Chia sẻ tại Hội nghị tập huấn tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức vào chiều nay (30/10), ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, từ năm 2012 đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Ông Hùng cho biết thêm, nếu năm 2012 có khoảng 12.000 người chết do TNGT, đến năm 2019 con số này giảm xuống còn 7.600 người. Trong 10 tháng đầu năm nay, có hơn 5.000 người chết do TNGT, so với cùng kỳ năm 2019 giảm sâu gần 14%.
Trong điều kiện phương tiện giao thông được cơ giới hóa, mật độ phương tiện tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy có độ rủi ro lớn chiếm trên 90% số chuyến đi, nhưng TNGT tại Việt Nam vẫn kéo giảm sâu là rất đáng chú ý.
"Năm ATGT của năm nay được chọn là chủ đề “Đã uống rượu bia không lái xe”. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai Nghị định 100/2019 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống. Năm nay sẽ cố gắng kéo giảm TNGT tối thiểu 10% cả 3 tiêu chí", ông Hùng nói.
Tập huấn tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông năm 2020, được Ủy ban ATGT Quốc gia triển khai ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Ngày 30/10 tại các tỉnh phía Bắc tổ chức ở Thái Nguyên. Ngày 17 - 18/11 tại các tỉnh Trung bộ tổ chức ở Thanh Hóa và ngày 20 - 21/11 tại các tỉnh phía Nam tổ chức ở An Giang.
Ông Hùng cho biết thêm, theo thống kê của lực lượng công an, TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia chiếm khoảng 5 - 6%. Tuy nhiên, một khảo sát trong bệnh viện của Tổ chức y tế Thế giới cho thấy, con số này lên đến gần 40%.
"Trước thực trạng này, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu, bia. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng Nghị định 100, trong đó tăng nặng hành vi vi phạm nồng độ cồn được xem là “điểm nhấn”. Đây cũng là văn bản pháp luật đầu tiên đưa Luật Phòng chống tác hại rượu, bia vào đời sống, Nghị định có hiệu lực cùng ngày với Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Đây cũng là điểm sáng trong xây dựng thể chế của chúng ta", ông Hùng khẳng định.
Theo ông Hùng, năm ATGT 2021 sẽ không lấy chủ đề “Đã uống rượu bia không lái xe” là năm ATGT nhưng "Đã uống rượu bia không lái xe” vẫn sẽ là chuyên đề quan trọng trong công tác đảm bảo ATGT.
Đề cập đến công tác truyền thông về rượu bia, ông Hùng cho rằng, thông điệp truyền thông phòng chống tác hại của rượu, bia phải làm sao cho người dân dễ nhận thức, dễ làm theo và tạo được động lực thay đổi hành vi.
"Việc tuyên truyền và xử lý phải kết hợp song song với tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Nếu chúng ta chỉ có tuyên truyền sẽ không mang lại hiệu quả. Giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà phải có giải pháp bắt buộc phải nhớ kiến thức và thực hành nó. Trong thực thi pháp luật cũng vậy, nếu người tuân thủ tốt không được khen thưởng, người vi phạm không bị xử phạt thì không ai thực thi chế tài. Sự tự giác chỉ có khi người tham gia giao thông biết được nếu vi phạm sẽ bị xử phạt", ông Hùng nói.
Mục đích của đợt tuyên truyền lần này được Ủy ban ATGT Quốc gia xác định nhằm tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; từng bước hình thành thói quen không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sau khi sử dụng rượu, bia. Đồng thời, giúp nâng cao năng lực cho các ban ATGT, sở GTVT, phòng CSGT địa phương về quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; giảm các vụ TNGT nguyên nhân do uống rượu bia điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận