Cầu Sigiri trị giá 12 triệu USD do Trung Quốc xây dựng bị sập khi đang thi công |
Trung Quốc đang đầu tư vào hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả hạ tầng mà các dự án đem lại không đạt như kỳ vọng, có thể đe dọa tổn hại chính nền kinh tế của nước này.
Đầu tư ồ ạt vào hạ tầng
Hạ tầng giao thông là một trong những hạng mục được Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ nhất cả trong nước và nước ngoài. Riêng trong nước, 2 tháng đầu năm 2017, đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông của Trung Quốc như đường bộ, đường thuỷ và nhiều hạ tầng khác đạt tới 172,6 tỉ nhân dân tệ (tương đương 25,1 tỉ USD).
Khoảng 160,1 tỉ nhân dân tệ được đầu tư vào đường bộ; 10,5 tỉ nhân dân tệ đầu tư vào đường thủy, tương đương tăng 36% và 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng đầu tư tăng 33,9% so với năm ngoái - số liệu do Bộ Giao thông Trung Quốc cung cấp. Con số này chưa bao gồm tiền đầu tư vào các dự án đường sắt.
Tại nước ngoài, Trung Quốc cũng tỏ ra hào phóng khi rót vốn đầu tư vào nhiều dự án giao thông, lấy việc hỗ trợ nguồn vốn dồi dào, công nghệ rẻ làm lợi thế khi đấu thầu các dự án giao thông.
Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tăng nhanh trong hơn 10 năm qua, đạt kỷ lục hơn 123 tỉ USD vào năm 2014, cao hơn 45 lần so với năm 2002 (chỉ 2,7 tỉ USD). Trong đó, hạ tầng giao thông là ngành được chú trọng đầu tư nhiều nhất.
Chất lượng kém gây tổn hại kinh tế
Vấn đề đặt ra dù đầu tư ồ ạt với số vốn cao ngất ngưởng nhưng một số công trình Trung Quốc có chất lượng không đảm bảo, không tạo lợi ích kinh tế. Nghiên cứu năm 2016 do Khoa Kinh doanh thuộc Đại học Oxford của Anh thực hiện cho thấy, hơn một nửa dự án đầu tư hạ tầng tại Trung Quốc đã hủy hoại lợi ích kinh tế thay vì tạo ra giá trị. Để thực hiện nghiên cứu này, họ đã phân tích 95 dự án giao thông đường sắt, đường bộ lớn do Trung Quốc thực hiện.
Nghiên cứu cho thấy, việc đầu tư hạ tầng chất lượng thấp của Trung Quốc đặt ra những rủi ro đáng kể đối với nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung.
“Qua phân tích, chúng tôi nhận thấy, hơn một nửa dự án đầu tư hạ tầng tại Trung Quốc trong 3 thập kỷ qua tiêu tốn chi phí cao hơn lợi ích mà chúng tạo ra, đồng nghĩa các dự án này đã hủy hoại thay vì sinh ra giá trị kinh tế”, Tiến sĩ Atif Ansar, một chuyên gia tham gia nghiên cứu cho biết.
Xem thêm video:
Nghiên cứu cũng chỉ ra, chi phí xây dựng hạ tầng thực sự tại Trung Quốc trung bình cao hơn chi phí ước tính ban đầu khoảng 30,6%. Chẳng hạn như dự án đường sắt Madaraka tại Kenya khánh thành hồi tháng 5 vừa qua với chi phí 3,8 tỉ USD do Ngân hàng Eximbank của Trung Quốc đầu tư tới 90% vốn.
Nhiều chuyên gia trong ngành tròn mắt kinh ngạc vì chi phí cao hơn gấp đôi tính trên mỗi km so với tuyến đường sắt kết nối giữa Addis Ababa và Djibouti. Không chỉ lo ngại nợ, một bộ phận tại Kenya lo ngại những điều kiện nhập khẩu vật liệu, hàng hóa từ Trung Quốc bắt buộc để xây đường sắt này sẽ khiến tình hình mất cân bằng thương mại của Kenya với Trung Quốc thêm trầm trọng.
Ngoài ra, không ít chuyên gia lo ngại về chất lượng xây dựng công trình của Trung Quốc. Vụ sập cầu mà Trung Quốc đang thi công tại Kenya vừa qua là minh chứng rõ nhất.
Cây cầu Sigiri tại miền Tây Kenya, trị giá 12 triệu USD do Công ty Kỹ thuật và xây dựng hải ngoại Trung Quốc đầu tư và thi công đã bị sập khi đang xây dựng. Vụ sập xảy ra chỉ hai tuần sau khi Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta tới thị sát trực tiếp.
Tác giả nghiên cứu của Oxford cho rằng: “Nếu Trung Quốc không chuyển sang đầu tư hạ tầng ít hơn với chất lượng cao hơn, nước này sẽ đối mặt với khủng hoảng kinh tế và tài chính quốc gia phát sinh từ hạ tầng và có thể sẽ lan tỏa ra nền kinh tế toàn cầu”.
VIDEO XEM THÊM:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận