Một oshiya (người đẩy) đang thực hiện nhiệm vụ |
Những chuyến tàu “không thể cựa quậy”
Mạng lưới đường sắt Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới với sự đúng giờ và lưu lượng hành khách khổng lồ. Chỉ tính riêng ở Thủ đô Tokyo, gần 40 triệu lượt hành khách di chuyển bằng đường sắt/ngày, trong đó có tới 8,7 triệu người đi tàu điện ngầm/ngày - chiếm khoảng 22%.
Mạng lưới tàu điện ngầm Tokyo cũng đáng ngạc nhiên với khả năng vận chuyển. Trên mỗi một đường ray, mỗi tàu vào ga cách nhau chỉ khoảng 5 phút giờ cao điểm và xuất phát cách nhau khoảng 2-3 phút mỗi chuyến. Theo thống kê, trung bình khoảng 24 chuyến tàu rời bến/giờ, cùng một lộ trình. Mặc dù vậy, các chuyến tàu điện ngầm vẫn vô cùng đông đúc, đặc biệt trong giờ cao điểm. Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Nhật Bản thì gần như tất cả các trạm tàu điện ngầm Tokyo hoạt động ở mức… quá tải, một vài trạm còn hoạt động tới 200% công suất.
Nhiếp ảnh gia Michael Wolf của Hồng Kông đã thực hiện một bộ ảnh có tên “Tokyo Compression” (Tạm dịch: Sức nén Tokyo), nơi ông ghi lại những khuôn mặt đau khổ của những người đi lại bằng tàu điện ngầm. Bộ ảnh của Michael Wolf lột tả chân thực cảnh tượng khủng khiếp trên tàu điện ngầm giờ cao điểm, khi những khuôn mặt “dán” vào cửa kính để thở và mọi người chật cứng trong những toa tàu, thậm chí, có những người thấp bé không thể thở nổi vì bị úp mặt vào chiếc áo khoác của một hành khách khác cao hơn trên tàu, theo Amusing planet tháng 8/2016.
Oshiya hay “nhân viên đóng hộp cá mòi”?
Để giải quyết số lượng hành khách quá nhiều và đảm bảo tàu chạy đúng giờ, các trạm tàu điện ngầm Nhật Bản tuyển dụng những người gọi là “oshiya” (tiếng Anh là “pusher”), hay gọi là những “người đẩy”, với mục đích càng nhồi nhét được nhiều người vào tàu điện hoặc tàu hỏa càng tốt. Các “oshiya” mặc đồng phục, đội mũ và đeo găng tay trắng, làm động tác đẩy hành khách lên tàu, sao cho khách không bị nguy hiểm mà tàu lại có thể đóng cửa để đảm bảo đúng tiến độ chạy.
Khi lần đầu tiên những người làm nghề “oshiya” xuất hiện ở nhà ga Shinjuku ở Tokyo, họ được gọi là “nhân viên sắp xếp hành khách”, phần lớn các "oshiya" khi đó chỉ là những người làm việc bán thời gian, thường là sinh viên. Ngày nay, không có các “oshiya” chuyên dụng, những nhân viên nhà ga sẽ kiêm nhiệm hoặc vẫn là những lao động bán thời gian làm công việc này.
“Oshiya” tưởng chừng là một phát minh của người Nhật Bản, song thực ra nghề này là một phát minh có nguồn gốc từ TP New York gần một thế kỷ trước. Những người làm nghề này thậm chí bị hành khách “ghét ra mặt” bởi được xem như những kẻ “xô đẩy hành khách” một cách… bạo lực. Báo chí thậm chí ví các “oshiya” là những nhân viên “đóng hộp cá mòi”. Những tít bài báo kiểu như “Nhân viên bảo vệ tàu điện ngầm sợ hãi vì sợ hành khách chém” hay “Nhân viên tàu điện ngầm New York va chạm với hành khách” chẳng có gì là lạ lẫm ở các quốc gia này.
Nghề “pusher” trở nên lỗi thời khi ra đời các cánh cửa điều khiển tự động. Thế là những “nhân viên đóng hộp cá mòi” mất dần công việc… bạo lực này từ những năm 1920. Sự “biến mất” của những nhân viên tàu điện ngầm ở Mỹ dường như làm cho cảnh tượng ở các ga tàu điện ngầm mất dần đi một nét thú vị nào đó. Có rất nhiều bộ phim nói về nghề này ra đời trong giai đoạn những năm 1920, như: Subway Sadie (1926), Clothes Wolf (1927) hay The Big Noise (1928), Love Over Night (1928) và nổi tiếng nhất là bộ phim tài liệu Pusher (1941) nói về nghề này trong Thế chiến thứ nhất.
Trang Amusing planet dẫn lời một hành khách từng trải nghiệm tình trạng quá tải tàu điện ngầm ở Tokyo cho rằng, việc sinh ra các “pusher” tàu điện ngầm có vẻ là một sự… thừa thãi, bởi tàu điện ngầm Tokyo chạy rất nhiều chuyến, hành khách có thể đứng chờ ở trạm và không lên nếu tàu quá đông. “Chẳng vấn đề gì cả, nếu đông quá, tôi sẽ đứng chờ một chuyến nào trông có vẻ rộng rãi”, người này nói. Tuy nhiên, số người có thể đứng chờ đi chuyến tàu điện ngầm khác vì… quá đông như vị khách này chỉ chiếm khoảng 10% thôi. Bởi vào giờ cao điểm, mọi chuyến tàu đều đông và ai thì cũng có những cuộc hẹn hoặc phải tới công sở đúng giờ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận