Sẽ chẳng có gì để nói, nếu không có chuyện sau đó, các đối tượng lại dán tờ rơi chồng lên lớp cỏ nhựa như một lời thách thức với chính quyền!
Những tờ quảng cáo dán chồng lên lớp cỏ nhựa như một lời thách thức với chính quyền. Ảnh: TTO.
Tình trạng dán tờ rơi, quảng cáo diễn ra ở khắp các tuyến đường đô thị. Nhiều đến mức người dân cũng ít quan tâm đến những thông tin quảng cáo đó. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ, mặt trận tổ quốc, các công ty điện lực, chiếu sáng… nhiều lần tổ chức lột, cạo nhưng đâu rồi lại vào đó.
Vì vậy, quận 5 đã nghĩ ra việc quấn cỏ nhựa quanh cột đèn đường và đây được xem là "sáng kiến". Thống kê cho thấy, hiện quận 5 đã có 1.781 cột đèn, cột điện được quấn cỏ nhựa.
Đại diện Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng TP.HCM đánh giá đây là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay. Bởi trước đó đã cho người tháo gỡ các tờ quảng cáo, rồi bôi chất chống dính lên cột đèn, cột điện. Song tất cả đều không mang lại hiệu quả, bởi các đối tượng sử dụng các loại keo có độ dính tốt hơn để dán (?!)
Vị này cũng thông tin, công ty đang phối hợp quận 5 theo dõi kết quả mang lại. Sau thời gian triển khai, nếu không tìm ra giải pháp nào hiệu quả hơn sẽ đề xuất với chủ đầu tư là Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM thực hiện quấn cỏ nhựa quanh cột đèn, cột điện.
Tuy vậy, nạn dán tờ rơi, quảng cáo rao vặt không chỉ trên các cột điện mà ở bất cứ mọi nơi. Từ cửa nhà dân, bờ tường, cầu, cống… Thậm chí, các đối tượng còn sáng tạo dùng cây sào để dán lên trên cao, những chỗ khó để người dân không lột xuống được.
Không chỉ dán tờ rơi, quảng cáo, nạn vẽ bậy mang danh "nghệ thuật đường phố" cũng diễn ra khắp nơi. Sở GTVT đã 2 lần cho xóa những hình vẽ bậy ở cầu Ba Son. Thậm chí, các toa tàu metro đậu trong bãi, với 2 lớp bảo vệ, camera giám sát… vẫn bị 2 lần vẽ bậy.
Câu hỏi đặt ra: Không lẽ tất cả những công trình đó đều lấy cỏ nhựa cuốn lên?
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ, nhưng nhiều việc vẫn đang được các cơ quan chức năng thực hiện rất thủ công.
Những tờ rơi, quảng cáo đều có số điện thoại, chỉ cần thống kê, yêu cầu nhà mạng khóa các số này. Hay những số điện thoại này là sim rác của nhà mạng nào, tự nhà mạng đó đi kiểm tra và khóa, nếu không sẽ xử phạt các nhà mạng đó.
Nếu là một thứ gì đó không rõ nguồn gốc, không nơi liên lạc đành bất lực thì chấp nhận được. Còn đằng này số liên lạc rành rành ra đó mà không làm gì được thì quá lạ lùng!
Trong khi các tài khoản Facebook ở bất cứ đâu nếu đưa thông tin không đúng sự thật là bị phạt ngay. Trên không gian ảo mà còn quản lý được, không lẽ mấy cái số quảng cáo có thật ngoài đời sống lại không xử lý được?
Hiện nay dọc các đường phố, các nhà dân đều có hệ thống camera giám sát, việc phát hiện, truy bắt những đối tượng đi dán quảng cáo bậy không hề khó.
Quản lý đô thị mà một việc nhỏ như vậy cũng không xử lý được, vậy còn các việc lớn hơn thì sao?
Thành ủy TP.HCM có Chỉ thị 19 về thực hiện cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước". Dân đồng lòng thì không việc gì khó. Muốn xây dựng TP.HCM văn minh, sạch đẹp như Singapore, hãy bắt đầu những việc nhỏ là không có rác, tờ rơi, vẽ bậy phố phường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận