Ấn Độ bị nhấn chìm trong "sóng thần" Covid-19 sau lễ hội tập trung đông người (ảnh AP)
Bài học "sóng thần" Covid-19 ở Ấn Độ
Một trong những nguyên nhân gây ra làn sóng dịch Covid-19 lần này tại Ấn Độ là các cuộc tụ tập đông đúc, các cuộc biểu tình liên quan đến bầu cử cũng như các lễ hội tập trung đông người và các cuộc tụ họp tôn giáo. Bên cạnh đó, người dân Ấn Độ bắt đầu lơ là các quy tắc chống dịch khi chương trình tiêm phòng vaccine Covid-19 được triển khai và số ca nhiễm được kiểm soát trước đó.
Tuy nhiên, trong 5 ngày qua, cơn “sóng thần” Covid-19 tiếp tục nhấn chìm Ấn Độ khi mỗi ngày hàng trăm nghìn người nhiễm mới và hàng nghìn người tử vong vì Covid-19.
Không chỉ Ấn Độ, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có nhiều quốc gia có vùng biên tiếp giáp Việt Nam cũng đang hứng chịu đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ với số người nhiễm mới và tử vong không ngừng tăng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ quan ngại, nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam ở khu vực Tây Nam bộ rất lớn cộng thêm dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4 – 1/5 sắp tới. Tuy nhiên, hiện có một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với việc phòng chống lây nhiễm Covid-19, không tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt không đeo khẩu trang, khử khuẩn.
Chặn dịch ngoài, phòng dịch trong
Tụ tập đông người dịp nghỉ lễ, nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh Covid-19
Bộ VHTT&DL cũng đã đề nghị các địa phương tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, các ban quản lý di tích, bảo tàng, ban tổ chức lễ hội, người đứng đầu các thiết chế văn hóa, thể thao, đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao;
Khán giả đến rạp chiếu phim, khách tham quan bảo tàng, di tích - danh lam thắng cảnh; người tham gia lễ hội, khách du lịch. Chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, đến thời điểm này cơ bản Việt Nam đã đẩy lùi được dịch bệnh, tuy nhiên, với tình hình các nước xung quanh thì nguy cơ bùng dịch rất hiện hữu.
Chính vì vậy, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 đặt ra yêu cầu bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh trong những ngày nghỉ lễ (30/4-1/5); tiếp tục ngăn chặn triệt để bên ngoài, dập dịch ở bên trong, thực hiện tốt công tác cách ly y tế; bảo đảm du lịch an toàn; quản lý người xuất nhập cảnh; chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh trở lại trường; đưa công dân nước ngoài rời Việt Nam và công dân Việt Nam về nước; hỗ trợ các nước chống dịch;…
Riêng khu vực phía nam, hiện có số người nhập cảnh gia tăng, đặc biệt, tỷ lệ ca bệnh dương tính từ người nhập cảnh rất cao, tăng 10-13 lần so với tháng 1/2021, công tác phòng, chống dịch bệnh được đẩy mạnh lên cấp độ mới. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các tỉnh hoàn thiện các kế hoạch, kịch bản đối phó với dịch bệnh liên quan đến nhập cảnh, kịch bản dịch bệnh xảy ra trong cộng đồng; Tăng cường năng lực xét nghiệm, xét nghiệm trong khu cách ly tập trung tăng từ 2 lên 3 lần theo quy định.
Đề cập đến nguy cơ Việt Nam đối mặt với làn sóng dịch mới, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cảnh báo kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày tới, người dân đi du lịch, đến những điểm công cộng, những nơi tụ tập đông người nhưng lại phớt lờ nguyên tắc 5K. Điều này vô cùng nguy hiểm. Hơn bao giờ hết, mỗi người dân phải luôn chủ động cảnh giác chống dịch theo nguyên tắc 5K "khẩu trang - khử khuẩn - khai báo - khoảng cách - không tụ tập".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận