Thể thao

Nghị lực phi thường của những cô gái vàng thể thao Việt Nam

26/01/2020, 07:00

Phạm Thị Thu Trang, Hoàng Thị Duyên, Chương Thị Kiều là những cô gái quê, trải qua tuổi thơ cơ cực và chọn thể thao làm con đường vươn lên.

img
Đô cử Hoàng Thị Duyên

Trên con đường đó, họ phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt và cả máu để giành lấy vinh quang.

Ký ức nghèo của những cô gái vàng

Cử tạ là môn thể thao yêu cầu vận động mạnh và nặng ở hai tay. Hoàng Thị Duyên cho hay, thời gian đầu chưa quen, đau nhức khắp cánh tay, cổ tay, bả vai và sống lưng. Lâu dần thành quen, nữ đô cử dân tộc Giáy giờ coi quả tạ như một phần cơ thể mình.


Tại kỳ SEA Games 30 diễn ra hồi tháng 12/2019 ở Philippines, điền kinh Việt Nam tiếp tục chứng minh vị trí độc tôn với 16 tấm HCV. Nguyễn Thị Huyền hay Nguyễn Thị Oanh vẫn là đầu tàu khi mỗi người đem về 3 HCV ở các nội dung khác nhau. Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua vai trò của những cái tên mới, trong đó có Phạm Thị Thu Trang. Dù lên tuyển theo dạng vé vớt nhưng nữ VĐV 21 tuổi đã xuất sắc giành HCV nội dung đi bộ 10km.

Trang sinh ra trong một gia đình thuần nông ở thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Bố mẹ cô quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng, nhà lại đông con nên cuộc sống khá chật vật. Khi mang thai Trang, mẹ cô sinh đôi và phải gửi cô cho một người họ hàng cùng làng nuôi giúp. Mãi tới năm học lớp 1, nhà vô địch SEA Games 30 mới trở về sống cùng bố mẹ.

“Ngày đó, nhà tôi nghèo lắm, gần như chẳng có gì đáng giá cả. Ngoài việc đỡ đần bố mẹ việc nhà, đồng áng, chúng tôi còn đi mò cua, bắt ốc để bố mẹ mang ra chợ bán lấy tiền trang trải cuộc sống”, Thu Trang kể lại.

Cũng theo cô gái vừa giành HCV SEA Games, nhờ bố mẹ “năng nhặt chặt bị”, cuộc sống hiện tại của gia đình đã đỡ cơ cực nhưng về cơ bản vẫn khó khăn. “Đợt SEA Games vừa rồi, Trang được tham dự nhưng gia đình tôi không biết, em nó giấu cả nhà. Chiếc tivi cũ hỏng rồi, điện thoại không kết nối internet nên vợ chồng tôi không biết tin tức gì, nhờ hàng xóm báo mới hay. Vợ chồng tôi mừng lắm bởi biết con đã phải nỗ lực rất nhiều. Trang còn khoe Tết sẽ sắm tivi mới để cả nhà được xem em nó mỗi khi thi đấu”, bà Thủy, mẹ Trang tiết lộ.

img
VĐV điền kinh Phạm Thị Thu Trang

Giống như Thu Trang, nữ đô cử Hoàng Thị Duyên, người giành HCV cử tạ hạng cân 59kg cũng trải qua tuổi thơ gian khổ. Gia đình Duyên sinh sống ở xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai. Không thể trông mong từ việc nhà nông, cực chẳng đã, bố mẹ phải để ba anh em Duyên ở nhà để lên Sa Pa bán vải mưu sinh. “Ba anh em tôi nương tựa vào nhau, những việc nặng trong nhà anh trai tôi làm, tôi nấu cơm, giặt giũ và trông em. Cứ vài ngày mẹ tôi lại về mua thêm đồ ăn cho mấy anh em rồi lại đi. Một thời gian sau, bố mẹ không đi nữa mà về bán rau ở chợ gần nhà để chăm sóc ba anh em”.

Cô gái vàng của cử tạ Việt Nam cho biết thêm, khi học cấp 1, trường ở xa, hàng ngày cô phải cuốc bộ khoảng 12km cả đi và về. “Gia đình tôi khi đó chỉ có hai thứ giá trị là chiếc xe đạp cũ mẹ dùng đi chợ và chiếc tivi bố tôi mua lại của người quen”, Duyên nói thêm.

Sinh ra trong một gia đình Khmer ở Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, những năm tháng tuổi thơ của tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam vừa giành HCV SEA Games Chương Thị Kiều chẳng khá hơn hai cô gái vừa nêu. Kiều kể: “Bố mẹ em ngoài làm ruộng chỉ nuôi thêm vài con gà, con vịt nên cuộc sống cũng khá chật vật. Mỗi lần gia đình có việc là mẹ phải bán thóc để lo liệu. Mọi thứ đều trông vào 3 công ruộng (khoảng 9 sào Bắc bộ - PV) nên chị em tôi gần như quanh năm không biết tới quần áo mới hay đồ chơi”.

Không có vinh quang nào dễ dàng

img
Tuyển thủ bóng đá nữ Chương Thị Kiều

Điểm chung của Trang, Duyên và Kiều là ngoài năng khiếu, đam mê, họ đều muốn tới với thể thao để bố mẹ bớt gánh nặng. Năm học lớp 9, Trang giành được HCĐ tại giải chạy học sinh TP Hà Nội. Thấy con có tiềm năng nên bố mẹ đưa cô lên Trung tâm TDTT Hà Nội xin vào tập. Một tuần sau, Trang được nhận chính thức.

“Ở nhà nghĩ đơn giản nhưng vào tập luyện chuyên nghiệp mới thấy nhiều bỡ ngỡ. Tôi đã rất khó khăn để làm quen, nhất là cường độ tập luyện. Ngán nhất là những buổi rèn thể lực, tập xong mệt lả chẳng muốn ăn gì. Tập chạy thì cổ chân mỏi nhừ, đánh chẳng biết đau. Cộng thêm nhớ gia đình nên tôi từng có ý định xin nghỉ. Nhưng rồi ngẫm lại, nếu về nhà tôi sẽ không giúp gì được cho bố mẹ. Còn nếu ở lại, ít nhất bố mẹ không phải lo chuyện ăn học của tôi. Vậy là, tôi quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn. Từ khi có tiền công tập luyện, tôi để dành mỗi tháng từ 1 - 2 triệu đồng gửi về đỡ đần bố mẹ”, Trang tâm sự.

Rồi nữ VĐV sinh năm 1998 lại tìm việc làm thêm. Ban đầu cô xin phụ bếp ở một nhà hàng, sau đó chuyển sang chạy Grab. “Mỗi ngày ngoài thời gian tập luyện, tôi dành khoảng 2 tiếng chạy Grab. Những hôm đắt hàng cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng, hôm nào vắng thì được vài chục. Tất cả tiền kiếm được tôi đều gửi về cho bố mẹ”, Trang chia sẻ.

Không phải làm thêm như Thu Trang, nhưng Hoàng Thị Duyên còn nhớ như in khó khăn từ những ngày đầu cô đến với cử tạ. Năm Duyên học lớp 7, khi HLV cử tạ của Trung tâm TDTT tỉnh Lào Cao Nguyễn Cao Hùng về trường tuyển quân đã ấn tượng với cô học trò dân tộc Giáy nên nhận cô vào tập ở đội trẻ. Từ nhà Duyên tới trung tâm khoảng 10km, mỗi chiều cô đều đi - về 20km để tập cử tạ. Nhưng việc này không đáng gì so với việc Duyên phải nói dối đi học thêm để đi tập vì biết bố mẹ không cho phép. “Một thời gian sau bố mẹ biết chuyện, yêu cầu tôi chuyên tâm học hành để sau này có công việc ổn định. May nhờ có thày thuyết phục nên tôi mới được tiếp tục theo đuổi đam mê. Mẹ còn vay tiền mua cho tôi một chiếc xe đạp để tôi đỡ vất vả”, Duyên chia sẻ .

Với Chương Thị Kiều, cô gái Khmer là trụ cột ở đội tuyển bóng đá nữ nhiều năm nay nhưng phải tới trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 30, Kiều mới thực sự được biết đến rộng rãi. Trước đội tuyển Thái Lan to khỏe, Kiều chỉ huy hàng phòng ngự xuất sắc, ngăn chặn mọi đường tấn công của đối thủ. Trong một tình huống truy cản, Kiều mất một mảng da lớn ở phần đùi non, máu túa ra rất nhiều và phải hai lần băng bó mới cầm được máu. Sau trận, cô vô tư nói: “Tôi đau lắm nhưng nhìn đồng đội chiến đấu tôi không thể rời sân nên nhịn đau để tiếp tục sát cánh với mọi người”.

Hôm rồi gặp Kiều, tôi hỏi về vết thương, cô đáp ngon lành: “Tôi khỏe re rồi. Bóng đá mà, chấn thương là chuyện bình thường. Tôi thậm chí còn chẳng nhớ mình đã dính cả thảy bao nhiêu chấn thương. Mọi nỗi đau đều sẽ qua đi, chỉ cần giữ được tinh thần, tôi tin mình sẽ không gục ngã”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.