Vận tải

Nghe thầy giáo của các cơ trưởng kể chuyện dạy bay

20/11/2018, 10:03

Cơ trưởng - Giáo viên kiểm tra bay Vũ Hồng Nhật có cả chục năm kinh nghiệm làm thầy của các phi công.

Hong Nhat 4

Cơ trưởng Vũ Hồng Nhật (bên trái) đã có cả chục năm kinh nghiệm làm thầy của các phi công, cơ trưởng khác

Không phải cứ phi công là bay giỏi, nhiều giờ bay là thành giáo viên

Anh đã có nhiều năm kinh nghiệm là cơ trưởng, giáo viên kiểm tra bay. Công việc này có ý nghĩa như thế nào đối với anh?

Tôi về Đoàn bay 919 từ năm 2006. Ngay từ khi còn là học viên phi công, bản thân tôi đã được học rất kỹ càng, bài bản về tính chất đặc thù của phương tiện máy bay và vai trò, vị trí quan trọng của người phi công đối với an toàn trong quá trình khai thác tàu bay. Vì vậy, tôi đã nhận biết sâu sắc được nhiệm vụ, vai trò của giáo viên huấn luyện bay, những người đặt nền móng đào tạo nên những cơ trưởng, cơ phó giữ vị trí quyết định để điều khiển máy bay là vô cùng quan trọng. Trở thành giáo viên huấn luyện bay, được sống với nghề, được làm công việc mà mình đam mê. Sự tận tâm, tận lực của mình được công nhận. Đó là ý nghĩa lớn lao nhất đối với tôi.

Hong Nhat 1

Cơ trưởng - giáo viên bay Vũ Hồng Nhật khẳng định không phải cứ là phi công bay giỏi, có nhiều giờ bay tích lũy là đều có thể trở thành giáo viên

Theo tôi, không phải cứ là phi công bay giỏi, có nhiều giờ bay tích lũy là đều có thể trở thành giáo viên. Để trở thành giáo viên bay, người phi công được tuyển chọn và đào tạo theo một quy trình rất nghiêm ngặt. Như tại Vietnam Airlines, chúng tôi chú trọng trong công tác đào tạo những giáo viên bay có chất lượng cao để huấn luyện, truyền dạy kiến thức và kỹ năng cho học viên phi công mới đạt chất lượng và hiệu quả.

Các phi công - giáo viên tham gia hướng dẫn, giảng dạy các loại hình huấn luyện của Đoàn bay 919 đều là những phi công hàng đầu trong lĩnh vực bay và được trang bị nghiệp vụ sư phạm theo đúng quy định. Đội ngũ giáo viên huấn luyện bay không chỉ giảng dạy kiến thức, kỹ năng, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu đã được đúc rút mà còn là tấm gương về đạo đức nghề nghiệp đối với học viên, phi công trẻ mới nhập nghề.

Anh có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ gắn với công việc giáo viên bay của mình? 

Giảng dạy, huấn luyện bay không giống như các hình thức giáo dục đơn thuần khác, đó là giáo viên dạy học trò một chương trình và hầu như thầy trò đó không bao giờ quay lại gặp nhau trong giáo dục nữa. Nhưng đối với ngành bay, có thể ở thời điểm này bạn là giáo viên của học viên của mình, nhưng qua quá trình công tác, các học viên của bạn đã phát triển về trình độ, có thăng tiến trong nghề nghiệp, cộng với nhu cầu phát triển đội bay, luôn thay đổi, vì vậy không hiếm trường hợp người giáo viên hướng dẫn năm nào lại trở thành học viên của chính học trò của mình năm xưa. Rất có thể, giáo viên hướng dẫn là những người tuổi đời, tuổi nghề và giờ bay tích lũy ít hơn rất nhiều so với học viên của mình.

Vào đầu những năm 2010, trở thành giáo viên bay khi mới chỉ ngoài 30 tuổi như tôi là tương đối trẻ. Chính vì còn trẻ như vậy nên gặp không ít áp lực. Tôi nhớ lần thực hiện bài huấn luyện SIM để phê chuẩn cho hai phi công B-777 huấn luyện cơ trưởng A321. Khi ấy, tôi cũng không ít lo lắng, áp lực, phần vì mình còn trẻ, mà các anh ấy lại là những phi công lão luyện, có nhiều kinh nghiệm và chắc các anh ấy có số giờ bay tích lũy cả chục ngàn giờ, từ khi tôi còn là học sinh PTTH… Có lo lắng, nhưng tôi tự giải toả áp lực bằng cách tập trung cao độ vào chuyên môn, thực hiện công việc đúng bài bản, sử dụng đúng phương pháp, ứng dụng trình độ và kinh nghiệp trên loại máy bay một cách hoàn hảo nhất để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp nhất.

Kỷ niệm ấy, đối với tôi như một lần để trau dồi bản lĩnh nghề. Tự tôi đã chứng minh với chính bản thân mình là hãy gạt tâm lý “thầy già, con hát trẻ” sang một bên, hãy không ngừng học tập, vững vàng kiến thức, trau dồi kỹ năng, làm chủ công việc thì đứng trước ai, tôi cũng tự tin mình chỉ là trẻ tuổi đời, còn với công việc mình hoàn toàn chững chạc, đáng tin cậy khi ở vị trí người phê chuẩn.

Nghề bay cần người bản lĩnh, kỷ luật

Điều anh tâm đắc trong quá trình công tác ở vị trí giáo viên bay và muốn chia sẻ, nhắn nhủ với các phi công, học viên của mình?

Trong quá trình làm việc, tôi vẫn chia sẻ với các bạn trẻ là khi bạn chưa có kiến thức hàng không, chưa có kỹ năng, kinh nghiệm bay thì giáo viên bằng năng lực của mình có thể giúp bạn được trang bị và hoàn thiện dần.

Nhưng nếu bạn chưa sẵn sàng, không đủ ý thức và bản lĩnh, rất khó khăn khi lựa chọn với nghề lái máy bay. Tôi luôn nhắc nhở những học viên của mình là xác định trở thành phi công là phải luôn tự giác trau dồi phát triển ý thức của mình với nghề, tôn trọng nghề của mình và nghề phi công không có chỗ cho người người thiếu ý thức kỷ luật, vô tổ chức và hời hợt.

Xác định làm nghề lái máy bay là xác định học tập cả đời, không chỉ trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ mà phải trau dồi cả đạo đức, ý thức và bản lĩnh. Người phi công để phát triển trong nghề, ngoài trình độ và kinh nghiệm, nhất thiết phải có bản lĩnh vững vàng của một người đáng tin cậy để chịu trách nhiệm trước an toàn của sinh mạng hàng trăm hành khách phía sau tay lái.

Tôi, vẫn giữ nguyên cảm giác ngưỡng mộ các thầy hướng dẫn bay của mình từ những ngày đầu tiên đến với nghề, luôn mong muốn truyền đạt cho các em phi công lứa sau tất cả những gì mình tích lũy được từ kiến thức, kinh nghiệm bay, bản lĩnh nghề nghiệp và tình yêu bầu trời.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.