Trắng tay sau cơn lũ dữ
Ngày 18/11/2024, PV Báo Giao thông quay trở lại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Đây là nơi đã từng xảy ra trận lũ kinh hoàng vào năm 2022, nếu tính đầy đủ thì đến nay đã là 2 năm 47 ngày.
Dòng Huồi Giảng hung hãn, kéo theo đất đá từ trên núi ầm ầm trút xuống cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản của người dân ngày nào, nay đã hiền hòa, trong xanh.
Thế nhưng, trên bờ, nhiều dấu vết của trận lũ vẫn còn in hằn, như khắc sâu nỗi ám ảnh vào cuộc sống người dân nơi đây. Điển hình như ngôi nhà của cô La Thị Vân (SN 1985, giáo viên Trường Mầm non xã Bảo Nam).
Chồng mất sớm, cô Vân một mình nuôi 2 con (hiện học lớp 11 và lớp 4). Tiền lương, thưởng người giáo viên vùng cao được bao nhiêu, cô tằn tiện, dành dụm để xây dựng được ngôi nhà mới.
Thế nhưng, sáng 2/10/2022, cơn lũ ập đến, cô Vân chỉ kịp kéo con gái nhỏ lúc đó mới 7 tuổi chạy ra khỏi nhà, lên vùng cao hơn. Bốn bức tường bị nước lũ và đất đá phá tung, vùi lấp và cuốn trôi tất cả tài sản, đồ đạc bên trong.
Căn nhà bê tông kiên cố còn chưa hết mùi sơn, trong chớp mắt trống hoác mọi phía, trở thành căn nhà hoang ngập ngụa rác và đá sau trận lũ sót lại. Mảnh vườn xanh mướt cải ngồng, cải bắp thì nay cũng đã um tùm cỏ dại.
Chị Vân kể, sau trận lũ, được bộ đội và công an hỗ trợ, chị lấy được chiếc xe máy. Còn lại, mọi tài sản đều theo sông trôi về biển.
May mắn 3 mẹ con chị được Trường Mầm non thị trấn Mường Xén cho mượn một phòng học tại điểm trường không hoạt động nữa làm chỗ chui ra chui vào.
Vì nhiều hộ gia đình khác mất nhà cũng đang phải tá túc ở đây, nên mỗi gia đình chỉ được một phần diện tích nhỏ, đủ kê cái giường. Còn nhà bếp mẹ con chị Vân phải kê dưới gầm cầu thang để nấu nướng.
“Tôi dạy ở trường Mầm non Bảo Thắng, cách thị trấn đến khoảng 20-30km, sáng đi tối về. Con gái lớn học nội trú dưới TP Vinh, ở nhà chỉ có mình cháu nhỏ. Mỗi khi mẹ về là cháu than thở, mẹ ơi lúc nào ta về nhà mình. Tôi chỉ biết động viên con cố gắng thêm chút nữa.
Giờ mẹ con chúng tôi chỉ hy vọng vào khu tái định cư chứ bảo đi mua đất xây nhà mới thì không thể. Cứ mỗi lần nghe thông tin trường mầm non thị trấn lấy lại nhà là tôi lại lo. Bởi tiền thuê trọ ở đây, mỗi tháng trung bình từ 1 - 1,5 triệu. Một mình tôi nuôi 2 cháu ăn học, thêm tiền trọ nữa thì cực kỳ vất vả”, chị Vân chia sẻ.
Theo bà Lô Thị Liên (SN 1977) ở bản Hòa Sơn, trận lũ năm 2022 ngoài gia đình cô Vân thì còn có gia đình vợ chồng thầy Thành cô Hoài mất nhà hoàn toàn. Hiện vợ chồng thầy cô đang đi ở trọ ở nơi khác để tiếp tục công tác. Ngoài ra, còn có một vài thầy cô khác nhưng may mắn nhà cửa chỉ bị hư hỏng.
Còn ông Hà Văn Của, Bí thư Chi bộ bản Sơn Hà, xã Tà Cạ (là một trong 2 bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ ống năm 2022) cho biết: "Trong bản cũng có một gia đình giáo viên bị lũ cuốn trôi mất nhà hoàn toàn. Nhưng sau đó, gia đình cô đã chuyển lên bản Sơn Thành sinh sống".
Bao giờ có đất tái định cư?
Qua tìm hiểu được biết, ngay sau trận lũ quét kinh hoàng năm 2022, nhằm sớm ổn định cuộc sống cho người dân, UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã tìm được 2 điểm để xây dựng khu tái định cư.
Khu thứ nhất tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, với diện tích khoảng 8,6ha. Tổng nguồn vốn để triển khai là 65 tỷ đồng, gồm 35 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh, 20 tỷ đồng thuộc vốn Ban vận động Quỹ vì người nghèo và cứu trợ tỉnh Nghệ An, 10 tỷ do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ.
Đây là dự án nhóm C, khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của hơn 150 hộ dân.
Hiện nay, khu tái định cư này vẫn chưa triển khai xây dựng do vướng đất rừng tự nhiên chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Còn khu thứ 2 ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ với diện tích khoảng 3,9 ha, đáp ứng cho 54 hộ dân tái định cư vùng lũ quét, mỗi lô đất có diện tích từ 210-230m2.
Tổng mức đầu tư dự án này là 31,5 tỷ đồng, trong đó nguồn dự phòng ngân sách Trung ương 30 tỷ đồng, ngân sách huyện Kỳ Sơn là 1,5 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ ngày 15/11/2023.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn cho hay, đối với khu thứ nhất rộng 8,6ha ở bản Cầu Tám, kỳ họp giữa tháng 10/2024, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Trong đó có dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân bị lũ quét tại huyện Kỳ Sơn.
Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đang kiểm đếm để và thực hiện xử lý tài sản trên đất theo quy định của pháp luật. Sau đó, hội đồng bồi thường GPMB huyện sẽ nghiệm thu trước khi bàn giao cho ban quản lý dự án huyện thực hiện các bước đầu tư, xây dựng.
Ông Thò Bá Rê, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết thêm, đối với khu tái định cư ở bản Hòa Sơn hiện công tác xây dựng đã cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu đang hoàn thiện một số hạng mục phụ như điện, nước.
“Theo kế hoạch sẽ bàn giao đất cho người dân vào tháng 11 năm nay. Hiện huyện đang giao nhà thầu và ban quản lý dự án huy động tối đa lực lượng, máy móc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án để bàn giao đúng kế hoạch.
Mặc dù trước đây người dân có đăng ký chọn khu tái định cư vì liên quan đến phong tục, ruộng nương… của người dân. Nhưng tới đây huyện sẽ vận động và ưu tiên trước cho những gia đình mất hoàn toàn nhà cửa”, ông Rê nói.
Sáng sớm 2/10/2022, tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã xảy ra một trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng.
Hậu quả làm 621 ngôi nhà của dân bị ảnh hưởng. Trong đó 55 nhà ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén bị sập hoàn toàn; 49 nhà ở Tà Cạ và Nậm Cắn bị thiệt hại nặng; số còn lại là thiệt hại từ 50% trở xuống.
Mưa lũ cũng làm ảnh hưởng nặng nề tới giáo dục, nông nghiệp, giao thông và các công trình khác. Tổng thiệt hại trên 215 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận