Đăng kiểm Việt Nam đã ra đời và có quá trình 50 năm phát triển (Kiểm tra các hạng mục máy tàu biển) |
Ra đời tại quán…cà phê
Cuối thế kỷ XVII, dòng sông Thames của nước Anh luôn tấp nập thuyền buôn đến từ khắp nơi. Những quán cà phê thơ mộng bên bờ sông Thames bỗng trở thành nơi môi giới, buôn bán, đổi chác tiền, vàng. Dần dà, mỗi quán trở thành một trung tâm phục vụ từng loại khách hàng riêng theo ngành nghề kinh doanh.
Quán “Coffee House” của Edward Lloyd là một trong số đó. Khách hàng quen thuộc của quán cà phê nổi tiếng này không ai khác chính là các chủ tàu, thuyền viên và thương gia. Ở đây, họ vừa thưởng thức hương vị của cà phê phương Đông vừa trao đổi tin tức đến từ những con tàu, cảng biển trên thế giới và bàn chuyện làm ăn.
Dần dần, quán cà phê của Lloyd trở thành nơi dành cho giới môi giới bảo hiểm, đấu giá tàu thuyền. Tại nơi này, những nhà bảo hiểm sẵn sàng vung tiền “đánh bạc” với các con tàu và sôi động trước mỗi cuộc đấu giá tàu thuyền.
Những cuộc mua bán bảo hiểm, đấu giá tàu thuyền luôn phức tạp và cần đến người thứ 3 đánh giá chất lượng tàu làm căn cứ cho kẻ bán người mua. Và cũng từ đó, năm 1760, ăn theo sự mua bán và bảo hiểm tàu thuyền tự phát ở quán cà phê Lloyd, tổ chức Đăng kiểm của ông chủ quán Lloyd ra đời với tên gọi Register Society.
174 năm sau đó, tổ chức này đổi tên thành Lloyd’s Register of British and Foreign Shipping. Đến năm 1914, tên của tổ chức tiếp tục được đổi thành Lloyd’s Register of Shipping và giữ nguyên đến ngày nay.
Như vậy, năm 1760 đã trở thành điểm mốc đánh dấu sự ra đời một công việc mới, nghề mới với tên gọi: Đăng kiểm.
Đăng kiểm - người cố vấn tận tụy
Trên thực tế, hoạt động buôn bán thông qua đường biển đã phát triển mạnh mẽ từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, mang lại cho chủ tàu những khoản lợi nhuận kếch xù. Cũng vì mục tiêu lợi nhuận, nhiều chủ tàu đã đặt thiết kế và đóng những con tàu cốt sao chở được nhiều hàng hóa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc vấn đề an toàn cho thủy thủ, hành khách, hàng hóa trên tàu chỉ được coi là thứ yếu. Hậu quả là hàng loạt vụ tai nạn hàng hải liên tiếp xảy ra.
Những người có liên quan đến nghề biển thấy rằng, cần phải có một tổ chức trung gian để nâng cao an toàn hàng hải, ngăn ngừa tai nạn đảm bảo sự công bằng cho mọi đối tượng được hưởng quyền lợi từ con tàu. Và đó chính là tổ chức “Đăng kiểm”.
Bạn có biết? Ô tô đang lưu hành tại VN: 1.677.009 chiếc gồm: - 814.899 xe con (từ 9 chỗ ngồi trở xuống) - 107,322 xe khách từ 10 chỗ trở lên - 690,563 xe tải - 19,488 xe chuyên dùng - 44,737 xe loại khác Đội tàu biển treo cờ Việt Nam - Số lượng: 1.624 chiếc - Tổng dung tích: 4.457.950 GT - Tổng trọng tải : 7.244.817 tấn Đội tàu mang cấp Đăng kiểm Việt Nam VR - Số lượng: 1.662 tàu - Tổng dung tích: 4.650.501GT - Tổng trọng tải: 7.560.560 tấn Đội tàu sông Việt Nam - Số lượng: 270.611 chiếc, trong đó: - Tàu hàng có trọng tải 12.669.940 tấn - Tàu khách với số khách được chở: 566.442 khách Phương tiện đường sắt - Đầu máy đường sắt đang lưu hành được VR kiểm tra: 313 chiếc - Toa xe đang lưu hành được VR kiểm tra: 3.998 |
Gần một thế kỷ trước, một học giả đã phát biểu tại hội nghị triết học ở Hy Lạp rằng: “Chức năng của đăng kiểm là thâu tóm các kết quả và truyền lại vốn hiểu biết của mình. Nhiệm vụ của đăng kiểm thường là phê bình nhiều hơn sáng tạo. Nhưng để cho có giá trị, sự phê bình của đăng kiểm phải dựa trên vốn hiểu biết sâu rộng… Đăng kiểm phải là người cố vấn tận tụy trung thành, lời khuyên của đăng kiểm phải đứng ngoài mọi động cơ khả nghi, không được gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh, cản trở sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Tuy vậy, đăng kiểm phải chính xác và thận trọng khi kiểm tra các đề xuất mới, để xác định rằng chúng thật sự hợp lý và có giá trị. Hãy nhớ rằng, Tổ chức đăng kiểm luôn đứng giữa hai người có quan điểm về phương tiện đối lập nhau. Đó là chủ phương tiện và bảo hiểm; nhà chế tạo phương tiện và chủ phương tiện; người mua và người bán. Đăng kiểm phải hành động sao cho công bằng đối với tất cả mọi người. Nếu thiên vị một bên, cũng có nghĩa là sẽ không công bằng với bên kia”.
Mỗi tổ chức đăng kiểm đều xây dựng các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật của mình dựa trên những thành tựu của nhân loại về khoa học kỹ thuật và những vốn kiến thức kinh nghiệm thực tế. Dựa trên những quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật, các con tàu được cơ quan đăng kiểm kiểm tra an toàn kỹ thuật ngay từ khi còn thiết kế trên bản vẽ, đến khi giám sát đóng mới và trong suốt quá trình con tàu hoạt động.
Tàu được cơ quan đăng kiểm trao cấp tương ứng tùy thuộc vào mức độ thỏa mãn các quy định về an toàn kỹ thuật theo quy phạm và được hoạt động trong những vùng biển có các điều kiện sóng gió nhất định. Trong suốt đời sống của con tàu, cơ quan đăng kiểm thường xuyên kiểm tra an toàn kỹ thuật bằng những đợt kiểm tra hàng năm, kiểm tra định kỳ, kiểm tra bất thường. Nếu muốn duy trì cấp tàu, tàu phải được sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế trang thiết bị để đạt được mức độ an toàn cho phép, còn ngược lại tàu sẽ bị hạ xuống cấp thấp hơn, có nghĩa tàu phải hoạt động trong vùng hạn chế hơn.
Cùng với sự phát triển của xã hội, đăng kiểm đã dần dần trở thành một tập quán quốc tế trong ngành Hàng hải thế giới. Trong quá trình phát triển, các tổ chức đăng kiểm mở rộng phạm vi hoạt động ra nhiều nước, bổ sung nhiều lĩnh vực mới như: Công trình thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển; ô tô; hàng không, vũ trụ; nhà máy hóa dầu, nhà máy thủy điện, nhiệt điện, điện nguyên tử; công trình xây dựng dân dụng, cầu cảng, các kết cấu thép phức tạp; một số tổ chức tham gia chứng nhận an toàn trong các lĩnh vực y dược, thực phẩm…
Đăng kiểm VN - thành viên chính thức của Đăng kiểm quốc tế
Nghề Đăng kiểm ở VN được hình thành từ năm 1884, khi chiếc ụ nổi đầu tiên đưa vào sử dụng tại Nhà máy Ba Son để sửa chữa tàu biển của Pháp. Tuy nhiên, phải tới tận năm 1964, Cục Đăng kiểm VN, tiền thân là Ty Đăng kiểm trực thuộc Bộ GTVT mới hình thành sau Quyết định số 345-TL. Nhiệm vụ chính của Cục Đăng kiểm VN là quản lý Nhà nước đối với an toàn kỹ thuật của các loại phương tiện, thiết bị GTVT, trước hết là các loại tàu thuyền và phương tiện sử dụng nồi hơi, bình chịu áp lực, thiết bị nâng.
Ngày 25/4/1964, Bộ trưởng Bộ GTVT ký Quyết định số 345-TL thành lập Ty Đăng kiểm trực thuộc Bộ GTVT, có trụ sở tại TP Hải Phòng, với 23 thành viên được chia làm 4 phòng: Tiêu chuẩn, Kiểm nghiệm, Nồi hơi, Nhân chính. Năm 1979, Ty Đăng kiểm được chuyển thành Cục Đăng kiểm VN với nhiệm vụ chính là quản lý Nhà nước đối với an toàn kỹ thuật của các loại phương tiện, thiết bị GTVT, trước hết là các loại tàu thuyền và phương tiện sử dụng nồi hơi, bình chịu áp lực, thiết bị nâng. |
Từ sau thời điểm này, cùng với các hoạt động xây dựng thể chế, biên soạn quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật được đẩy mạnh, Cục Đăng kiểm VN bắt đầu tiếp cận, hội nhập và trở thành thành thành viên chính thức của đăng kiểm quốc tế…
Sau nửa thế kỷ, từ chỗ chỉ có chỉ có 23 người, đến nay ngành Đăng kiểm VN đã có 1.215 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động, trong đó có 89 tiến sĩ, thạc sĩ, 869 kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật, kinh tế, pháp luật.
Ngành Đăng kiểm đang thực hiện công tác đăng kiểm trong 4 lĩnh vực chính: Tàu thủy, công trình biển, ô tô xe máy, phương tiện đường sắt góp phần đảm bảo an toàn sinh mạng con người, tài sản phương tiện hàng hóa và bảo vệ môi trường. Cục Đăng kiểm VN có quan hệ quốc tế song phương với tất cả các thành viên của Hiệp hội phân cấp tàu quốc tế IACS. Hiện nay, lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN được bầu là Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Đăng kiểm OTHK (Tổ chức quốc tế về giám sát kỹ thuật và phân cấp tàu); Chủ tịch phân ban Á - Úc trong Hiệp hội Đăng kiểm ô tô quốc tế CITA; Phó Văn phòng thường trực IMO Việt Nam (Tổ chức Hàng hải quốc tế) và là thành viên của Hiệp hội các tổ chức đăng kiểm châu Á.
Phạm Hồng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận