Theo nhà phong thủy Lương Ngọc Huỳnh, ngày 23 tháng chạp là ngày trọng đại vì là ngày cuối cùng trong năm của Thần Tiên ở hạ giới trước khi về Trời tấu trình Ngọc Hoàng Đại Đế. Do vậy nghi lễ tiễn Thần Táo Quân về Trời tấu sớ cần làm bài bản và thịnh soạn, nhà cửa cũng được dọn dẹp sạch sẽ chu đáo.
Theo đó, mâm lễ đặt ngoài trời giữa sân, hoặc nếu ở chung cư thì giữa nhà, hướng Nam, nghĩa là ta quay mặt về hướng Nam mà hành lễ.
Lễ vật gồm có: Một chiếc lọng màu đỏ có diềm vàng để che nắng che mưa; Một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ, mặt bàn được trải tấm vải đỏ sang trọng ngay ngắn; Một miếng vải đỏ dài trải dưới đất như miếng thảm đỏ để đưa tiễn Thần Táo Quân; Một mâm lễ gồm Gà trống trắng, xôi đỏ. Ba chén rượu ba màu đỏ, trắng, vàng. Ba chén trà ba loại mùi vị khác nhau;
Ngoài ra mâm lễ mặn có thể thêm các món sơn hào hải vị khác tuỳ theo điều kiện từng gia đình.
Một mâm hoa quả ngũ quả đầy đặn đẹp mắt, trên mâm quả có cài 9 bông hoa đồng tiền màu đỏ. Ba bộ quần áo, mũ, giày cho ba vị thần.
Vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá cho ba vị mỗi vị 99 thuyền, 99 thỏi, 99 lá.
Lưu ý: không đốt tiền âm phủ, vì họ là thần tiên, họ không phải là vong hồn... nếu đốt tiền âm phủ cho Thần Tiên là mạo phạm.
Cá chép 3 con, nếu mua được ba con ba màu, đỏ, vàng, trắng là tốt nhất. Và 9 cây cây nến đỏ, 9 nén nhang.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ nghi cần thiết thì người lớn nhất trong nhà tắm rửa sạch sẽ, súc miệng bằng rượu, trước khi làm thủ tục cúng lễ.
Lễ xong đi lùi ba bước rồi vái vọng đủ 8 hướng, sau đó mới được quay lưng đi.
Ông Huỳnh lưu ý: "Chờ nhang cháy 1/3 ta đã có thể mang vàng mã đi hoá cho các vị thần. Hoá xong thì gói tro vào một tờ giấy hoặc miếng vải màu đỏ sạch sẽ, rồi mang cá và tro đi thả ở sông, suối, hay hồ nước có dòng chảy lưu thông. Không nên thả ở những hồ nước bẩn, ao tù. Ai không có điều kiện thì không bắt buộc phải lễ nghi trịnh trọng. Tuỳ theo hoàn cảnh của mình mà làm, có sao thì ta làm vậy, cốt ở tấm lòng thành kính là được".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận