Cùng với các nghệ sĩ khác như NSND Hồng Vân, Quốc Thảo, Trịnh Kim Chi... Minh Nhí cũng mở sân khấu kịch riêng mang tên mình.
Thời gian qua, hai sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh và kịch Hồng Vân tuyên bố thay đổi phương thức hoạt động khiến nhiều khán giả hụt hẫng. Đối với Minh Nhí, anh thấy mình may mắn khi vẫn có thể "gồng" được để duy trì sân khấu.
Nghệ sĩ ưu tú Minh Nhí
Doanh thu bán vé không đủ bù lỗ
Sau thời điểm dịch bệnh, anh nhận định tình hình khán giả đến với sân khấu kịch tại TP.HCM ra sao?
Tôi không biết các sân khấu khác như thế nào, nhưng sau đợt dịch bệnh, tôi vừa tổ chức biểu diễn lại thì suất nào cũng kín. Tôi đã diễn được 4 suất và may mắn luôn kín khán giả. Thậm chí có buổi diễn, chúng tôi mới công bố 2 ngày đã bán hết vé. Nhiều người hỏi vé mà mình không có. Có thể, do sân khấu của mình nhỏ, chỉ có khoảng hơn 132 ghế nên dễ hết vé.
Nếu là sân khấu nhỏ, doanh thu bán vé có đủ để anh bù lỗ cho các đêm diễn?
Sân khấu của tôi chỉ có 2-3 ngôi sao, còn lại là các học trò của tôi. Họ có thể đi diễn bên ngoài, nhưng khi về với thầy, giá cát-sê không bao giờ lấy cao. Do diện tích nhỏ nên nếu khán giả đạt được hơn nửa rạp trong đêm diễn, đã đủ để tôi hòa vốn.
Thực ra làm sân khấu, không bị lỗ là mừng. Tôi khác với các nghệ sĩ khác là thuê sân khấu của tư nhân, chi phí mặt bằng mỗi tháng đã 60 triệu và chưa tính điện nước, cùng nhiều chi phí khác. Bởi vậy, rất nhiều vấn đề cần tiền.
Trong khi đó, doanh thu của sân khấu lại đến từ chính tôi (Cười). Tôi chạy sô ngoài, đi diễn và có hợp đồng. Tất cả để dành hết chăm chút cho sân khấu. Các học trò đi học cũng đóng tiền. Hai nguồn thu đó dùng để chi cho các đêm diễn.
Quan điểm của tôi là muốn các học trò có đất diễn, có sân chơi. Tôi muốn các em có nơi để tiếp cận với khán giả và rèn luyện nghề nghiệp. Làm được điều đó, tôi đã rất vui.
Thầy trò làm với nhau, hôm nào hòa vốn, các trò chỉ lấy giá đó. Hôm nào vắng khách, toàn bộ diễn viên và cả tôi đều lấy giá thấp hơn. Nhiều người trân trọng tôi vì tôi luôn thương học trò. Tôi không chỉ dạy nghề, còn dạy họ đạo đức. Những bạn ở xa hay có hoàn cảnh khó khăn, tôi cho các em ở luôn sân khấu để không cần tốn tiền trọ.
"Ông bầu" Minh Nhí thường xuyên phải bù lỗ, duy trì sân khấu
Hẳn anh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn để duy trì được sân khấu trong bối cảnh hiện nay?
Dĩ nhiên rồi! Tôi thuê mặt bằng của tư nhân để làm sân khấu nên dù diễn hay không cũng phải trả tiền thuê địa điểm. Tôi nghĩ, các sân khấu hiện nay rất cần sự hỗ trợ của những người chủ cho thuê mặt bằng, để có thể gồng gánh được phần nào việc duy trì sự sáng đèn cho các sân khấu.
Chưa kể, cơ sở vật chất sẽ nhanh chóng xuống cấp nếu không ai chăm sóc hàng ngày. Trước đợt dịch bệnh, tôi đã sửa sang sân khấu khang trang để diễn Tết. Sau đó bùng dịch, không diễn được nên tới khi trở lại, lại mất chi phí sửa chữa các thiết bị, cơ sở vật chất. Tổn thất rất lớn và mình bị lỗ rất nặng.
Khi các hoạt động nghệ thuât được mở lại, khán giả tới ủng hộ khiến tôi rất mừng. Các suất diễn kín rạp giúp mình không bị lỗ trong đêm diễn. Làm ra một tác phẩm sân khấu phải đầu tư nhiều hạng mục. Từ diễn viên, tiền luyện tập, phục trang, kịch bản… khá tốn kém.
Nhưng nhìn chung, sân khấu vẫn chưa bao giờ có lợi nhuận. Lúc nào tôi cũng phải gồng. Sân khấu Minh Nhí không có nhiều ngôi sao nên may mắn tôi cố gắng duy trì được. Nếu một dêm diễn và có khoảng 3-4 ngôi sao, dù có kín rạp mình cũng không gồng được. Mọi thứ chỉ dựa vào tôi và một số học trò có chút tên tuổi để bán vé.
Sân khấu kịch không "chết"
Còn khán giả ngày nay, họ có còn hứng thú với kịch nói?
Khán giả vẫn rất yêu kịch. Nhiều người nói sân khấu kịch "chết" rồi, tôi khẳng định điều đó không đúng. Còn rất nhiều khán giả chịu khó đến rạp xem kịch. Sân khấu có lợi thế là khán giả có thể gặp trực tiếp những nghệ sĩ mình yêu mến, được xem những vở diễn không có trên YouTube.
Bản thân tôi lâu nay ít xuất hiện trên YouTube, phim ảnh nên vẫn có nhiều khán giả yêu mến mình tìm đến sân khấu vì muốn gặp, muốn xem Minh Nhí diễn.
Sân khấu của tôi nằm trong một con hẻm nhỏ nhưng vẫn có nhiều khán giả. Họ đều là những người thương mình, thường xuyên theo dõi mình. Sau mỗi buổi diễn, tôi hay trò chuyện cùng họ, nói lên những tâm tư về các học trò. Điều đó khiến khán giả ủng hộ hơn.
Tất nhiên, để khán giả vẫn đến ủng hộ, các vở diễn cũng cần phải chất lượng. Ngày nay, khán giả đòi hỏi kịch bản cần "chắc tay". Tác phẩm không chỉ cần có yếu tố hài hước, giải trí mà còn cần tính nghệ thuật và ý nghĩa nhân văn.
Anh thường tìm cách để các học trò của mình có sân chơi, đất diễn phát triển việc làm nghề
Anh có dự định nào trong thời gian tới, để thu hút thêm khán giả và duy trì sân khấu kịch nói của mình giữa các gian nan?
Tôi vẫn liên tục làm sản phẩm mới. Hiện tại, tôi đang dựng hai vở diễn mới và trong quá trình tập luyện. Thi thoảng, tôi dẫn học trò đi diễn và có các hợp đồng với các trường, các địa phương.
Vừa qua, có đơn vị mời tôi đi diễn 2 đêm ở festival tại Đà Lạt. Tôi quyết định thương thảo với họ để đưa các học trò của mình đi diễn kịch. Tôi không đòi hỏi họ trả tiền cát-sê cho các học trò, mà chỉ cần họ chi trả tiền đi lại và ở. Chi phí ăn uống, cát-sê do tôi tự lo.
Một mình tôi đã đưa 22 học trò ra Đà Lạt diễn và tiết mục kịch nhận được sự ủng hộ của khán giả. Có nghĩa, cũng với số tiền đó, thay vì trả cho một mình tôi, nhà sản xuất vừa có tôi và vừa có nhiều diễn viên khác. Điều đó khiến họ hài lòng. Đây cũng là cách để tôi có thể giúp các học trò của mình có sân chơi, đến gần hơn với khán giả.
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận