Một hình thức báo tin về tội phạm thông qua phương tiện thông tin đại chúng
Theo nội dung phản ánh của một số hãng thông tấn, báo của Nhật Bản: Công ty Tenma Nhật Bản (trụ sở tại Tokyo) đã tự khai báo với Viện công tố Tokyo về việc một công ty con của hãng tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh, Việt Nam - Công ty TNHH Tenma Việt Nam đã có hành vi hối lộ một số cán bộ, công chức Việt Nam với tổng số tiền 25 triệu yên (tương đương khoảng 5,4 tỷ đồng).
Được biết, thông tin trên mới chỉ được đăng tải trên một số báo chí Nhật Bản mà chưa hề có tài liệu chính thức nào kết luận. Vậy nghi vấn Tenma hối lộ nhằm trốn thuế sẽ được xử lý như thế nào? Nếu nghi vấn là sự thật, thì các đối tượng liên quan đối diện mức án ra sao? Trường hợp nghi vấn không là thật thì trách nhiệm của báo chí Nhật Bản đến đâu khi đăng tải những nội dung ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của một số cán bộ, công chức Việt Nam, ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trước bạn bè quốc tế, giữa quan hệ đối tác Việt Nam và Nhật Bản?
Về vấn đề này, ngày 29/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự, Công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ: Nghi án Công ty của Nhật Bản hối lộ cán bộ ở Việt Nam thông qua cơ quan báo chí nước ngoài không phải là lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta. Thực tế, vụ án nhận hối lộ từng gây ra chấn động lớn ở nước ta liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sỹ năm 2009 tại dự án Đại lộ Đông Tây (Tp. HCM) cũng được phát hiện bắt nguồn từ cơ quan báo chí Nhật Bản.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự: “Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng”. Như vậy, việc một số báo chí Nhật đưa tin Công ty Tenma Việt nam có hành vi hối lộ một số cán bộ, công chức Việt Nam là tin báo về tội phạm thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Do đó, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tin báo phải có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời nội dung này. Trong vụ việc này, cơ quan có trách nhiệm giải quyết nghi vấn trên là Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03), Công an tỉnh Bắc Ninh.
Cán bộ, công chức nhận hối lộ có thể đối mặt án tử hình
Trên thực tế, liên quan đến nghi vấn này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm. Hiện nay, Công an Bắc Ninh cũng đang khẩn trương phối hợp với Bộ Công an để xác minh, làm rõ, điều tra vì tính chất của vụ việc là nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư mà còn ảnh hưởng đến quan hệ đối tác với Nhật Bản.
Theo Luật sư Cường, nếu thông tin mà cơ quan truyền thông Nhật Bản đưa ra là chính xác thì đây là sự việc rất nghiêm trọng và sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, các cán bộ, công chức có hành vi nhận tiền sẽ bị khởi tố về tội Nhận hối lộ theo Điều 354 BLHS do đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm giảm số tiền thuế mà Công ty Tenma phải đóng.
Với số tiền nhận hối lộ khoảng 5,4 tỷ đồng, các cán bộ, công chức có hành vi nhận hối lộ có thể phải đối mặt với hình phạt tù là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Mặc dù vậy, nhưng để có một mức án phù hợp, thích đáng thì cơ quan tiến hành tố tụng còn phải xác định thêm chứng cứ thu thập được liên quan đến vụ án như mức độ vi phạm của từng người cũng như vai trò của mỗi người, các tình tiết giảm nhẹ... Ngoài hình phạt tù, người nhận hối lộ còn bị áp dụng hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm, bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bên cạnh đó, Luật sư Cường cũng cho rằng, ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự của các cán bộ, công chức nhận tiền thì Công ty Tenma Việt Nam còn bị truy thu số tiền thuế đã trốn nhờ vào việc hối lộ. Căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan có thẩm quyền, tùy vào từng sai phạm mà Tenma sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội Trốn thuế.
Theo điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định 129/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, Công ty Tenma Việt Nam có khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 417 tỷ đồng lên đến 1.251 tỷ đồng - tương đương với 1 - 3 lần số thuế đã trốn.
Luật sư Cường nhấn mạnh thêm: Có người nhận hối lộ thì chắc chắn sẽ có người đưa hối lộ. Tuy nhiên, trong vụ việc này cần hết sức lưu ý bởi, người đưa hối lộ lại là công dân nước ngoài (thuộc Công ty Tenma Việt Nam), cho nên ngoài việc áp dụng BLHS của nước Việt Nam còn phải căn cứ vào Hiệp định về tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Nghi vấn không chính xác: Phải công khai các chứng cứ, tài liệu
Theo luật sư Cường, hậu quả mà thông tin báo chí nước bạn nêu ra là rất lớn, dễ dàng nhìn thấy rõ. Trong thời gian các cơ quan, ban ngành điều tra, giải quyết vụ việc, những cá nhân bị tạm đình chỉ công tác sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, uy tín, nhân phẩm và công việc nơi họ đang công tác; đồng thời tố ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, đến môi trường đầu tư tại Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid -19 vừa qua đi.
Do đó, nếu sau khi xác minh, làm rõ cho thấy thông tin cơ quan báo chí Nhật Bản phản ánh là không đúng sự thật thì cần thiết phải công khai các chứng cứ, tài liệu khách quan để thể hiện sự trong sạch cho bộ máy chính quyền Việt Nam.
Đồng thời, Chính phủ nước ta cũng cần thể hiện thái độ “cứng rắn” và có động thái kiên quyết trước hành động của cơ quan báo chí nước bạn để bảo vệ danh dự và tôn nghiêm của Việt Nam trước trường quốc tế, khôi phục niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tế, việc nhận hối lộ, tham ô hay các chi phí dưới gầm bàn cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến uy tín về công bằng, minh bạch, công khai của Nhà nước ta. Do đó, các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý, nghiêm túc thực hiện công vụ và pháp luật. Đối với những hành vi vi phạm cần phải xử lý nghiêm minh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận