Cơ trưởng A321 Nghiêm Duy Long, người đã bay được 10 năm vui vẻ tâm sự, anh em phi công xác định nghề bay là nghề đặc thù, thường xuyên phải vắng nhà vào các dịp Lễ, Tết. Ngày chỉ được phân biệt bằng ngày bay và ngày không bay, cứ có lịch bay là anh em phi công lên đường bất kể thời điểm nào. Nhưng bay vào giờ khắc giao thừa bao giờ cũng là những chuyến bay có nhiều cảm xúc nhất.
Anh chia sẻ một kỷ niệm về đêm giao thừa xa gia đình của mình: “Tôi không bao giờ quên một lần đón giao thừa tại Haneda - Tokyo. Hôm đó trời rất giá lạnh, gió to không thể đi ra ngoài đường. Tất cả các siêu thị, nhà hàng đều đóng cửa, thế là các anh em tổ bay chuyến đó đón giao thừa với cái bụng trống rỗng. Trời, lúc đó sao mà nhớ nhà, nhớ hương vị bánh chưng quê hương đến thế... Phi công cũng như mọi người thôi (anh nhẹ cười), ai cũng muốn được ở bên gia đình, nhất là vào những ngày Tết cổ truyền hay ngày sinh nhật của bố mẹ, vợ con...
Nhưng đến những dịp đó, nếu không trùng lịch nghỉ, anh em phi công cũng không ai huỷ lịch bay. Anh em tổ bay đều nghĩ, tết đến, xuân về, hàng ngàn hành khách đang đợi mình, ai cũng đang mong nhanh được về bên gia đình như mình vậy. Anh em lại động viên nhau cố lên, mỗi người vì mọi người. "Sau mỗi chuyến bay, chúng tôi thấy vui và hạnh phúc vì mình đã góp phần đưa bao nhiêu người về đoàn viên bên gia đình, hoặc góp phần giúp hành khách đạt được mục đích cụ thể nào đó trong công việc, trong cuộc sống”, anh Long nói.
Kể về hậu phương của mình, anh cười hạnh phúc và chia sẻ rằng anh được gia đình thấu hiểu và chia sẻ trong công việc rất nhiều. Năm vừa rồi anh được đón Tết cùng gia đình, cả nhà cứ được ở bên nhau vào thời khắc giao thừa đã là một hạnh phúc rất lớn rồi. Phải xa gia đình nhiều mới hiểu hết giá trị của những điều giản dị này”.
Một cánh én còn rất trẻ của Đoàn bay 919, cơ trưởng Nguyễn Bá Duy Anh chưa đến tuổi 30 nhưng đã có 8 năm bay. Anh cho biết, từ ngày gia nhập Đoàn bay, chưa có Tết nào được ở nhà trọn vẹn với gia đình. Gia đình anh xuất thân từ quân nhân, nên rất coi trọng nghĩa vụ phục vụ nhân dân và tổ chức, chính vì vậy anh luôn được gia đình hậu thuẫn, động viên để tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Khi được hỏi về những cảm xúc khi thực hiện những chuyến bay Tết, anh chia sẻ: “Tôi đã từng đi bay đêm giao thừa và không có mặt ở nhà thời khắc giao thừa năm 2014. Giao thừa năm đó, tôi bay chuyến SGN - HAN, dự kiến khởi hành lúc 21 giờ 30 phút. Vì là chuyến bay cuối cùng chở bà con về quê phía Bắc ăn Tết nên dự kiến sẽ không còn chỗ trống. Tất cả hành khách đều mau chóng ổn định vị trí, tổ bay tổ tiếp viên làm nhiệm vụ cũng hoàn tất các công tác kiểm tra an toàn trước chuyến bay để cất cánh. Đến giờ khởi hành thì thiếu 3 khách, nên tổ bay ra quyết định đợi. Ba khách này, là một cặp vợ chồng trẻ cùng em bé khoảng 1 tuổi.
Chuyến bay hạ cánh lúc 23 giờ 50 phút, vào đến bãi đỗ cũng là thời khắc giao thừa. Dù chuyến bay đã bị chậm so với kế hoạch, mọi người coi như đón giao thừa trên sân ga, nhưng tất cả hành khách đều hân hoan, hài lòng. Còn tổ bay khi ấy dù khá mệt mỏi nhưng những nụ cười, lời chúc mừng năm mới, những cái bắt tay cảm ơn với hành khách, với các nhân viên mặt đất, chú lái xe, cô lao công, anh an ninh sân bay từ lúc ra khỏi cửa máy bay cho đến khi rời nhà ga đã cho chúng tôi cảm giác ấm cúng thân thương, cảm giác tự hào hãnh diện vì đã góp công sức để mọi người được đoàn tụ, sum vầy. Những cảm xúc ấm cúng ấy xua tan mệt mỏi, cảm giác bồi hồi khi xa nhà lúc giao thừa và là động lực cho phi công chúng tôi trong suốt hành trình theo nghề bay.
Một trong những cánh én vàng của Đoàn bay 919, cơ trưởng A350 Phan Tiến Ngà đã có thâm niên gần 30 năm “dệt mùa xuân” cùng VNA. 29 cái Tết đã qua trong nghề bay, chưa có một cái Tết nào anh được ăn Tết trọn vẹn cùng gia đình. Kể về những thời khắc làm nhiệm vụ vào đêm giao thừa, anh chia sẻ: “Dù đã thực hiện nhiệm vụ bay xuyên giao thừa rất nhiều lần rồi, nhưng vào thời điểm mà người Việt có truyền thống quy tụ bên gia đình, bên người thân nên không ai tránh khỏi một chút chạnh lòng.
"Cảm xúc lúc ấy như vậy, nhưng tôi luôn an tâm vì được gia đình rất thông cảm”, anh chia sẻ và cho rằng mình may mắn khi gia đình có truyền thống cùng ngành. Vợ anh vốn là một tiếp viên hàng không nên thấu hiểu những đặc thù của nghề bay, luôn ủng hộ, động viên để anh yên tâm công tác. Chị rất biết cách thu xếp thời gian để mỗi thành viên đều có điều kiện được gần gũi, bù đắp và chia sẻ với nhau trong những lúc sum họp gia đình.
Anh Ngà cho rằng, điều khiến anh cảm động nhất lại đến từ các đồng nghiệp. Đặc biệt là các bạn trẻ mới vào nghề, các tiếp viên nữ đã có gia đình, con còn bé. “Đã rất nhiều lần chứng kiến các nữ tiếp viên không giấu được xúc động, bật khóc vào lúc giao thừa khi nhớ đến gia đình, nhớ chồng con…
Những lúc ấy, cả tổ bay lại cùng động viên, an ủi nhau là mình dùng thời gian đi làm nhiệm vụ của mình mà đổi lại bao hành khách được sum họp, bao đồng nghiệp được quây quần bên gia đình đón năm mới, như thế chẳng đáng để vui vẻ đánh đổi hay sao… Cùng an ủi đồng nghiệp, cùng chia sẻ những lời chúc tụng năm mới, rồi lại nhanh chóng nguôi ngoai, lại phục vụ hành khách an toàn, chỉn chu, tận tâm nhất có thể. Trong câu chuyện, cơ trưởng Ngà luôn dành cho những đồng nghiệp nữ của mình khi phải rời gia đình đi bay Tết sự thương mến, cảm thông sâu sắc.
Mỗi khi Tết đến, Xuân về, trong khi ai cũng mong mỏi có một cái Tết quây quần bên gia đình, người thân, thì ở Đoàn bay 919, những phi công gần như không có một cái Tết nào trọn vẹn cho gia đình như cơ trưởng Phan Tiến Ngà và các đồng nghiệp của anh vẫn sẵn sàng chuẩn bị xách vali lên đường bay phục vụ cao điểm Tết, thực hiện nhiệm vụ nối những bến bờ sum họp, như sứ mệnh của những “cánh én” chở mùa xuân đến cho mọi nhà.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận