Xã hội

Nghị lực không ngờ ở người đàn ông chân hai ngón, tay một ngón

06/06/2020, 06:06

Lớn lên trong cảnh nhà nghèo, thấy bản thân khuyết tật, ông Thiểu hiểu “phải học làm tất cả, nếu không thì chết đói”...

img
Mặc dù bàn tay chỉ có một ngón nhưng ông Thiểu viết nhanh và vẽ đẹp

Sinh ra với khiếm khuyết bẩm sinh bàn chân chỉ có hai ngón, bàn tay một ngón nhưng ông Nguyễn Tiến Thiểu (tổ dân phố Hoàng Lý, phường Hoàng Đông, TX Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) và người con trai khuyết tật đều viết, vẽ rất giỏi. Ông Thiểu thường cắt vẽ, trang trí phông bạt đám cưới, sửa chữa quần áo, còn con trai ông đang học Đại học Mỹ thuật công nghiệp.

Bàn chân hai ngón, bàn tay một ngón

Dưới cái nắng gắt cuối tháng 5, trong căn nhà cấp bốn nằm sâu trong ngõ nhỏ của tổ dân phố Hoàng Lý, ông Nguyễn Tiến Thiểu (SN 1940) đang ngồi chép thơ vào cuốn sổ. Nhìn mỗi bàn tay chỉ có một ngón chụm vào nhau để đỡ cây bút, uốn lượn những nét chữ mềm mại trên trang giấy, ai nấy đều thán phục.

Dường như đoán được ánh mắt ngạc nhiên của PV Báo Giao thông, ông Thiểu ngừng viết, nhón đôi bàn chân mỗi bên chỉ có hai ngón, rồi lại chụm hai bàn tay mỗi bên chỉ có một ngón lại, nhanh nhẹn rót trà mời khách. Ông tâm sự: “Trời chẳng lấy hết của ai cái gì, tôi khuyết tật, nhưng ai làm gì, tôi cũng làm được nấy”.

Nhưng thực ra chẳng có “ông trời” nào bù đắp, để có được “sự bình thường” như mọi người, ông Thiểu phải trải qua những tháng ngày cố gắng, nỗ lực vượt bậc.

Ông Thiểu kể, bố mẹ là nông dân, cả đời không ra khỏi lũy tre làng, nên cũng không có lý do gì để “nhiễm chất độc da cam” như nhiều người lý giải khi ông chào đời với hình hài khuyết tật. Hai bàn tay chỉ có hai ngón út ngoe nguẩy. Dưới đôi bàn chân cũng nhô ra hai mẩu thịt với xương hình tam giác nhọn, hai ngón út trồi ra khỏi đỉnh “tam giác”, quặp vào trông gớm ghiếc.

“Bố mẹ tôi kể lại, lúc nhỏ, chân tay dị tật nên tôi đứng lên cũng khó, cứ bước đi là ngã nhào. Nhưng tôi cứ bám tường, bám bậc cửa lần tìm cách tập đi. Ngã rồi lại bò dậy, vịn mà đứng lên, sứt sẹo, chân tay chảu máu mãi cũng lành. Nhưng khổ nhất là đi ra đường, đi học bị bạn bè trêu chọc, dị nghị”, ông Thiểu kể.

Quyết không đầu hàng số phận

img
Ông Thiểu ngồi trò chuyện với vợ của mình trong căn nhà nhỏ

Lớn lên trong cảnh nhà nghèo, thấy bản thân khuyết tật, ông Thiểu hiểu “phải học làm tất cả, nếu không thì chết đói”. Ông cần mẫn học làm tất cả mọi việc. Chỉ với 4 ngón chân, hai ngón tay, việc gì với ông cũng trở nên khó gấp trăm lần.

“Tôi bấm hai ngón chân xuống đất tập đi, uốn cong cả cổ tay tập viết. Người có đủ 10 ngón tay thì chỉ cần dùng lực của các ngón tay cũng làm được nhiều việc, nhưng tôi chỉ có hai ngón nên làm gì cũng phải gồng từ cổ tay, khuỷu tay để dồn sức. Chuyện mỏi mệt, tươm máu, rách da chân tay vì vậy cũng là thường”, ông Thiểu nhớ lại.

Nhờ chăm chỉ rèn luyện nên từ nhỏ, việc gì bạn bè làm được, ông Thiểu cũng làm được, từ trông em, chăm lợn gà, cuốc cỏ, hái rau. Ngoài ra, ông còn học giỏi. Năm 1960, ông đỗ Khoa Trung văn (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội).

Kể về thời sinh viên đầy gian khó, ông nhớ lại: “Người bình thường, viết chữ Trung Quốc đã khó, với tôi càng khó hơn. Thay vì tập viết vào giấy, tôi hay ra bãi đất trống, lấy que gỗ viết trên nền đất. Có lúc bàn tay tứa máu do tập viết nhiều quá. Khi đi học, để trang trải cuộc sống, mỗi lần về quê, tôi tranh thủ trên tàu hỏa nhận khắc chữ vào bút, kiếm vài đồng”.

Ra trường, người đàn ông này bén duyên với nghề giáo, về dạy tiếng Trung tại trường Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội). Sau nhiều bước ngoặt, ông chuyển về Hà Nam sống, học thêm về lĩnh vực ngân hàng. Hàng tháng, ông đạp xe vượt hơn 100km vào Sầm Sơn, Thanh Hóa học nghiệp vụ. Kết thúc khóa học, ông được Ngân hàng Công thương tỉnh Hà Nam nhận vào làm. Trải qua các vị trí, từ nhân viên tín dụng, ông làm đến chức Trưởng phòng Tổ chức rồi mới về hưu.

Điều đặc biệt hơn nữa, dù đôi tay chỉ có một ngón nhưng ông tự học vẽ và may vá. Giai đoạn đất nước khó khăn, đồng lương công nhân viên chức không đủ sống, để kiếm thu nhập, hỗ trợ vợ nuôi con, ông đi vẽ tranh, vẽ phông cưới, sửa chữa quần áo, dịch cả sách tiếng Trung và gia phả cho các dòng họ…

“Thời trước, chưa có phông rạp sẵn như bây giờ, trong làng có đám cưới, họ tìm đến tôi nhờ trang trí, cắt dán chim bồ câu và chữ lồng tên cô dâu, chú rể. Cuối năm có thi đua khen thưởng ở xã, huyện, tôi “thầu” luôn khoản viết giấy khen. Sau này hiện đại hơn, nghề trang trí phông cưới thủ công mai một, tôi chuyển sang dạy tiếng Trung cho các lớp xuất khẩu lao động tại địa phương. Nhờ đó, các con tôi không phải chịu đói khát”, ông Thiểu xúc động nói.

Con nối nghiệp cha

Ông Thiểu chia sẻ, cha mẹ ông sinh ra vẫn bình thường, lành lặn nhưng đến đời ông bắt đầu có hiện tượng kỳ lạ này khi người em trai ông cũng chỉ có mỗi bàn tay một ngón và mỗi bàn chân hai ngón.

Trong 8 người con của ông, 7 gái, một trai (với hai bà vợ) có hai người sinh ra bị dị tật giống bố. Đó là cô con gái thứ 5 và cậu con trai út sinh năm 2000 đều có bàn chân hai ngón và tay một ngón giống bố. Ông và các con từng đi khám, kiểm tra nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân.

Tôi luôn dặn hai con khuyết tật giống tôi, nếu người ta phải cố gắng một thì các con phải cố gắng gấp mười, gấp trăm lần mới có thể tồn tại và đứng vững trong xã hội hiện đại này.
Ông Nguyễn Tiến Thiểu


Không chỉ bị di truyền về ngón tay, ngón chân giống bố, cậu con trai út của ông Thiểu cũng “di truyền” năng khiếu viết, vẽ đẹp như bố. Hiện, con trai út của ông đang học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

“Những khi nghỉ hè, cháu lại cùng tôi vẽ tranh thuê hoặc đi trang trí đám cưới kiếm thêm tiền ăn học. Bố con tôi đã trang trí cho khoảng hơn 200 đám cưới. Tôi còn đi viết chữ nho, viết sớ thuê ở các đền, chùa”, ông Thiểu kể.

Bà Nguyễn Thị Thỉnh (SN 1953, người xã Châu Giang, TX Duy Tiên), người vợ thứ hai kết duyên với ông khi người vợ đầu lâm trọng bệnh mà mất, cho hay: “Dù ông Thiểu hơn tôi 20 tuổi, lại là người khuyết tật, nhưng trong mắt tôi, ông ấy là người mạnh khỏe, vui vẻ, rất đa tài. Ông yêu thương vợ con, hay lam hay làm nên đến giờ, ông vẫn mạnh khỏe, tự lo được cho ông và còn kiếm được ra tiền lo cho gia đình”.

“Chúng tôi kết hôn muộn, nên con trai út của tôi giờ còn là sinh viên. Biết bố mẹ già yếu, ngoài giờ học cháu đi vẽ thuê, chép tranh kiếm tiền đóng học phí. Một thầy giáo thương hoàn cảnh, nhận dạy thêm cho cháu không mất tiền. Khi sinh cháu, thấy tay chân con như thế, tôi lo lắm. Nhưng giờ thì tôi yên tâm vì cháu không chỉ có hoa tay giống bố, mà còn có nghị lực như bố, hy vọng cháu có cuộc sống bình an, no đủ”, bà Thỉnh tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.