NSƯT Mỹ Uyên
NSƯT Mỹ Uyên là Giám đốc của Sân khấu kịch 5B - một sân khấu xã hội hóa tại TP HCM. Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19, chị chia sẻ về những khó khăn mà nghệ sĩ sân khấu đang phải đối mặt.
10 nghệ sĩ thì đến 8 người trong túi không có tiền
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào tới sân khấu kịch của chị?
Năm 2020, dịch Covid-19 “lúc chìm lúc nổi”, ảnh hưởng nhất định tới đời sống người dân và doanh thu các sân khấu. Chúng tôi lo, Covid-19 có tạm lắng, khán giả cũng giảm nhu cầu giải trí vì họ phải lo kinh tế, miếng cơm manh áo.
Nhưng ở TP HCM, kịch là “món ăn tinh thần” nên may mắn bà con vẫn mua vé xem kịch. Tôi cũng ra mắt được 6 vở diễn nhưng cứ diễn được một thời gian ngắn lại phải án binh bất động.
Năm nay, chúng tôi chưa diễn được suất nào, sân khấu hoàn toàn tê liệt. Những người đầu tàu như tôi rơi vào tình trạng ôm tiền làm vở mà chưa diễn được, chưa lấy lại vốn.
Từ đầu năm 2021, chúng tôi làm 3 vở, mỗi vở trung bình làm tiết kiệm cũng gần 200 triệu đồng nhưng đến giờ vẫn chưa thu được gì. Thật sự khủng hoảng!
Tôi đã nghe có một số rạp phim bắt tay kiến nghị xin Thủ tướng hỗ trợ việc thuê mặt bằng. Tôi nghĩ, ai cũng khó khăn chứ không riêng sân khấu nhưng giờ có than cũng phải xếp hàng dài.
Tôi biết Nhà nước cũng không dư tiền để lo hết vì Chính phủ đang căng mình chống dịch nên tôi muốn khóc cũng không biết làm sao vì lương tâm không cho khóc. Bây giờ là bế tắc chung rồi.
Các nghệ sĩ đồng hành với chị ra sao trong tình hình khó khăn?
Nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa không ăn lương nên thu nhập chỉ trông chờ vào việc diễn vở và dựng vở. Thông thường họ chạy show, nếu chịu khó “cày” cũng có thu nhập tốt để trang trải cuộc sống nhưng rơi vào mùa dịch là khủng hoảng.
Còn bình thường nếu diễn túc tắc được ở sân khấu khi dịch vãn, tôi cũng không để nghệ sĩ thiệt. Tôi không bao giờ than vãn mình bán được ít vé thì trả họ tiền công thấp hơn.
Còn các sân khấu khác, chị thấy tình hình thế nào?
Không riêng tôi mà các bà bầu, ông bầu hiện nay có muốn khác cũng không khác được vì mọi hoạt động “đóng băng” hết rồi.
Thực ra, giữa các sân khấu kịch xã hội hóa vẫn có sự đố kỵ, ganh đua với nhau nhưng đó không phải sự thách thức căng thẳng mà là cạnh tranh lành mạnh để các nơi đều sáng đèn.
Mỗi nơi có lượng diễn viên riêng, có những màu sắc và chủ đề khác nhau. Anh em các sân khấu vẫn đồng lòng, động viên nhau gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nhiều nghệ sĩ ở các sân khấu phải làm nghề khác để mưu sinh. Ở Sân khấu kịch 5B, đời sống của nghệ sĩ có khá hơn?
Tôi nói thật, 10 nghệ sĩ thì đến 8 người trong túi không có tiền nhưng họ không nói ra vì sĩ diện. Họ ở nhà thuê, ở trọ và vẫn phải trang trải sinh hoạt hàng tháng. Sân khấu của tôi có nhiều em là người tỉnh lẻ, từ diễn viên tới nhân viên hậu đài, ánh sáng, soát vé…
Thực ra, mọi ngành nghề đều khó khăn nhưng nghệ sĩ không có lương cơ bản, chỉ có show họ mới có tiền sinh sống. Tôi không biết showbiz ảo hay thật nhưng họ có thể nhận quảng cáo, đóng phim điện ảnh rồi làm gương mặt đại diện cho nhãn hàng nọ, thương hiệu kia…
Còn diễn viên sân khấu không mấy khi quá hot để dễ kiếm tiền như thế. Họ sống vì nghề. Vào mùa dịch, một số người làm thêm nghề tay trái để kiếm thêm như Tuyền Mập, Kim Đào bán đồ ăn online, có diễn viên trẻ thì đi làm shipper…
Không chỉ họ mà bản thân tôi cũng không có tiền nên lực bất tòng tâm. Nếu có tiền, tôi muốn gửi cho họ tiền gạo nước, mắm muối hỗ trợ.
Lần trước, tôi ỉ ôi và được một số doanh nghiệp là bạn tặng vài chục phần quà như gạo, nước mắm, gia vị… nhưng đó chỉ là tinh thần chứ không nuôi được trong vài tháng mùa dịch. Giờ nếu tôi có, cũng chỉ hỗ trợ họ về tinh thần được thôi.
Năm ngoái, nghệ sĩ Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM gửi một công văn tới các sân khấu xã hội hóa viết rằng, trong mùa dịch, có ai khó khăn thì gửi đơn để Sở xem xét hỗ trợ.
Tôi đã gửi văn bản mong muốn hỗ trợ cho 18 nhân viên, mỗi người chưa tới 1 triệu đồng để các em có tiền sinh hoạt, nhưng từ đó tới giờ vẫn thấy im re.
Tôi sống vì nghề nên không giàu
NSƯT Mỹ Uyên là Giám đốc của Sân khấu kịch 5B - một sân khấu xã hội hóa tại TP HCM
Chị cũng khó khăn tới vậy sao?
Với tôi bây giờ, mở mắt ra là phải nghĩ chi trả bao nhiêu. Khi cải tạo Sân khấu kịch 5B vào tháng 4/2018, tôi phải cầm cố nhà cửa lấy tiền cải tạo và giờ chưa trả hết nợ ngân hàng.
Tôi luôn đau đáu muốn sân khấu sáng đèn trở lại để diễn viên có chỗ làm nghề, chứ thực ra không có lời ở sân khấu kịch. Nhưng với tôi, được làm nhịp cầu cho mọi người, nuôi dưỡng được nghề và giữ được sân khấu chính thống là tôi hạnh phúc.
Tôi đứng mũi chịu sào và gồng gánh các khoản tiền. Thực sự mấy năm nay, không có đồng tiền lời nào mà giờ rơi vào đại dịch lại càng khổ tâm hơn.
Hiện tại, tôi vẫn nợ ngân hàng và phải trả lãi hàng tháng. Tôi cũng không có nghề tay trái. Trước đây, tôi có vài vai diễn khách mời trong phim truyền hình, điện ảnh nhưng không được bao nhiêu tiền.
Cát-sê mang về chỉ bù cho sân khấu hàng đêm. Hồi tháng 3, có vài đoàn phim mời, tôi cũng định khăn gói đi quay thì lịch cứ dời và giờ lại đến dịch, chưa quay được phim.
Nghệ sĩ Thành Lộc từng tiết lộ, anh không dám ra đường vì không có tiền khi sân khấu “đóng băng”. Còn chị, cuộc sống của chị như thế nào?
Nói ra thật xấu hổ. Tôi sống vì nghề nên không giàu, không có của ăn của để. Có một căn nhà trong thành phố này là may lắm rồi. Ô tô của tôi đi đã 12 năm chưa thay. Ai cũng ngưỡng mộ tôi nhưng tôi bình thường lắm, không bon chen, se sua với ai cả.
Với tôi, lửa nghề vẫn cháy, mỗi vở diễn ra lại có thêm một lứa diễn viên trưởng thành hơn, kế thừa được là tôi hạnh phúc. Nhưng chỉ hạnh phúc cũng không có cái để ăn, thế là tôi lại đi mượn bạn bè để có tiền dựng vở.
Con gái nuôi của tôi năm nay đã học năm thứ 2 đại học. Cháu học trường tư nên đóng học phí cũng “muốn xỉu” (Cười). Tôi vừa phải mượn tiền mấy bà chị để đóng tiền học cho con.
Khó tin một nghệ sĩ nổi tiếng như chị lại gặp những khó khăn ấy. Chắc chị cũng thấy nghề diễn thật bạc?
Tôi không thấy vậy. Nếu sống an phận, gói ghém, không bon chen, không “ảo” thì nghệ sĩ vẫn sống với nghề được.
Các thế hệ tương lai kế thừa khi ra trường chưa có việc làm thì hay rơi vào trạng thái tiêu cực và nói thế, chứ những người tích cực cũng chạy xe ôm công nghệ, làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập. Từ “bạc” là những ý nghĩa thâm sâu khác chứ nghề không phụ người.
Người ta nghĩ nghệ sĩ là hào nhoáng, là ngôi sao đứng đó để người khác ngắm nhìn nhưng với tôi, nghệ sĩ thực sự là người phải có chuyên môn, làm nghề, phải lao động kiếm sống, phải có những vai diễn để đời để người khác ghi nhận.
Dịch bệnh khiến chị thay đổi tư duy sống như thế nào?
Trước đây bận rộn, tôi hay ra hàng quán để ăn hoặc gọi đồ ăn mang về. Một ngày, hai mẹ con tôi có thể gọi hết 200 nghìn tiền đồ ăn. Nhưng giờ, chúng tôi ở nhà nấu ăn rẻ hơn nhiều. Kinh tế eo hẹp nên làm gì cũng phải tính toán.
Hiện tại, tôi đang ở nhà thuê, còn căn nhà của tôi được tôi cho thuê lại, lấy tiền dư hàng tháng để xoay xở đóng tiền học cho con. Dù khó khăn nhưng tôi vẫn phải lạc quan đón nhận. Châm ngôn sống của tôi là truyền năng lượng tích cực cho mọi người. Tôi cứ cố gắng cân nhắc trong thu chi và giữ an toàn sức khỏe trong thời điểm này là tốt lắm rồi.
Cảm ơn chị!
NSƯT Mỹ Uyên sinh năm 1975, là diễn viên nổi tiếng qua nhiều bộ phim truyền hình như “Nợ đời”, “Người đàn bà yếu đuối”, “Ai xuôi vạn lý”, “Mùi ngò gai”, “Cả một đời ân oán”… Ngoài diễn viên, chị còn là nghệ sĩ sân khấu và hiện là Giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B (5B Võ Văn Tần, TP HCM). Chị được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2012.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận