Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo điều tra nghi vấn dựng mộ giả trục lợi tiền đền bù tại hiện trường chiều 18/3 |
Nghi vấn mộ không tên xây mới
Sáng ngày 21/3, có mặt tại nút giao Hòa Liên (đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan qua xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), PV ghi nhận công tác GPMB đã gần như hoàn thiện; Chỉ còn một gò đất thuộc thôn Quan Nam vẫn ngổn ngang mồ mả, trong đó một số ngôi mộ đã được di dời. Quan sát trong tổng số hàng trăm ngôi mộ cũ tại đây, xen kẽ nhiều vị trí mộ có dấu hiệu xây mới, không tên tuổi người chết. Đặc biệt, trong phần đất các căn nhà bỏ hoang xuất hiện hàng chục ngôi mộ còn vương mùi vôi, vữa và hoàn toàn không có bia mộ. Cùng đó là nhiều phần mộ đắp đất còn “tươi”, áng chừng vừa được hoàn thiện nhưng không có người trông coi.
Khởi tố nếu có dấu hiệu trục lợi Theo thông tin mới nhất, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã giao Công an thành phố chỉ đạo Công an huyện Hòa Vang điều tra có hay không việc người dân xây dựng mộ giả để trục lợi tiền đền bù. Nếu có dấu hiệu trục lợi tiền đền bù thì khởi tố vụ án để làm gương, răn đe, nhằm chấm dứt ngay tình trạng này. |
Trước đó, vào chiều ngày 18/3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trực tiếp đến khu vực nói trên kiểm tra, chỉ đạo công tác GPMB. Tại đây, lãnh đạo huyện Hòa Vang và đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình giải tỏa đền bù, có dấu hiệu người dân dựng mộ giả nhằm trục lợi tiền đền bù.
Trao đổi với PV, ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, chưa thể trả lời chính xác đâu là mộ giả, mộ thật. “Có những gia đình kê khai 40 - 50 ngôi mộ nên chúng tôi đặt nghi vấn. Hiện số mộ nghi làm giả, đang xếp vào diện vô chủ đến hơn 200 mộ”, ông Thương nói và cho biết, sau khi vận động mà không ai đứng ra kê khai, huyện sẽ đề nghị thành phố cho di chuyển theo đúng quy định.
Theo ông Ngô Thành Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Liên, thống kê sơ bộ có khoảng 500 mộ trên địa bàn xã thuộc diện phải di dời phục vụ dự án. Hiện đã có 11 hộ dân đứng ra kê khai khoảng 300 ngôi mộ, còn lại khoảng 200 ngôi mộ bước đầu xác định vô chủ. “Tình hình hiện tại khá phức tạp vì quá nhiều mộ vô chủ. Chúng tôi phải phối hợp công an mời riêng từng người lên làm việc, yêu cầu kê khai. Sau đó, đoàn kiểm tra sẽ đi thực tế, đối chiếu phần kê khai, mộ nào xây lâu năm hay mới xây là chúng tôi biết ngay, khi thấy có nghi vấn sẽ mời người dân lên làm việc lần 2”, ông Tâm nói và khẳng định, xã phấn đấu hoàn thành việc di dời mồ mả trong tháng 3 theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng.
Hàng chục ngôi mộ còn vương mùi vôi, vữa và không tên tuổi xuất hiện tại thôn Quan Nam |
Di dời xong trong tháng 3
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Thương cho biết thêm, huyện vừa có chỉ đạo khẩn, yêu cầu xã Hòa Liên Hòa Liên hướng dẫn người dân có mồ mả khẩn trương kê khai di dời. Việc kê khai số lượng phải có xác nhận của trưởng tộc. Cụ thể, cá nhân kê khai và trưởng tộc chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai. Sau đó, xã mới ký xác nhận làm cơ sở để Trung tâm Phát triển quỹ đất Đà Nẵng lập hồ sơ kiểm đếm theo quy định.
Trong văn bản mới nhất gửi UBND xã Hòa Liên, lãnh đạo huyện Hòa Vang cũng chỉ đạo rõ: Nhằm xử lý số mồ mả (nghi giả), yêu cầu người kê khai phải lập cam kết xác nhận phần mộ cần di dời đúng là thân nhân gia tộc. Tổ giám sát di dời mồ mả tiến hành lấy mẫu phẩm, cùng với người kê khai ký kết niêm yết mẫu phẩm. Trung tâm Phát triển quỹ đất có trách nhiệm gửi mẫu đi giám định ADN. Nếu đúng là hài cốt thật thì Hội đồng GPMB chịu trách nhiệm trả phí giám định, nếu không phải hài cốt thì người kê khai phải chi trả, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật khi cơ quan công an vào cuộc.
Các họ tộc, cá nhân di dời mồ mả, sau khi hoàn thành việc di dời về nơi an táng mới dưới sự giám sát của tổ công tác do Chủ tịch UBND huyện thành lập thì mới được thanh toán tiền 100%. Việc yêu cầu người dân kê khai và di dời mồ mả phải hoàn thành trước ngày 30/3. Nếu không hoàn thành đúng hạn, bí thư, chủ tịch UBND xã Hòa Liên chịu hoàn toàn trách nhiệm trước lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Hòa Vang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận