Đối diện "làn sóng" gần 40.000 cán bộ, công chức nghỉ, chuyển việc
Phát biểu thảo luận trong phiên họp sáng 27/10 kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu lại con số, từ năm 2020 đến tháng 6/2022 đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc chuyển việc, nhiều nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đây cũng là một thách thức lớn trong mục tiêu phát triển KTXH nước ta.
Đại biểu Tám đề xuất cần ngăn chặn "làn sóng" công chức, viên chức nghỉ việc bằng cách thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc; xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho công chức, viên chức cống hiến, có cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)
"Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức; có cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc. Phải cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung", đại biểu Tám nêu.
Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) nêu nguyên nhân nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc là do thu nhập thấp, áp lực công việc và môi trường công tác.
Dẫn câu chuyện hầu hết các bệnh viện công hiện nay đều trong tình trạng quá tải, ví dụ như tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 người bệnh tới khám và khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, nhiều bệnh viện y, bác sĩ phải đến từ 6h sáng để bắt đầu thăm khám cho các bệnh nhân.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn)
"Mỗi ngày, 1 bác sĩ có thể phải khám vài chục, thậm chí cả trăm bệnh nhân nên rất áp lực. Khi dịch bệnh ập đến thì vất vả nhất là các trạm y tế xã phường, vốn đã ít người, nhưng vừa phải đảm nhiệm lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng vắc xin... mà lương tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng", bà Thuỷ nói.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc men, cơ sở vật chất cho công tác khám chữa bệnh, môi trường làm việc... cũng chưa tạo điều kiện cho nhân viên y tế cống hiến hết mình và cũng là lý do khiến các cán bộ, nhân viên y tế chuyển việc.
Theo bà Thuỷ, việc dịch chuyển nhân lực với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại của ngành y tế trong thời gian vừa qua rất cần phải đánh giá đúng, đánh giá đủ nguyên nhân để đưa ra các giải pháp căn cơ, chiến lược. Bởi ngành y là một ngành đặc biệt, cần được đào tạo và đãi ngộ đặc biệt.
"Thật khó để gồng gánh, nuôi dưỡng những đam mê khi mà áp lực công việc lớn trong khi thu nhập lại thấp", nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn nhìn nhận và đề nghị Chính phủ cần cải thiện môi trường làm việc của ngành y.
Đồng quan điểm, đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) cho rằng, tình hình nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc trong thời gian gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn.
Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn tỉnh Hậu Giang)
Nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Viên chức ngành giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ thực trực tiếp sang trực tuyến dẫn.
"Áp lực công việc quá lớn nhưng sự quan tâm đối với lực lượng lao động này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra", đại biểu Xương nêu lý do và kiến nghị phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ đối với bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế, giao dục để đủ sức phục vụ cho nhân dân.
Nỗi lo lương tăng không theo kịp giá tăng
Tại phiên họp, nhiều đại biểu đồng tình, vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội tăng lương cơ sở và đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn, lưu ý về thực trạng vẫn thường xảy ra, lương tăng không theo kịp giá tăng.
"Cần kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng. Nếu như thế thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn", đại biểu Xương nói.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu)
Phân tích kỹ hơn, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho biết, lần tăng lương gần nhất tiến hành tăng lương cơ sở là ngày 1/7/2019.
Do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên mức lương cơ sở vẫn giữ nguyên cho đến nay. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cán bộ, công chức và người lao động, và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghỉ việc và chuyển việc thời gian qua.
"Kinh tế đất nước đang trên đà phục hồi kinh tế sau gần 3 năm tập trung cho công tác chống dịch, lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn của Chính phủ. Để tăng thêm gần 21% lương cơ sở, khoản chi mà Chính phủ phải cân đối là dành 44.000 tỉ đồng. Việc tăng lương cơ sở là thấu tình đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách. Đây là điều rất đáng trân trọng", đại biểu Thái phát biểu.
Tuy nhiên, để cho niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn và cũng để nhanh chóng bù đắp những trượt giá của đồng lương eo hẹp, đại biểu Thái đề xuất tăng lương cơ sở trước 6 tháng, thay vì thực hiện từ 1/7/2023 thì thực hiện tăng lương cơ sở từ 1/1/2023.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái hy vọng, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức viên chức và người lao động nghỉ việc hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận