Nên chỉ được rút phần mình đóng
Sáng nay (23/11), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.
Vấn đề rút BHXH một lần, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc…nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Về quy định tại Điều 70 dự án Luật BHXH sửa đổi, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 93 cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu BHXH một lần.
Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tham gia BHXH nữa. Đồng thời, nên quy định theo hướng người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần và khi đó người lao động chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi họ hết độ tuổi lao động.
Liên quan đến việc hưởng BHXH một lần, đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) tán thành sự cần thiết phải sửa đổi quy định này trong dự thảo luật để đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng số lượng người nhận BHXH một lần tăng lên hàng năm như thời gian gần đây, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, cần phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, nhằm có giải pháp căn cơ và có chính sách đồng bộ về BHXH.
Cùng cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) cho rằng cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và để người lao động không muốn rút bảo hiểm một lần.
Phương án một, quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần với hai nhóm người lao động khác nhau.
Nhóm một: Người lao động đã tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm, có nhu cầu được nhận một lần.
Nhóm hai: Người lao động bắt đầu tham gia từ khi luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) không được nhận một lần.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ
Dự thảo Luật đề xuất hai phương án, đại biểu Nga cho rằng phương án linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút BHXH một lần. Tuy nhiên là phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút BHXH một lần. Do vậy, Luật có thể xem xét thiết kế thành các phương án để người lao động lựa chọn.
Đảm bảo quyền lợi người lao động
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) thì bày tỏ thống nhất cao với quan điểm của cơ quan thẩm tra. Theo bà Cầm, nếu chọn phương án một sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia BHXH trước và sau khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực.
Bởi một trong những lý do chính khiến người lao động rút BHXH một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế để lo cho cuộc sống trước mắt.
Quy định như phương án một dễ dẫn tới nguy cơ không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia BHXH khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp.
Do vậy, việc rút BHXH một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để người lao động duy trì bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ. Như vậy sẽ không tạo động lực để người lao động trẻ, lao động mới tham gia BHXH, không thực hiện được nguyên tắc công bằng, bình đẳng của BHXH.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, nếu chọn phương án hai người lao động vẫn có thể rút BHXH một lần như hiện nay nhưng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý, vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động cũng là tiền của người lao động.
Bên cạnh đó, việc chỉ được rút 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn ngay trước mắt.
Đặc biệt, khi người lao động rút BHXH một lần lại là phụ nữ thì việc sử dụng những khoản tiền này chủ yếu dành cho những nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Phương án này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt khá lớn về số tiền hưởng BHXH một lần của những người lao động hưởng BHXH một lần trước và sau khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực. Chính sách này cũng không thực hiện được mục tiêu xây dựng luật là mở rộng gia tăng quyền lợi ích tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH.
Vì các lý do nêu trên, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng BHXH một lần.
Bà Cầm ủng hộ phương án người lao động được rút BHXH một lần và được rút một cách thỏa đáng nhất có thể. Ngoài ra, cần có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng vốn vay ưu đãi cho người lao động kèm theo công tác vận động truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi giúp mọi người nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH để giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút BHXH của người lao động.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời chất vấn về nguyên nhân người lao động rút BHXH một lần và đánh giá "không có quốc gia nào có cơ chế rút BHXH dễ dàng như Việt Nam". Tuy nhiên, đại biểu cho rằng đây chính là tính ưu việt của Nhà nước ta, nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Đại biểu Thái cho biết, trong dự thảo Luật lần này đã mở rộng thêm nhiều đối tượng đóng BHXH bắt buộc ở khu vực không chính thức, điều này làm tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, nhưng cũng có thể làm tăng việc rút BHXH một lần do khu vực không chính thức việc làm không ổn định, nhiều tuổi rất khó tìm việc.
Đại biểu kiến nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu, quy định đối với lao động ở khu vực tư, khu vực không chính thức nếu có thời gian đóng BHXH từ đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam nếu nghỉ trước tuổi thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ đi 1% (thay vì 2% như dự thảo Luật) và tiếp tục nghiên cứu có thêm những ngành nghề đặc thù nếu số năm đóng BHXH cao thì cũng được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định ngoài các ngành nghề được nêu tại khoản 2 Điều 64 của Dự thảo Luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận