Showbiz

Nghệ sĩ vi phạm đạo đức: Cần đưa vào Nghị định, cấm sóng

26/09/2022, 18:36
image

Nghệ sĩ vi phạm Luật hôn nhân gia đình, thuần phong mỹ tục, gây phản ứng từ công chúng, cần đưa về tiêu chí trong Nghị định biểu diễn.

Khi nghệ sĩ "thản nhiên" với scandal

6 tháng sau ồn ào lộ ảnh thân mật với một doanh nhân đã có gia đình, Hiền Hồ chính thức tái xuất khi liên tục biểu diễn tại các chương trình âm nhạc.

img

Hiền Hồ gây tranh cãi khi đi hát trở lại sau ồn ào tình cảm với người đàn ông có gia đình

Trên kênh YouTube của mình, Hiền Hồ cũng vừa chính thức cho ra mắt sản phẩm âm nhạc mang tên “Tình Yêu Là”. Đây là bản live performance cho sáng tác của nhạc sĩ Andiez và được thể hiện trong đêm nhạc comeback của cô cách đây không lâu.

Thời điểm xảy ra scandal, Hiền Hồ đã lên tiếng xin lỗi và cho biết thất vọng với chính bản thân mình. Nhưng câu chuyện yêu đương trái của Hiền Hồ vẫn bị coi là trái với chuẩn mực đạo đức do đó việc nữ ca sĩ quay trở lại showbiz nhận về nhiều chỉ trích.

Trong khi đó, diễn viên Phương Oanh - doanh nhân Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) công khai mối quan hệ và thường xuyên xuất hiện chung trong các sự kiện và thoải mái thể hiện tình cảm trên mạng xã hội.

Đáng nói, dư luận thêm bất ngờ khi Shark Bình và vợ là bà Đào Lan Hương vẫn là vợ chồng hợp pháp.

img

Phương Oanh khoe ảnh đón sinh nhật cùng Shark Bình

Trong diễn biến mới nhất, ngày 26/9, đại diện của bà Đào Lan Hương - vợ doanh nhân Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) xác nhận với Zing rằng: "Việc Phương Oanh khẳng định ông Bình độc thân khi 2 người đến với nhau là thông tin sai sự thật. Chúng tôi đã lập vi bằng các bài viết nhằm củng cố chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và đề nghị xử phạt nữ diễn viên này", người đại diện của bà Hương cho biết.

Hiện, Phương Oanh đã ẩn một số bài viết, hình ảnh liên quan tới shark Bình trên trang Facebook cá nhân.

Song, người đại diện của bà Hương cho biết các bài viết, hình ảnh này đã được chụp lại và lưu trữ trên các phương tiện truyền thông chính thống khác. Do đó, phía nữ doanh nhân vẫn sẽ lập vi bằng đối với các bài viết này.

Luật Hôn nhân và gia đình quy định gì?

Liên quan về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, khi chưa chính thức ly hôn, những hành vi nói trên không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và có thể sẽ vấp phải phản ứng của dư luận, đặc biệt là những người nổi tiếng.

img

Luật sư Đặng Văn Cường

Ở góc độ pháp lý, luật sư Cường cho rằng, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn và sẽ kết thúc khi một trong hai bên chết hoặc có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật tuyên bố cho hai người được ly hôn.

Trong thời gian là vợ chồng trên phương diện pháp lý, hành vi của các bên được đánh giá trên cơ sở quy định của luật hôn nhân và gia đình. Theo đó, luật Hôn nhân và gia đình quy định "Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình."

Như vậy, chung thủy là nghĩa vụ, là trách nhiệm, là tình nghĩa vợ chồng. Trường hợp cuộc hôn nhân chưa kết thúc mà một trong hai bên có người thứ ba, công khai tình cảm với người thứ ba là hành vi không chỉ vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, mặc dù tình cảm vợ chồng có thể đã lâm vào tình trạng trầm trọng.

Tuy nhiên, chế tài xử lý với những người vi phạm hôn nhân và gia đình chỉ áp dụng khi có hành vi chung sống như vợ chồng, còn các hành vi vi phạm khác trong quan hệ hôn nhân sẽ được điều chỉnh bởi các quy phạm xã hội, bởi dư luận, đạo đức xã hội nên pháp luật không quy định chế tài.

Nếu người đang có vợ có chồng mà chung sống công khai "như vợ chồng" với người khác, cùng ăn, ở, sinh hoạt, chung nhau về kinh tế, có con chung hoặc tổ chức đám cưới... mới bị xử phạt hành chính, nếu còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn chuyện tình cảm lén lút hoặc công khai nhưng chưa được xác định là chung sống như vợ chồng cũng không có chế tài của pháp luật để xử lý.

"Với những người nổi tiếng, được cho là những người của công chúng cần phải có những chuẩn mực đạo đức, lối sống, văn hóa, ứng xử phải phù hợp với chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội để không gây ra những hiệu ứng tiêu cực cho xã hội, trở thành những gương xấu cho người khác", luật sư Cường nhấn mạnh thêm.

Cần có quy định rõ ràng

Bàn về vấn đề này, NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam hai khóa 7, 8 thừa nhận, hiện nay, ngày càng có không ít nghệ sĩ vi phạm đạo đức, lối sống lệch chuẩn.

img

NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Theo NSND Lê Tiến Thọ, nghệ sĩ đều là những người nổi tiếng, những người của công chúng, mỗi lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử của họ có thể tác động tích cực hay tiêu cực đối với xã hội.

Khi đạo đức, lối sống của nghệ sĩ ngày càng gây tranh cãi, trở thành vấn đề "nhức nhối" trong xã hội, đã đến lúc cơ quan chức năng, các nhà quản lý cần tính toán đến các phương án để siết chặt hơn nữa chuẩn mực đạo đức văn hóa đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng bằng các quy tắc, quy chế, quy chuẩn.

"Nghệ sĩ - những người làm văn hóa càng không thể bất chấp xã hội, muốn làm gì thì làm, kể cả phi đạo đức và trái luật pháp. Văn hóa không phải chỉ là "cờ đèn, kèn trống", cũng không phải là chuyện nhỏ mà ảnh hưởng trực tiếp đến tư cách, văn hóa ứng xử và lối sống của một cộng đồng. Đặc biệt là đến nhận thức của thế hệ trẻ", NSND Lê Tiến Thọ bày tỏ.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ VH,TT&DL mới chỉ ban hành Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Song, tại họp báo thường kỳ quý 3, năm 2021, ông Trần Hướng Dương - phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, bộ quy tắc chỉ đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí xem xét, cân nhắc sử dụng hình ảnh của người hoạt động nghệ thuật không thực hiện nội dung quy tắc ứng xử này chứ không hề có quy định "cấm sóng". Quyền quyết định hoàn toàn thuộc về các cơ quan thông tấn báo chí.

Thêm nữa, bộ quy tắc không phải văn bản quy phạm pháp luật, chỉ là văn bản hướng dẫn hành vi đối với những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, bao gồm cả sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm.

Với những quy định như hiện tại, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, đó là lý do vì sao nhiều nghệ sĩ vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục nhưng vẫn "thản nhiên" trở lại hoạt động nghệ thuật. Thậm chí, có nghệ sĩ công khai ủng hộ hành động sai trái đó, nhưng cơ quan quản lý không thể vào cuộc.

"Thời gian qua, chúng ta nhắc nhiều đến việc nghệ sĩ Hàn Quốc, Trung Quốc vướng bê bối bị "phong sát". Cụ thể là bị cơ quan quản lý cấm sóng và hạn chế hoạt động xã hội.

Nhưng để làm được điều đó, ngoài nhận thức của khán giả, chúng ra rất cần một quy định, tiêu chí rõ ràng. Những quy định đó không chỉ nằm ở Luật Hình sự, Luật Dân sự mà phải thành tiêu chí rõ ràng trong Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Tôi được biết, sắp tới Quốc hội giao cho các cơ quan chức năng xây dựng Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Dựa trên quy tắc ứng xử, chúng ta cần làm rõ, điều chỉnh, phân cấp rõ ràng những quy định về hoạt động của nghệ sĩ.

Trong đó, bao gồm điều kiện biểu diễn trên sóng và biểu diễn trước công chúng, để tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này", NSND Lê Tiến Thọ nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.