Liên quan đến vụ việc 5 người đàn ông phải nhập viện cấp cứu khi đang uống rượu xảy ra ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ngày 15/2, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An: Hiện, đã có 3 bệnh nhân tiến triển tốt, có thể nói chuyện gồm: P.X.L (48 tuổi), H.D.T (39 tuổi), N.B.H (44 tuổi).
Lực lượng chức năng có mặt sau khi 5 bệnh nhân được đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu cấp cứu
Riêng 2 bệnh nhân N.V.S (54 tuổi) và V.V.H (46 tuổi) đang trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, lọc máu liên tục, trong đó bệnh nhân N.V.S có tình trạng bệnh nặng hơn.
Cũng theo các bác sĩ, trong quá trình chuyển lên tuyến trên, có lúc 2 bệnh nhân N.V.S (54 tuổi) và V.V.H (46 tuổi) đã xuất hiện tình trạng ngừng tim.
Về nguyên nhân ngộ độc, theo nhận định ban đầu, các bệnh nhân không phải ngộ độc Ethanol hay Methanol mà liên quan đến độc chất có trong rượu ngâm. Bệnh viện đang quá trình làm rõ độc chất này là độc chất gì.
Liên quan đến vụ việc này, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An biết: Sau khi điều tra tại xã Quỳnh Thạch, ngày 14/02/2023, Chi cục tiếp tục cử cán bộ trực tiếp điều tra tại Khoa Chống độc - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An.
Qua lời kể của 3/5 bệnh nhân mà đoàn điều tra tiếp cận được: Trong 4 mẫu thức ăn đoàn thu thập được gồm: Bánh kẹo, cam, bánh đa khô và cá chỉ vàng khô nướng thì các bệnh nhân chưa ăn cam và bánh kẹo.
Trong 7 mẫu rượu đoàn thu thập được có 5 mẫu rượu ngâm tại nhà ông H.D.Đ (67 tuổi) và bà V.T.M (64 tuổi) (nơi xảy ra vụ việc, ở xóm 7, xã Quỳnh Thạch).
Trong đó, mẫu rượu mà cả 5 bệnh nhân đều uống được ngâm thân cây nghi nấm Linh Chi. Mỗi người uống khoảng từ 2 - 3 chén nhỏ, lượng rượu rót mỗi lần khoảng hơn nửa chén.
Về mẫu rượu ngâm thân cây nghi nấm Linh Chi này, người nhà khai là đã uống nhiều lần, không thấy có bất thường sau khi uống ở những lần trước đó.
4 mẫu rượu còn lại trong nhà ông Đ., cũng ngâm thân cây nhưng không rõ loại và các bệnh nhân không dùng đến.
Cũng theo các bệnh nhân, sau khi uống rượu ngâm thân cây nghi nấm Linh Chi này, 5 người còn uống 1 loại rượu khác không rõ loại.
Rượu này do bệnh nhân N.B.H (con rể ông H.D.Đ mang sang để uống). Mỗi người uống gần 1 chén nhỏ, riêng bệnh nhân V.V.H có nhấp sang chén thứ 2.
Sau khi uống khoảng 3 phút, các bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, tím tái, co giật, kích thích.
Tuy nhiên, tại thời điểm điều tra, đoàn điều tra cùng các cơ quan chức năng không tìm được chai rượu này. Người nhà bệnh nhân N.B.H cũng không rõ loại rượu nào đã sử dụng do thời điểm 5 người ngồi uống rượu, trong nhà không có người nào khác.
2/7 mẫu rượu còn lại được thu thập tại nhà bệnh nhân N.B.H. (con rể ông H.D.Đ, người mang 1 loại rượu sang nhà bố mẹ vợ để cùng uống).
Tuy nhiên, do chưa chưa xác định loại rượu bệnh nhân N.B.H mang sang nhà ông H.D.Đ để uống nên cán bộ Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu đã tiến hành lấy cả 2 mẫu rượu và bàn giao lại cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Bệnh nhân N.B.H cho biết, loại rượu đưa sang nhà ông H.D.Đ để uống ngâm với thân lá cây đã chặt nhỏ của đồng bào dân tộc tại Hải Phòng hoặc Thái Nguyên (không nhớ rõ) và về ngâm với rượu cách đây khoảng 3 - 4 năm.
Hiện nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An đã gửi các mẫu kiểm nghiệm đến Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm nghiệm.
Một bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An khuyến cáo: Hiện nay, nhiều người có xu hướng dùng rượu ngâm vì nghĩ sẽ tốt có sức khỏe và an toàn. Tuy nhiên, nếu là thuốc chữa bệnh phải có đơn của thầy thuốc, người dân không tùy tiện kết hợp
Trong trường hợp người ngâm rượu mà không biết thật rõ nguồn gốc, tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc động vật sẽ rất nguy hiểm. Thực tế có những loại dược liệu gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Đặc biệt, theo vị bác sĩ này, khi sử dụng rượu ngâm, đầu tiên chúng ta phải biết rõ nguồn gốc và uống ở mức vừa phải. Lạm dụng rượu dưới bất cứ hình thức nào đều có thể gây hại cho sức khoẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận