Nghệ sĩ nữ thừa thắng xông lên
Sau thời gian dài các nam ca sĩ thống trị làng nhạc, 2024 được đánh giá là năm hoàng kim của các nữ nghệ sĩ. Năm qua, làng nhạc Âu, Mỹ chứng kiến cuộc rượt đuổi của nghệ sĩ nữ từ các bảng xếp hạng âm nhạc đến các giải thưởng như Grammy (Mỹ), Brit Awards (Anh)…
Theo The Guardian, năm 2024, lần đầu tiên nghệ sĩ nữ đứng đầu bảng xếp hạng đĩa đơn tại Anh trong 31 tuần của năm. Điển hình, Miley Cyrus đã có 10 tuần giữ vững ở vị trí số 1 với đĩa đơn "Flowers". Đáng nói, trong top 10 đĩa đơn bán chạy nhất năm, có đến 7 tác phẩm của nghệ sĩ nữ, chiếm 70%.
Trong khi các "chị đại" như Katy Perry, Lady Gaga trở nên trầm lắng hơn thì các nữ ngôi sao thế hệ đi sau có một năm sôi động khi liên tiếp tung ra các sản phẩm và album chất lượng.
Thành công nhất trong năm qua phải kể đến "công chúa nhạc đồng quê" Taylor Swift. Theo thống kê của Spotify, nữ ca sĩ là nghệ sĩ được phát trực tuyến nhiều nhất trên toàn cầu với 26,6 tỷ lượt. Đây là năm thứ hai Swift giữ vị trí này. Ngoài ra, Swift còn hốt bạc nhờ tour diễn toàn cầu "The Eras Tour" – doanh thu hơn 2,2 tỷ USD (khoảng 52.800 tỷ đồng), cao nhất lịch sử âm nhạc.
AI đi vào đời sống, TikTok thao túng thị trường
Năm qua, thị trường âm nhạc còn chứng kiến sự xâm nhập của AI – nhân tố hứa hẹn sẽ tạo biến động lớn đối với tương lai của ngành công nghiệp này.
Theo The Music Essentials, hiện nay, chỉ mất vài giây, AI có thể tạo ra một bản nhạc với âm thanh sống động mà không cần đến thiết bị đắt tiền hay đến các phòng thu chuyên nghiệp. Điều này rất phù hợp cho nhạc phim, trò chơi điện tử hoặc nhạc nền cho nội dung trên YouTube.
Thống kê của Variety cho biết, khoảng 60% nhạc sĩ đã sử dụng AI trong quá trình làm nhạc. Trong đó, gần 38% nhạc sĩ sử dụng AI để phát triển một tác phẩm hoàn chỉnh, 31% để master và 20% để sản xuất âm nhạc, khoảng 11% sử dụng AI để hỗ trợ sáng tác.
Theo The Music Essentials, Mya Blue – ca sĩ ảo đầu tiên của Nigeria là cái tên nổi bật trong ngành âm nhạc quốc tế. Cô ra mắt với bản phối lại "Joromi", bản hit kinh điển của Sir Victor Uwaifo, từng đứng đầu các bảng xếp hạng trong những năm 1970-1980.
"Sự trỗi dậy của nghệ sĩ như Mya Blue mở ra một kỷ nguyên sáng tạo mới", trang Premium Times nhận định.
Với sự phát triển như vũ bão của AI, những người lao động trong ngành âm nhạc cũng đang đứng trước mối lo bị AI "cướp việc". Nghiên cứu mới nhất của Goldmedia chỉ ra, AI có thể chiếm 27% doanh thu của những người sáng tạo âm nhạc vào năm 2028.
Klaus Goldhammer, Tổng giám đốc của Goldmedia chia sẻ trên France24 rằng, trong bối cảnh này, giới nghệ sĩ đang kêu gọi các quy định để bảo vệ công việc của mình.
Không chỉ AI, TikTok đã trở thành phương tiện phổ biến để khám phá âm nhạc mới và định hình cách người dùng thưởng thức âm nhạc. Các nhà tiếp thị âm nhạc, hãng thu âm và nghệ sĩ coi đây là kênh truyền thông hữu hiệu. Còn người dùng đang bị hấp dẫn bởi các bản nhạc ngắn gọn và giai điệu bắt tai, có thể ghép vào các video ngắn.
"Nếu năm 2024 TikTok đã thay đổi cuộc chơi âm nhạc, thì năm 2025 sẽ bùng nổ hơn. Thậm chí, nhiều bản nhạc được sáng tác riêng cho nền tảng này sẽ ra đời. Đó có thể là ca khúc với phần mở đầu dễ nhớ, phần điệp khúc gây nghiện hoặc lời bài hát độc đáo, phù hợp cho các video thử thách, xu hướng", trang The Music Essentials bình luận.
Phát triển đa dạng
Khi các cuộc chơi công nghệ sôi động hơn, ngành công nghiệp ghi âm cũng trở nên hưng thịnh. Theo báo cáo âm nhạc toàn cầu năm 2024 của Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI), tổng doanh thu của ngành âm nhạc năm 2024 lên tới 28,6 tỷ USD (686.400 tỷ đồng), tăng hơn 10% so với năm 2023. Mức tăng trưởng này cao thứ hai, sau mức tăng đột biến 18,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Sự gia tăng doanh thu này đến từ các nền tảng phát trực tuyến trả phí như Spotify, Apple Music, YouTube Music…
Trong năm qua, dù các nền tảng này đều tăng giá đăng ký tại nhiều quốc gia nhưng số người dùng vẫn tăng đáng kể. Có hơn 667 triệu người dùng tài khoản đăng ký trả phí trên toàn cầu, tăng 13% so với 12 tháng trước. Tổng doanh thu phát nhạc trực tuyến chiếm 67% doanh số bán nhạc trên toàn cầu.
Chiếm lĩnh thị phần doanh thu âm nhạc trong năm đa số đến từ các sản phẩm thuộc dòng nhạc pop nhưng đã được khoác áo mới, thời thượng hơn. Đơn cử, trong album "Act II: Cowboy Carter", Beyoncé mạnh dạn kết hợp nhạc đồng quê với hip hop, rock…
Những nghệ sĩ gen Z cũng mang âm nhạc từ những năm 2000 quay trở lại với những rung cảm mới lạ. Có thể kể đến Sabrina Carpenter với "Short N' Sweet" hay Chappell Roan với "Good luck, babe!".
Bên cạnh đó, các rapper cũng không bị bỏ lại trong cuộc chạy đua khốc liệt của ngành công nghiệp tỷ USD. Dòng nhạc hip hop đang dần có sự thay đổi rõ rệt, khi tính nhân văn ngày càng được đề cao. Những bài rap có nội dung "sáo rỗng" khi chỉ tập trung khoe khoang về tiền bạc, những thú vui vô bổ hay có phần hạ thấp giá trị của phụ nữ đang dần không còn được ưa chuộng.
Dẫn đầu làn sóng này không thể không nhắc đến "vua bờ Tây" Kendrick Lamar. Nam rapper đầu tiên trong lịch sử đạt giải Pulitzer hiện vẫn đang làm việc không ngừng nghỉ với những sản phẩm chất lượng, truyền bá những tư tưởng tích cực và đấu tranh cho một xã hội công bằng cho những người thất thế, người da màu.
Nhìn vào dòng chảy âm nhạc trong năm qua, trang The Music Essentials nhận định: "Âm nhạc vào năm 2025 sẽ là sự kết hợp tuyệt đẹp giữa hồi tưởng, sự đổi mới và mối liên hệ cá nhân sâu sắc. Thế hệ gen Z đang thúc đẩy sự hồi sinh của dòng nhạc pop đầu những năm 2000, đến năm 2025, dòng nhạc này sẽ đạt đến đỉnh cao. Đây cũng là năm chứng kiến sự bùng nổ của AI".
Trang StubHub dự đoán Coldplay, Oasis, The Eagles, Metallica và My Chemical Romance là những nhóm nhạc có thể bán vé số 1 và đủ sức thúc đẩy nền kinh tế như cách Swift đã làm. Ngoài ra, Sabrina Carpenter được dự đoán là cá nhân bán vé chạy nhất trong năm 2025. Tour diễn khởi động từ tháng 9/2024 và dự kiến khép lại tháng 4/2025, đi qua hơn 21 quốc gia như: Anh, Italy, Pháp...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận