Hạ tầng

Nghệ An: Vì sao không làm cầu tạm tại công trình cầu Giằng Xay?

27/08/2022, 19:15

Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) không làm cầu tạm tại công trình cầu Giằng Xay, người dân phải đi đường vòng.

Muốn về nhà phải qua… xã khác

Những ngày vừa qua, PV Báo Giao thông nhận được phản ánh của bạn đọc xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An về việc: UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) đang triển khai dự án cầu Giằng Xay nằm trên tuyến đường độc đạo vào xóm Hồng Thịnh.

img

Dù nằm trên con đường độc đạo nhưng công trình cầu Giằng Xay không có cầu tạm

Tuy nhiên, trong quá trình thi công lại không có cầu tạm khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, thép sử dụng trong thi công trụ cầu có nhiều kích thước khác nhau khiến người dân rất lo ngại.

Ngay khi nhận được phản ánh, PV đã khẩn trương xác minh và nhận thấy những gì diễn ra trên công trường là đúng như bạn đọc phản ánh.

Theo quan sát, công trình cầu Giằng Xay nằm ngay trên tuyến đường độc đạo vào xóm Hồng Thịnh. Hiện tại các nhà thầu đang thi công dở dang phần trụ cầu.

Dù cây cầu này nằm trên tuyến đường đã có từ lâu, nhưng ngay tại vị trí thi công cầu không hề có cầu hay đường tạm.

“Đây là tuyến đường độc đạo vào xóm Hồng Thịnh với khoảng 200 hộ dân và thông ra huyện Đô Lương. Tuyến đường này đã có từ lâu, nhưng không hiểu sao khi xây cầu, huyện lại không cho làm cầu tạm để người dân đi”, một người dân xóm Hồng Thịnh nói và cho biết thêm:

Cả tháng nay, người dân muốn ra vào làng phải vòng qua tuyến đường nội đồng. Tuyến đường này lại có 2 tràn nước, ngày nắng còn đi lại được chứ ngày mưa thì không ai dám đi. Năm học mới sắp tới, không biết các cháu sẽ tới trường kiểu gì, chẳng nhẽ phải đi tuyến đường vòng dài cả chục km qua xã Hồng Sơn (huyện Đô Lương) rồi mới lên xã được.

img

Thép đan tại trụ cầu đúng với thiết kế đã được phê duyệt

Xác nhận với PV, một công nhân thi công tại công trường cũng cho biết: Muốn đi vào xóm phải đi vòng qua tuyến đường nội đồng. Và dù đang là ngày nắng, nhưng nước vẫn chảy rất mạnh qua 2 tràn nước, nhiều phương tiện không thể qua lại được.

Trong khi đó, đúng như người dân phản ánh, tại trụ cầu đang thi công dở dang, PV quan sát có nhiều kích cỡ thép đan xen nhau.

Kinh phí eo hẹp, vị trí đặc thù

Mang những tâm tư của người dân Hồng Thịnh trao đổi với lãnh đạo xã, ông Nguyễn Đình Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành cho biết: Dự án do Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Yên Thành làm chủ đầu tư. Do ngân sách khó khăn, BQL tiết kiệm nên không làm cầu tạm. Ngoài ra, cách đó không xa có con đường giữa đồng để người dân xóm Hồng Thịnh đi vòng qua.

Ông Phong cũng thừa nhận, tuyến đường đi vòng giữa đồng phải đi qua tràn nước. Nếu có mưa lũ, xã sẽ thông báo và rào lại để cấm người dân đi qua 2 tràn nước này. Lúc đó, người dân phải đi vòng qua xã Hồng Sơn (của huyện Đô Lương).

Tuy nhiên, ông Phong cho biết, tuyến đường vòng qua huyện khác chỉ dài hơn 1km và đều là đường bê tông nhựa chứ không dài cả chục km như người dân nói.

Một cán bộ Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Yên Thành cho biết: Cầu Giằng Xay có tổng kinh phí gần 3,5 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây lắp khoảng 2,8 tỷ đồng. Trong dự toán không có kinh phí cho cầu tạm.

"Trong khi kinh phí còn hạn hẹp, cầu lại nằm ở vị trí rất đặc thù, giữa dòng nước rất lớn. Nếu làm cầu tạm, kinh phí sẽ rất lớn, thậm chí còn lớn hơn cả cầu chính", vị cán bộ này nói.

Cũng theo cán bộ này, gần đó có tuyến đường nội đồng có thể đi qua được. Ban đã chỉ đạo nhà thầu đổ đất, đá… sửa chữa những vị trí hư hỏng để người dân đi lại.

img

Mùa mưa lũ đang đến gần, trong khi tuyến đường tạm qua cầu Giằng Xay phải đi qua 2 tràn nước

Còn về thép thi công trụ cầu, cán bộ đưa hồ sơ cho PV xem và giải thích: Theo thiết kế, trụ cầu đan thép kép, có kích thước khác. Nên người dân nhìn vào thầy có sự chênh lệch kích cỡ thép, nhưng thực tế đều đúng với thiết kế.

“Vừa rồi, Ban lên nghiệm thu khối lượng thành phần cũng nhận được phản ánh của người dân về vấn đề này. Chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ nhưng không có sai sót nào”, vị cán bộ này nói.

Còn ông Phan Huy Hải, Giám đốc Ban QLDA Xây dựng huyện Yên Thành giải thích rằng: Trong quá trình lập dự án, Ban có đề xuất cầu tạm nhưng xã nói không cần mà đi tuyến đường giữa đồng. Trong thiết kế dự toán có phần kinh phí đảm bảo giao thông và hiện tại nhà thầu đã rải đá tại một số vị trí trên tuyến đường nội đồng này cho người dân đi lại an toàn.

Ban cũng giao nhà thầu, trong thời gian thi công cầu chính, nếu mưa lũ làm xói mòn thì nhà thầu phải có trách nhiệm san lấp, đảm bảo an toàn trên tuyến đường nội đồng cho người dân đi lại. Ngoài ra, vị trí thi công cầu rộng quá, thi công cầu tạm sẽ cần kinh phí rất lớn.

"Còn về thép to thép nhỏ, bản thân tôi cũng nhận được phản ánh của người dân. Sau đó, tôi đã chỉ đạo cán bộ ban lên kiểm tra, nếu sai sót yêu cầu đập ra, thi công lại. Sau khi anh em lên kiểm tra, họ khẳng định thiết kế dầm cầu như vậy và nhà thầu thi công đúng với thiết kế", ông Hải nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.