Showbiz

Nghị định 38 bị cho là “bóp nghẹt” hầu bao báo điện tử, Bộ Văn hóa nói gì?

01/06/2021, 15:36

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, quy định trong Nghị định 38 không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử.

img

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết năm 2022 sẽ tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo để nắm bắt sự thay đổi của hoạt động quảng cáo

Liên quan tới việc Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định về xử lý vi phạm quảng cáo trên báo điện tử trong Nghị định 38 có những điểm được đánh giá thiếu thực tế, lỗi thời, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (Bộ VH,TT&DL) đã có thông tin chính thức về vấn đề này.

Trong văn bản trả lời báo chí gửi cho Báo Giao thông, nói về ý kiến cho rằng việc quy định “Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” là quá khắt khe, sẽ làm giảm doanh thu quảng cáo, ảnh hưởng đến sự phát triển của báo điện tử, Bộ cho biết, mục đích của quy định này là bảo vệ người xem.

Theo Bộ, vì báo chí là “sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội”, độc giả khi xem báo luôn có sự nghiêm túc trong việc tiếp nhận thông tin. Do đó, các loại hình báo chí đều có quy định về những vùng cố định (không gian, thời lượng) dành riêng cho quảng cáo.

Quy định đối với báo điện tử hiện nay là vẫn được quảng cáo không ở vùng cố định, nhưng phải “đảm bảo thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây”.

“Phải rất chú ý từ “chủ động” - đó là quyền của độc giả vì nếu đang xem tin tức quan trọng, họ có thể tắt ngay quảng cáo để không ảnh hưởng, nếu họ không muốn tắt thì quảng cáo có thể phát tiếp mà không khống chế thời gian.

Như vậy, quy định này không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử, mà chỉ cần đáp ứng có hai yêu cầu của người xem: một là có phím để tắt (mở); hai là nếu có thao tác tắt hoặc mở thì phải đáp ứng ngay trong thời gian 1,5 giây, tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, lại không thể xem đầy đủ, liên tục thông tin mà họ muốn tiếp nhận”, Bộ VH,TT&DL thông tin.

Cũng theo Bộ Văn hóa, qua phản ánh của độc giả và quá trình theo dõi, kiểm tra của cơ quan quản lý, hành vi quảng cáo không ở vùng cố định của báo điện tử bị xử phạt nếu không đáp ứng hai yêu cầu trên. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý sẽ phải tính cả tốc độ đường truyền, chất lượng truy cập mạng dữ liệu để đo thời gian và xem xét hành vi cố ý hay do yếu tố khách quan của cơ quan báo điện tử để xem xét, xử lý phù hợp.

Trước câu hỏi về những giải pháp quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trong thời gian tới, Bộ VH,TT&DL cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức có liên quan nhằm thống nhất trong nhận thức để thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo.

Cùng đó, năm 2022, Bộ sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn nhằm nắm bắt sự thay đổi của hoạt động quảng cáo, phương tiện, phương thức quảng cáo mới để từ đó có những kiến nghi, đề xuất sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, Bộ VH,TT&DL cũng sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động quảng cáo cũng như trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo. Đồng thời, tiến hành các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý nhà nước về quảng cáo cho đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.