Giao thông

Nghề tài xế công nghệ chữa lành “vết sẹo” lớn của hai mẹ đơn thân

30/12/2019, 14:37

Nhiều tài xế công nghệ được bù đắp những thiếu thốn về tình cảm từ những lần gặp gỡ đồng nghiệp và khách hàng sau mỗi cuốc xe.

img
Một thân một mình lo cho mẹ già và 3 người con, chị Lâm không ít lần ứa nước mắt vì bế tắc

Thu nhập ổn định, giờ giấc tự do… là lý do mà nghề tài xế công nghệ được nhiều người lựa chọn. Nhưng hơn cả mưu sinh, nhiều bác tài còn được bù đắp những thiếu thốn về tình cảm từ những lần gặp gỡ đồng nghiệp và khách hàng sau mỗi cuốc xe.

Nỗi đau của những gia đình không trọn vẹn

6 năm trước, cuộc hôn nhân không hạnh phúc khiến chị Nguyễn Thị Kim Lâm (tài xế GrabBike) trở thành mẹ đơn thân khi chưa đầy 30 tuổi. Nhắc đến quá khứ của mình, chị Lâm ứa nước mắt kể: “Thời điểm đó, cứ cái gì kiếm ra tiền là mình lao vào làm, từ phục vụ quán cà phê, bán nước dạo đến cắm hoa,… nhưng chị liên tục nhảy việc vì cuộc sống bấp bênh quá”. Câu hỏi “Làm sao nuôi nổi các con?” cứ ám ảnh chị suốt những tháng ngày chênh vênh, “kêu trời không thấu” ấy.

Chẳng có nhiều thời gian bù đắp cho con khiến chị càng lo nghĩ nhiều hơn. “Nhớ lúc trước làm hoa từ 5 giờ rưỡi sáng đến 6 giờ tối được 200 ngàn đồng. Công việc vất vả đã đành, mỗi khi con ốm đau xin nghỉ rất khó, rồi cứ phải lủi thủi làm một mình, ít được chia sẻ với ai lại càng thêm buồn. Nhiều lúc tay làm mà nước mắt chảy ra hồi nào không hay vì thấy cái số mình sao khổ quá”, chị Lâm nghẹn giọng.

img
Các con chính là gia tài quý báu của chị Trang sau hai lần hôn nhân đổ vỡ

Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Trần Thuỳ Trang (tài xế GrabCar) cũng là mẹ đơn thân của ba đứa con nhỏ. Tự nhận mình là người lạc quan, song nỗi đau của hai lần hôn nhân tan vỡ cũng khiến cảm xúc của chị chai sạn đi ít nhiều. “Lấy chồng sinh được một đứa con thì vợ chồng lục đục đến mức không cứu vãn được hôn nhân. Sau này mình tìm được hạnh phúc mới, sinh thêm 2 đứa nữa nhưng rồi cũng… đường ai nấy đi”, chị Trang ngậm ngùi nhớ lại khoảng thời gian đen tối nhất cuộc đời.

Vết thương chồng chất vết thương. Những kí ức buồn về một gia đình không trọn vẹn, nhiều nỗi niềm không biết tỏ bày cùng ai cứ ám ảnh trong tâm trí chị Lâm và chị Trang tưởng chừng không thể nguôi ngoai.

Có một gia đình thứ hai từ khi chạy Grab

Những ngày bôn ba vất vả nhưng không đủ tiền “gồng gánh” gia đình, chị Lâm bắt đầu chạy thêm Grab vào buổi tối khi tình cờ được người quen giới thiệu. Sau thời gian chạy thử, chị thấy công việc mới đem lại thu nhập ổn, thời gian linh động. Hơn nữa, những lần tâm sự với đồng nghiệp và khách hàng sau mỗi cuốc xe khiến tâm trạng nhẹ nhõm hơn nên chị chuyển dần sang làm tài xế công nghệ.

img
Nụ cười rạng rỡ xuất hiện thường xuyên hơn trên gương mặt chị Lâm từ khi
gắn bó với nghề lái xe công nghệ

Tuy hoàn cảnh không quá khó khăn như chị Lâm nhưng công việc văn phòng quanh quẩn cùng bốn bức tường khiến cuộc sống của chị Trang càng thêm ngột ngạt sau hàng loạt biến cố. “Lúc đó chỉ cần tìm được công việc có thể chủ động thời gian, xoay sở đủ chi tiêu gia đình là mừng rồi chứ chả dám mưu cầu gì khác. Vậy mà cái nghề chạy Grab này nhiều lần làm tui xúc động lắm. Có lần bị bể bánh xe ở quốc lộ 13 mà không biết thay, nhờ người xung quanh không ai giúp, đành đăng lên đội nhóm cầu cứu đồng nghiệp. Lát sau có anh kia chạy từ khá xa tới thay bánh cho tui giữa trời nắng. Giúp xong ảnh chỉ cười, nhận lời cảm ơn rồi đi tiếp”, chị Trang nhớ lại.

Không ít điều tử tế khiến các chị rưng rưng khi nhắc về những chuyến xe Grab. Chị Lâm nhớ lại câu chuyện vào mùa hè vừa rồi: “Cứ vào mấy ngày hè, tài xế tụi mình chạy xe cực gấp mấy lần. Bữa đó bạn sinh viên mình đang chở nói muốn mua nước. Mình cũng vui vẻ chấp nhận dừng xe chờ. Không ngờ bạn ấy mua hai ly cho bạn và cả mình nữa. Mình vội gửi tiền lại thì cậu ấy cười nói không đáng nhiêu và dúi ngược vào tay mình”.

Vừa đi làm lại vừa chăm con, cuộc sống vất vả hơn khi thiếu vắng người đàn ông bên cạnh. Nhưng bù lại, sự ủng hộ từ con cái chính là động lực to lớn của các nữ tài xế. “Thương lắm đứa con gái đầu, mới học lớp 7 đã biết phụ chăm em để mẹ an tâm làm việc. Có lần tự nhiên nó thỏ thẻ tâm sự là thích mẹ làm nghề này hơn vì có nhiều thời gian đưa con đi chơi, đi hoạt động ngoại khoá. Nếu bị gò bó về thời gian như môi trường văn phòng trước đây thì dù muốn cũng khó dẫn con đi chỗ này chỗ kia được”, chị Trang tâm sự.

Đối với nhiều tài xế như chị Lâm, chị Trang, Grab không đơn giản chỉ mang lại cơ hội nghề nghiệp ổn định, mà còn giúp các chị được sống trong sự san sẻ yêu thương bởi những con người ngỡ như “người dưng nước lã”. Đúng như sứ mệnh “Grab Vì Cộng Đồng” mà Grab đang theo đuổi, không chỉ mang lại cho chị Lâm và chị Trang, mà còn những tài xế kém may mắn khác có cái nhìn lạc quan để cải thiện cuộc sống, vững tâm chăm sóc gia đình sau những chuyến xe ngược xuôi trên đường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.