 200 USD/container.
Tuy vậy, ông Hải khẳng định doanh nghiệp vẫn có những lợi thế khi tiết kiệm thời gian và việc đóng hàng, cũng như chủ hàng chủ động hơn trong việc đặt chỗ với hãng tàu vận chuyển container quốc tế sát ngày tàu.
Ông Hải thông tin hiện doanh nghiệp đang phối hợp với các cơ quan liên quan tìm phương án để kích cầu các hãng tàu container mở tuyến vận tải.
Ngoài đề xuất kiến nghị với các cấp chính quyền ở địa phương về các chính sách hỗ trợ với tàu container đến cảng, cảng cũng áp dụng các chính sách ưu đãi về chi phí xếp dỡ, tàu vào được cập cảng làm hàng ngay, thời gian làm hàng nhanh hơn, tạo điều kiện trong việc kết nối hải quan, làm các thủ tục liên quan, cũng như đầu tư thêm phương tiện thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng.
“Cảng cũng chủ động phối hợp với hãng tàu trong việc tìm kiếm nguồn hàng, kết nối khách hàng với hãng tàu, cung cấp dịch vụ vận chuyển cho hãng tàu nhằm thu hút hàng container xuất nhập khẩu thông qua cảng biển Cửa Lò”, ông Hải nói.
Thực tế, các chuyên gia nhận định, chính sách hỗ trợ chỉ có thời gian nhất định, nhằm kích cầu để thu hút các hãng tàu container mở tuyến vận tải. Qua đó, tạo tiền đề để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia đầu tư vào địa phương và nâng cao, phát triển hàng hóa. Bởi, điều quan trọng để các hãng tàu duy trì được tuyến chính là nguồn hàng.
Cách đây không lâu, đã có hãng tàu mở tuyến vận tải container quốc tế xuất phát từ cảng Cửa Lò đi Kolkata (Ấn Độ) - Chitagong (Bangladesh) nhưng hiện đã dừng tuyến. Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, giá cước vận tải container giảm và sản lượng hàng hóa thấp là những nguyên nhân khiến hãng tàu phải dừng tuyến để tìm phương án khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận