Xã hội

Nghị lực cô gái “chim cánh cụt” nơi đại ngàn

20/02/2021, 07:26

Chẳng ai nghĩ rằng, cô bé không tay Y Julie có thể làm được điều mà chưa người dân làng Kon Drei nào làm được là thi đỗ đại học.

img

Y Julie dùng chân sử dụng máy vi tính

Hành trình nhọc nhằn “tìm cái chữ”

Khi Y Julie chào đời với bờ vai cụt ngủn không có đôi cánh tay, người làng cứ nghĩ Y Julie sẽ chỉ ở yên một chỗ, nói gì đến chuyện đi học hay viết lách. Ấy vậy mà Y Julie lại là người đầu tiên trong làng Kon Drei (xã Đắk Bla, TP Kon Tum, Kon Tum) bước chân vào cánh cổng trường đại học.

Không chỉ khuyết đôi tay, Y Julie còn có chân phải bị cong lệch, cột sống vẹo và trên lưng có khối u rất to. Sức khỏe Y Julie lại yếu nên vợ chồng chị Y Dzoar thường xuyên bế con lên viện thăm khám. Để con có thể đi lại được, vợ chồng chị Dzoar đã phải đưa Y Julie đi phẫu thuật nắn bàn chân thẳng lại.

Bởi khiếm khuyết thân thể và sức khỏe yếu nên cô bé chỉ thui thủi ngắm nhìn những bạn nhỏ cùng trang lứa vui đùa. Julie chỉ biết khóc mếu khi bị bạn trêu và thậm chí núp dưới gầm giường khi có khách lạ.

Đến khi Y Julie lên 4 tuổi, cô bé đòi mẹ cho đến trường học như các bạn. Thấy con bị khuyết tật, sợ không theo kịp các bạn nên chị Y Dzoar đành để con ở nhà.

Thế nhưng,Y Julie tự dò dẫm đi theo các bạn đến lớp mẫu giáo đầu làng. Chẳng được vào lớp, Julie chỉ biết nhìn lớp học qua cửa sổ. Thế rồi cô bé bắt chước các bạn và lấy cây khô kẹp vào chân, viết những nét nguệch ngoạc lên nền đất.

Thấy vậy, vợ chồng chị Y Dzoar đành mua sách vở, bút về cho con tập viết. Thật bất ngờ, khi vừa nhận được cuốn vở, Julie liền lấy chân phải đè lên giữ cuốn vở, 2 ngón cái và trỏ của bàn chân trái kẹp cây bút cố nắn nót. Cuối cùng những kí tự ABC cũng dần hiện ra tuy hơi nguệch ngoạc. Quá đỗi vui mừng, chị Y Dzoar ôm chầm lấy con mà khóc.

“Lúc ấy mình hỏi ra mới biết, con bé học chữ trong lúc đứng ngoài cửa sổ nhìn các bạn học”, chị Dzoar nhìn con trìu mến.

img

Cô bé “chim cánh cụt” Y Julie “vẽ cuộc đời” bằng đôi chân

Những ngày đầu cầm bút đôi chân của Y Julie luôn trong tình trạng tê cứng, phồng rộp. Tuy nhiên, chưa lần nào chị Dzoar thấy Y Julie nản lòng, có ý định dừng lại. Thương con, vợ chồng chị Y Dzoar chỉ biết động viên, khích lệ con cố gắng. Từ những nét chữ nguệch ngoạc, dần dần những trang vở của Y Julie là những chữ cái tròn trịa, thẳng hàng.

Trải qua 12 năm học, năm nào Y Julie cũng đạt được thành tích cao trong học tập, ở lớp cô bé luôn là học sinh khá giỏi. Năm 2020, Y Julie cũng học hết cấp 3.

Đứng trước ngưỡng cửa đại học, Y Julie trăn trở không biết nên chọn học ngành “Hướng dẫn viên du lịch” mà em ước mơ bấy lâu nay hay một nghề khác. Cuối cùng, cô nữ sinh từ bỏ ước mơ của mình bởi sức khỏe không cho phép. Y Julie theo học ngành Công nghệ - Thông tin của trường Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.

Biết Y Julie đậu đại học, một mạnh thường quân đã tặng cô bé 1 chiếc máy tính, làm hành trang cho em tiếp tục phấn đấu cho ngày mai tươi sáng. Y Julie giờ rất vui, cô gái cho biết sẽ cố gắng học thật giỏi để sớm làm được những việc có ích cho cha mẹ, cho buôn làng.

Leo 4 quả đồi để đến lớp

img

Học sinh làng Kon Pia thuộc xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông vượt 7 km, 4 ngọn đồi để đến lớp

Bắt đầu từ khi Y Julievào cấp 3, rồi đậu đại học, chính quyền và ngành giáo dục tỉnh Kon Tum tuyên truyền tấm gương vượt qua số phận của cô bé “chim cánh cụt” mọi nơi. Chính điều đó đã giúp tỉ lệ các em học sinh vùng cao tự nguyện đến trường tăng cao. Năm học 2020 - 2021, tỉ lệ các em tự nguyện đến trường tăng gấp hai lần năm trước.

Đơn cử tại làng Kon Pia thuộc xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, nơi đây nằm tách biệt với thế giới bên ngoài bởi 4 quả đồi cao. Nhiều năm trước, để giúp người dân ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã xây dựng một con đường nối Kon Pia với trung tâm huyện. Tuy nhiên giao thông qua lại vẫn còn khá khó khăn bởi những con dốc sâu hun hút. Cứ 7 giờ sáng, sau khi đã vượt qua 4 quả đồi, hàng chục em học sinh tại làng Kon Pia đã có mặt tại lớp học.

Với gương mặt tím tái vì cái lạnh của mưa rừng, cô bé Y Kiệt (lớp 4D, trường tiểu học Đăk Hà) run run cởi tấm ni lông nhàu nhĩ, ố vàng được mẹ em cắt ra từ bao phân bón cho biết, ngày nào em cũng phải thức dậy trước 5 giờ sáng để đến trường. Bữa sáng của em thường là cơm nguội và nước mắm. Cũng có những hôm dậy trễ, không kịp ăn cơm, Kiệt đành ôm bụng đói đến trường.

“Đường từ nhà đến trường khoảng 7km, bố mẹ còn làm nương rẫy, nay nhà không còn gì ăn nên em nhịn đói. Leo đồi mệt lắm nhưng em muốn đến lớp để được giống chị Y Julie”, Y Kiệt nói.

Ngồi co ro ở một góc lớp, Y Thu (lớp 5C) bảo rằng, em là là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em. Nhà em nghèo, thường xuyên hết gạo vào những ngày giáp hạt.

“Học theo tấm gương chị Y Julie, em chỉ biết cố gắng học thật giỏi, thật chăm, sau này lớn lên còn làm bác sĩ kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, chữa bệnh cho dân làng”, Y Thu nói.

Cô Dương Thị Anh, Giáo viên chủ nhiệm lớp 5C cho biết, các em học sinh tại làng Kon Pia hầu hết là đồng bào dân tộc Xê Đăng, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, người Xê Đăng có tập tục ngủ rẫy để tiện đi làm nên họ rất ít khi ở nhà. Vì vậy, phụ huynh ít chú trọng đến việc học tập của con em.

“Các em học sinh lớp 1 và 2 theo học ở điểm trường tại làng. Từ lớp 3 trở đi, các em phải ra điểm trường chính để học tập. Quãng đường đến trường của các em rất xa và qua nhiều đồi dốc. Thầy cô thường xuyên kể cho các em nghe chuyện chị Y Julie “chim cánh cụt” để tạo cảm hứng cho các em đến trường”, cô Anh nói.

Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Đắk Hà cho biết, năm học 2020 - 2021 trường có 622 học sinh, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình khó khăn. Hiện trường có hơn 200 em học sinh ở các làng Kon Pia, Ngọc Leang, Đắk Hà, Đắk Pơ Trang tự giác hàng ngày vượt chặng đường từ 5 - 7km, băng qua nhiều đồi núi để đến trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.