UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản đưa Bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương ra khỏi danh sách các thôn bản được hỗ trợ phát triển KT-XH theo "Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH người Ơ Đu trên địa bàn tỉnh này giai đoạn 2016 - 2025" với lý do thực tế Bản Đửa không có người dân tộc Ơ Đu sinh sống.
Lý giải việc “đưa nhầm” danh sách 231 người Ơ Đu vào đề án, ông Nguyễn Tâm Long - Trưởng Phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc, tỉnh Nghệ An, cho biết: Năm 2015, ông Vy Mỹ Sơn - Trưởng phòng Chính sách huyện Tương Dương (nay làm Phó Ban Dân tộc) là người trực tiếp làm đề án này. Cuối năm 2015, ông Sơn được bầu làm Phó Chủ tịch UBND huyện, giao lại cho cán bộ phụ trách ở địa bàn.
"Thời điểm này, Ban Dân tộc đã tham mưu xây dựng 1 đề án đưa ra lấy ý kiến các sở ban ngành vào ngày 8/6/2016. Cơ sở để đưa danh sách 231 người Ơ Đu ở Bản Đửa vào đề án là dựa trên số liệu báo cáo của huyện. Và đặc biệt trên niên giám thống kê các năm 2013 - 2015 của Tổng cục Thống kê, đều có người dân tộc Ơ Đu sinh sống ở Bản Đửa. Sau đó, tôi về phụ trách và hoàn thiện đề án trình sang UBND tỉnh và được Chính phủ phê duyệt vào năm 2016", ông Long nói.
Cũng theo ông Long, đến tháng11/2018, tỉnh và trung ương mới bố trí được vốn cho giai đoạn 1 của đề án.
"Sau khi có vốn đến tháng 2/2019, tôi tham mưu lập đoàn khảo sát nhằm xác định thực trạng phát triển kinh tế xã hội của từng hộ gia đình nhằm chọn ra phương án tối ưu. Thông qua khảo sát thì phát hiện tại Bản Đửa không còn tồn tại người nào thuộc dân tộc Ơ Đu và tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản điều chỉnh. Ở đây dù vốn đã giải ngân nhưng do đã đưa 231 người Ơ Đu ở bản Đửa ra khỏi đề án nên không xảy ra việc chi sai chính sách”, ông Long nhấn mạnh.
Nhận định về việc người Ơ Đu không còn sinh sống ở bản Đửa và vẫn được thống kê trong niên giám, ông Long đưa ra 2 giả thuyết: Thứ nhất là họ chuyển nơi sinh sống; thứ 2 người đồng bào Ơ Đu thường tự ti, mặc cảm về thành phần dân tộc nên có thể sau này khi khai báo họ đã chuyển đổi sang thành phần dân tộc khác.
“Hiện nay, sau khi có thông tin về sự việc này, Công an tỉnh cũng đã vào cuộc xác minh làm rõ”, ông Long cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 và quyết định phê duyệt đề án của UBND tỉnh Nghệ An năm 2017 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng (ngân sách trung ương 90% và 10% ngân sách đối ứng địa phương).
Đề án được thực hiện tại hai bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh), thuộc huyện Tương Dương do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thực hiện.
Đề án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2016-2020) kinh phí 61,6 tỷ đồng; Giai đoạn 2 (2021-2025) kinh phí 58,4 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận