Hình ảnh một học sinh trả lời “phỏng vấn” trong clip |
Ngay khi kỳ thi THPT Quốc gia kết thúc, một clip mang tính trào lộng về kỳ thi do một số học sinh ở Huế thực hiện đã được đưa trên mạng xã hội và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Clip gây “bão” bởi các câu trả lời của thí sinh khi được phỏng vấn động chạm tới nhiều vấn đề nóng của giáo dục. Nhưng dư luận đã bị “sốc” khi ngay lập tức, ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thừa Thiên - Huế buộc tội “clip được tổ chức quay, dàn dựng và tung lên mạng rõ ràng có ý đồ” và đề nghị Công an điều tra.
Không hiểu ông Giám đốc Sở muốn điều tra gì khi nội dung clip không phạm luật? Tuy nội dung clip có chỗ quá đà, ngôn từ chưa chuẩn mực nhưng ai cũng hiểu, các em học sinh chỉ là hiếu động và nghịch ngợm. Sao nỡ gán cho các em làm clip “có mục đích” để “chính trị hóa” một sự việc mà ai cũng biết chỉ là trò đùa?
|
Cách hành xử của ông Giám đốc Sở GD&ĐT thực sự khiến nhiều người thêm thất vọng. Có vấn đề gì đó thực sự chưa ổn trong cách giáo dục hiện nay.
Đó là lối áp đặt suy nghĩ và không khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân, đừng nói đến chuyện phê phán hay giễu cợt. Lối suy nghĩ độc lập không được chấp nhận, nhất là về lĩnh vực giáo dục, cho dù đây là ngành bị dư luận phản ứng nhiều năm qua.
Có thể thấy rõ nhất qua cách dạy môn văn. Đây là môn học đòi hỏi cảm xúc cá nhân cùng sự sáng tạo độc lập, nhiều nơi lại dạy học theo văn mẫu và em nào làm bài càng giống văn mẫu, càng được điểm cao.
Cách dạy như thế rất thành công trong việc triệt tiêu cả cảm xúc lẫn sự sáng tạo của học sinh, tạo nên những “con vẹt” chỉ biết học thuộc lòng, mà không biết tư duy, cũng như hình thành tâm lý không được phép suy nghĩ khác với những cái “khuôn” do nhà trường đặt ra.
Với cách học thụ động như thế, sẽ có em lớn lên như những bản photocopy. Trong khi áp đặt tư duy của người lớn cho trẻ, nhiều thầy cô quên mất giữa họ và học trò là một khoảng cách không hề nhỏ về tuổi tác, tính cách cũng như hoàn cảnh, để đòi hỏi các em phải nghiêm ngắn, chỉn chu, không được vui chơi, không được khác biệt.
Cách tư duy này tiếc thay rất phổ biến, mà không ai biết rằng đó chính là cách “đánh cắp” tuổi thơ của các em nhỏ.
Trong môi trường dạy - học thụ động như thế, em nào có chính kiến, có góc nhìn độc lập, nhất là dám nói quan điểm riêng, dễ bị cho là “cá biệt” vì các thầy cô không chịu nổi việc học trò nói khác những gì được dạy trong trường, chứ đừng nói đến phản biện.
Vụ clip của các học trò ở Huế là một minh chứng, cho dù những vấn đề các em phản ảnh trong clip như nạn mua điểm thi, chép bài, học “tủ”, đề thi vừa sức với… giáo viên, “đọc đề - chửi thề - xé đề và đi về”… đều là có thật.
Lẽ ra, nếu những người có trách nhiệm biết lắng nghe, sẽ thấy đó là sự góp ý bằng góc nhìn hài hước, để tiếp thu và sửa đổi. Các trường có học sinh xuất hiện trong clip có thể gặp gỡ, nhắc nhở các em điều chỉnh hành vi của mình thay vì công bố công khai việc mời công an điều tra, làm rõ mục đích của clip. Việc hù dọa chỉ có thể bóp nghẹt sự sáng tạo vốn đã rất hiếm trong ngành Giáo dục hiện nay.
Nhà trường luôn dạy học sinh tính nhân bản, nhưng tiếc thay trong trường hợp này đã có cách hành xử ngược lại. Một việc nhỏ mà ai cũng thấy là trò đùa của những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” lại bị “chụp mũ” để xử lý, thì còn đâu sự bao dung của người thầy?
Muốn các em học được tính nhân văn, thì chính thầy cô phải là những tấm gương ứng xử nhân văn, thay vì lúc nào cũng sử dụng uy quyền để dọa nạt, kìm kẹp và áp đặt sự sợ hãi, tự ti lên thế hệ sau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận