An ninh hình sự

Nghi phạm sát hại bé gái 13 tuổi ở Phú Yên đối diện mức án nào?

22/06/2020, 09:06

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, nghi phạm giết bé gái 13 tuổi ở Phú Yên có thể đối diện với án tử hình vì hành vi giết trẻ em.

img
Hiện trường vụ việc

Ngày 21/6/2020, cơ quan chức năng huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) đã tìm thấy thi thế bé gái Đỗ Thị Kim H. (13 tuổi, ngụ xã An Ninh Đông) tại khu vực cầu An Hải, thuộc địa phận xã An Ninh Đông sau 3 ngày mất tích.

Hiện cơ quan chức năng đang tạm giữ Phạm Kim Phê (SN 2002, ở xã An Thạch, huyện Tuy An) - nghi phạm gây ra cái chết cho bé Hân. Được biết, Phê là 1 trong nhóm 6 bạn bè cùng đi chơi với Hân vào tối 17/6.

Nhiều người bày tỏ sự bất bình với hành động nhẫn tâm ra tay giết hại trẻ em của nghi phạm. Với hành vi như vậy cần phải được pháp luật nghiêm trị.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, do nghi phạm sinh năm 2002, tính đến nay có thể là đã đủ 18 tuổi hoặc chưa, vì thế cần phải xác định độ tuổi để có thể có hình phạt thích hợp.

Việc xác định độ tuổi được căn cứ Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH về phối hợp thực hiện quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được ban hành ngày 21/12/2018.

Theo đó, việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh; Chứng minh nhân dân; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu. Nếu các giấy tờ trên có mâu thuẫn thì cơ quan tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, nhà trường, đoàn thanh niên… để hỏi, lấy lời khai, hoặc tìm các tài liệu khác chứng minh về tuổi của người đó.

“Trường hợp kết quả giám định tuổi (trong trường hợp không xác định được năm sinh) chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì sẽ lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đó. Ví dụ: Kết luận giám định A có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của A là 13 tuổi 6 tháng. Do đó, nếu kết quả xác định nghi phạm chưa đủ 18 tuổi thì theo quy định không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình”, luật sư Bình cho hay.

img
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật (đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh)

Luật sư Bình cho biết, tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện.

Ở vụ việc này nạn nhân là trẻ em (13 tuổi) nên nghi phạm sẽ phải đối diện với mức phạt tăng nặng tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 123 quy định, giết người dưới 16 tuổi được quy định là tình tiết định khung tăng nặng của tội Giết người. Xuất phát từ quan điểm bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai của đất nước, bảo vệ lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những người không có khả năng tự vệ nên Bộ luật Hình sự đã quy định tình tiết này là tình tiết định khung tăng nặng của tội phạm nói chung và tội giết người nói riêng.

Như vậy, đối tượng giết bé gái 13 tuổi ở Tuy An, Phú Yên nếu đủ 18 tuổi trở lên thì có thể đối diện với mức án tử hình vì hành vi giết người dưới 16 tuổi”, luật sư Bình phân tích.

Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định, xuất phát từ cơ sở giết người dưới 16 tuổi có tính nguy hiểm cao hơn so với giết những đối tượng bình thường khác, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã bổ sung tình tiết định khung tăng nặng giết trẻ em vào Tội giết người và Bộ luật Hình sự năm 2015 đã kế thừa quy định đó (chỉ thay cụm từ “trẻ em” bằng cụm từ “người dưới 16 tuổi”).

“Quy định này không chỉ nhằm trừng trị nghiêm những người có hành vi giết trẻ em, góp phần ngăn chặn tình trạng xâm phạm tính mạng của trẻ em đang có xu hướng gia tăng mà còn nhằm bảo đảm thực hiện các quy định trong Công ước quốc tế mà nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia hoặc ký kết về bảo vệ và chăm sóc trẻ em”, luật sư Bình nói.

Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.