Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE. Ảnh: VNE
Hạn chế của hệ thống vận hành
Thông tin tại tọa đàm “Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và Giải pháp” sáng nay 24/6, ông Lê Hải Trà, TGĐ Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) cho biết, tình trạng nghẽn lệnh thời gian do số lượng lệnh vượt quá con số 900 nghìn lệnh được phép.
14h chiều nay, Ban chỉ đạo xử lý nghẽn lệnh do Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải chủ trì sẽ họp nghe báo cáo tình hình xử lý sự cố nghẽn lệnh sàn HOSE.
“Giống như lượng xe tham gia giao thông vượt quá lưu lượng cho phép sẽ dẫn tới tắc nghẽn. Nhưng lệnh giao dịch chứng khoán không giống xe tham gia giao thông, nó khác nhau ở chỗ tham số ở lệnh giao dịch”, ông Trà nói và giải thích, đặt mua 100 cổ phiếu cũng là một lệnh, 1.000 cổ phiếu cũng là một lệnh, huỷ/sửa cũng là một lệnh và đều được tính vào tham số 900 nghìn lệnh nói trên.
Bên cạnh đó, hệ thống vận hành hiện nay có cơ chế phân bổ số lệnh cho các công ty chứng khoán, nên khi công ty này hết lệnh thì công ty đó sẽ ngay lập tức bị nghẽn lệnh. Do đó, có tình trạng nghẽn lệnh ngay tại một số công ty chứng khoán.
“Theo quy định hiện hành, nếu lỗi của một công ty vượt quá thì Sở ngắt kết nối công ty đó để tránh sập thị trường. Đó là điều nặng nề không ai muốn. Sở muốn nhắc nhở các công ty để tránh lỗi, bị ngắt hệ thống”, ông Lê Hải Trà nói.
“Bất cứ lý do gì Sở cũng phải nhận lỗi”
Nói về việc áp dụng cơ chế cấm sửa, huỷ lệnh, ông Trà cho hay, để giảm tải cho hệ thống trước đó Sở đã đề nghị biện pháp nâng lô giao dịch từ 10 cổ phiếu/lô lên 100 cổ phiếu/lô. Biện pháp này đã giúp giảm 15-18% số lượng lệnh trên thị trường và giúp thêm nhiều lệnh mua/bán được khớp hơn.
“Nhưng do số lượng tài khoản của nhà đầu tư vẫn tăng và số lượng lệnh cũng tăng theo, bước tiếp theo Sở đề cập cơ quan quản lý là nâng tiếp lên 1.000 cổ phiếu/lô, nếu được sẽ giảm thêm 50% số lệnh nữa. Hay đề xuất khác là hạn chế sửa/huỷ lệnh bởi tỷ lệ sửa/huỷ lệnh trong ngày chiếm tới 1/3 số lệnh giao dịch”, TGĐ HOSE nói.
Ông Trà cũng cho biết, sau sự kiện HOSE ngừng giao dịch phiên chiều 1/6, một số công ty áp dụng cấm huỷ/sửa lệnh, số lượng lệnh sửa/huỷ đã giảm từ mức 30% xuống dưới 10% giúp có thêm 200 nghìn lệnh được khớp, có phiên giá trị khớp lệnh đã tăng lên 30 nghìn tỷ đồng.
Nói về trách nhiệm của Sở khi để xảy ra lỗi nghẽn lệnh, trong khi nhà đầu ta vẫn phải trả phí dịch vụ cho Sở, ông Lê Hải Trà cho biết: “Dưới góc độ người vận hành thị trường, vì bất cứ lý do gì Sở cũng phải nhận lỗi trong đó. Đến giờ phút này, với nỗ lực và cái nhìn chung với hệ sinh thái thì ở góc độ của mình tôi thấy không phải trong 6 tháng qua mà 21 năm qua HOSE vẫn luôn cố gắng nỗ lực cao nhất tực hiện tôn chỉ, mục đích vận hành thị trường chuyên nghiệp hơn, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu cao hơn của nền kinh tế nói chung”.
Đề cập tới việc giảm phí, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Uỷ ban đã báo cáo Bộ Tài chính và được Bộ đồng ý ngay lập tức. "Sau ba ngày, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư giảm 20/22 loại phí mà mức giảm khá mạnh như đã thông tin, trong đó phí giao dịch giảm 10% còn 0,077% đến tháng 6/2021", ông Dũng nói.
Sau đó, do dịch tái bùng phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục cho kéo dài thời gian giảm phí đến hết năm nay.
"Trên cơ sở đó, Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán thiệt thòi nhưng các công ty chứng khoán có dư địa giảm phí thêm cho nhà đầu tư và thực tế nhiều công ty cũng hưởng ứng bằng cách này cách khác để giảm phí, có công ty còn đền bù cho nhà đầu tư, nhiều công ty giảm phí về 0", ông Dũng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận