Nghệ sĩ Trần Hạnh |
Gặp nghệ sĩ Trần Hạnh 14h chiều tại nhà trên con phố Trần Quý Cáp, ông đang chuẩn bị nấu bữa tối để ra trông hàng cho con dâu. Ở tuổi 89, trong manh áo cũ, trông ông không khác mấy những vai diễn nông dân hiền lành, chất phác. Ông bảo, khi đọc được thông tin mình được đặc cách xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) ông quá bất ngờ.
55 tuổi mới được phong nghệ sĩ ưu tú
Sau gần 50 năm cống hiến cho nghệ thuật, nghệ sĩ Trần Hạnh đã 2 lần đoạt Huy chương Vàng với vai Nguyễn Trãi, trong vở kịch Lam Sơn tụ nghĩa (1962), vai Vũ Khiêm trong Tiền tuyến gọi (1970), giải Nam diễn viên xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 11 với phim Nước mắt đàn bà và nhiều giải thưởng khác.
Nghệ sĩ Trần Hạnh kể, ông được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) năm 1984, lúc đó đã 55 tuổi và Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người kí. “Thời đó là Nhà nước phong, chứ không phải làm hồ sơ xin như bây giờ. Tôi còn nhớ như in lúc đó đang ngồi ở nhà, Chí Trung cầm tờ báo đến khoe: Bố Hạnh ơi, bố và bố con đều được NSƯT đây này. Sau đó, nó chỉ tên, ảnh tôi và bố nó. Lúc đó tôi vui lắm!”.
Dù là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, nhưng hơn 30 năm trôi qua, Trần Hạnh vẫn chưa được xét tặng danh hiệu NSND. Hỏi ông có buồn không, nghệ sĩ mỉm cười: “Nhìn mọi chuyện một cách đơn giản thì cuộc sống sẽ thoải mái. Đừng quan niệm nghệ sĩ phải lấy danh hiệu là mốc, là cái đích để hướng tới, hãy làm việc vì nghệ thuật”.
Ba lần trượt nghệ sĩ nhân dân
Trước khi được đề xuất đặc cách NSND, NSƯT Trần Hạnh đã 3 lần xét trượt danh hiệu này. Ông nhớ lần đầu tiên xét tặng danh hiệu, ông phải nhường cho một người nhiều tuổi hơn mình. Đến lần thứ 2, một người bạn bên Cục Sân khấu can, đừng làm hồ sơ làm gì, không ai bầu đâu. Người ấy bảo với ông: Lúc bầu bằng hình thức giơ tay, thấy ai cũng giơ hết, song đến lúc bỏ phiếu kín thì chỉ có mình tự bỏ phiếu cho mình. Bây giờ người ta quên hết rồi, có kể đóng Nguyễn Trãi trong kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa thì có ai biết nữa?”. Nghe lời kể của bạn, ông không làm hồ sơ xin xét tặng. Lần thứ 3, do nhiều thứ lộn xộn, chán quá, nghệ sĩ Trần Hạnh không làm đơn xét duyệt. “Họ trả lời, ông được 2 Huy chương Vàng là khi ông được NSƯT, sau khi phong, ông không được gì cả. Họ soi mói thế tôi chịu. Tôi về hưu từ năm 1989, làm sao còn đạt giải nữa mà được. Kể ra người ta cười bảo chuyện cổ tích”, nghệ sĩ trải lòng.
NSƯT Trần Hạnh cho hay, đợt Tết vừa qua ông phải nằm viện 10 ngày vì “can tội hút thuốc lá nhiều”. Hiện tại, sức khỏe của ông mới chỉ dừng ở mức ổn định nhưng khi được hỏi nếu được đạo diễn mời đi đóng phim, ông hào hứng trả lời: “Đi chứ. Đó là công việc của tôi mà”. Ngoài đóng phim, hàng ngày ông vẫn trông cửa hàng nhỏ cho con dâu gần ga xe lửa. |
Ba lần bị trượt, nhưng nghệ sĩ Trần Hạnh bảo, ông không bao giờ buồn nhưng cũng không bằng lòng với chuyện đó.
Đợt xét tặng NSND lần này, chính Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội là NSND Trung Hiếu hướng dẫn gia đình làm hồ sơ xét tặng. “Hiếu bảo tôi từ năm ngoái. Rồi nó lấy hồ sơ đưa cho tôi, chỉ dẫn từng tí. Đến lần thứ 4 này, con dâu tôi viết hồ sơ, chứ tôi giờ mắt mờ, tay run, viết được nhưng chữ xấu lắm”, lão nông của màn ảnh Việt kể.
Với Trần Hạnh, danh hiệu có hay không cũng chỉ là một phần nhỏ. Ông cho rằng, nghệ sĩ có tự trọng riêng. Nếu ai đủ tiêu chuẩn thì các nhà hát, đơn vị sân khấu nên đề xuất lên. “Nếu được xét tặng, đó là điều rất vui với một nghệ sĩ. Tuy nhiên, tôi phải đợi chờ kết quả cuối cùng từ Hội đồng Nhà nước trao tặng. Nếu chẳng may không được danh hiệu thật mà cứ phát biểu, người ta lại cho mình hám danh. Nhưng về quan điểm danh có quan trọng hay không với người nghệ sĩ, thì thực sự tôi thấy nó không quan trọng. Một người nghệ sĩ thật sự chỉ quan tâm đến việc làm nghệ thuật còn họ không đi theo con đường NSƯT hay NSND. Điều này cũng giống như một người làm việc tốt người ta nhìn vào sản phẩm, hiệu quả công việc chứ không nhìn vào chức danh”, nghệ sĩ Trần Hạnh chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận