Thời gian gần đây, gameshow Việt liên tiếp vấp phải tranh cãi của dư luận bởi nội dung phản cảm, vô duyên. Tiêu biểu, trong tập 351 của "Vợ chồng son", câu chuyện tình yêu của cặp Nguyễn Văn Hưng (49 tuổi) và Nguyễn Thị Nhất (29 tuổi) khiến nhiều khán giả ngán ngẩm khi vô tư chia sẻ về chuyện hôn nhân, chuyện phòng the thiếu tế nhị.
Hay trong chương trình "Giải mã kỳ tài", cựu người mẫu Trang Trần không chút kiêng dè trong việc bày tỏ quan điểm và ra sức bảo vệ nó bằng mọi cách, chẳng khác nào màn “cãi tay đôi” trước TS Lê Thẩm Dương. Điều đáng nói ở chỗ, cả hai chương trình đều được phát sóng vào khung giờ vàng trên sóng truyền hình.
Những nhân vật tham gia bị cư dân mạng chỉ trích vì phát ngôn thiếu kiểm soát là cũng là điều dễ hiểu. Điều đáng nói, việc đưa những nhân vật, chủ đề gây tranh cãi của nhà sản xuất lên sóng phải chăng là một chiêu câu rating của nhà sản xuất – giữa lúc game show sắp trở thành “con ghẻ” của truyền hình? Nhân vật chỉ là con “tốt thí” cho nhà sản xuất thu về rating, quảng cáo?
Rõ ràng, đây đều là chương trình ghi hình nên các chi tiết này hoàn toàn có thể lược bỏ trong quá trình biên tập, nhưng đơn vị sản xuất dường như coi đó là chuyện quá bình thường, nếu không muốn nói là cố ý. Bằng chứng là bản đăng tải trên YouTube còn được “nêm nếm” các chi tiết gây tranh cãi so với bản được phát trên truyền hình. Đến khi bị dư luận phản bác, nhà sản xuất chỉ “chống cháy” bằng cách đổi nhan đề, tắt chức năng bình luận của khán giả.
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hiện, chúng ta vẫn chưa có chế tài cụ thể cho các nội dung phát hành trên nền tảng trực tuyến như YouTube. Chính vù vậy, việc nhà sản xuất “lách luật” để đưa những nội dung phản cảm là điều không tránh khỏi. Vì vậy, để không phải tự biến mình thành con “tốt thí” cho nhà sản xuất, những nhân vật tham gia chỉ còn cách tiết chế câu chuyện, cách ứng xử sao cho phù hợp, vừa phải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận