Phần xét hỏi 38 bị cáo trong đại án Việt Á diễn ra trong mấy ngày qua để lại nhiều cảm xúc. Tựu chung lại, có thể thấy rằng những lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố và ngay tại phiên tòa xét xử chỉ là câu trả lời mang tính chủ quan của mỗi người.
Ở vụ án này, các bị cáo cấu kết với nhau trong quá trình phạm tội, thể hiện qua các hành vi nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu và lợi dụng chức vụ quyền hạn, gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách Nhà nước.
Đây là một sự thật khách quan từ thời điểm xảy ra vụ án, quá trình xét hỏi công khai tại tòa, chưa có bị cáo nào phủ nhận những sự thật đó.
Tuy nhiên, một tình tiết đáng chú ý là một số lời khai của nhiều bị cáo cho thấy các cựu quan chức bị truy tố trong vụ án này dường như có "thói quen" nhận tiền lại quả của doanh nghiệp.
Một số bị cáo khai rằng việc họ nhận hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng từ Công ty Việt Á vì coi đây là "sự chia sẻ lợi nhuận", thì rõ ràng các bị cáo đó đã thừa nhận hành vi nhận tiền là một thói quen.
Bởi lẽ, với một số tiền lớn như thế thì các bị cáo không thể coi đó là "chia sẻ lợi nhuận". Trong bối cảnh đất nước bùng phát dịch bệnh, cả hệ thống chính trị sát cánh cùng nhân dân gồng mình chống dịch, chứ không phải nhiệm vụ này chỉ dành cho CDC các tỉnh để họ được chia sẻ.
Công trạng của mỗi tập thể, đơn vị hay cá nhân trong công tác phòng chống dịch đã được Nhà nước đánh giá, khen thưởng xứng đáng. Ngoài phần thưởng đó, họ cần phải coi nhiệm vụ này là trách nhiệm, bởi họ là trung tâm kiểm soát dịch bệnh.
Những lời khai này phản ánh tâm lý tội phạm theo diễn biến tự nhiên, cho thấy họ đang mong muốn biện minh cho chuỗi hành vi sai phạm của bản thân. Thậm chí, có bị cáo còn khai báo quanh co nhằm che giấu hành vi đó.
Để giải thích cho những việc làm sai trái, có bị cáo khai báo ra vẻ ngây ngô, nói mình "không biết, không quan tâm" hay thậm chí nghĩ rằng "việc đã rồi nên đằng nào cũng thế".
Với cách khai báo như vậy, có thể họ suy nghĩ việc giải thích này sẽ nhận được cảm thông, chia sẻ từ người thân trong gia đình, từ xã hội và người dân.
Song, thực tế những lời khai có phần ngây ngô như vậy lại tạo ra sự phản cảm, nhất là đối với các bị cáo là cựu quan chức.
Việc khai báo ra sao tại phiên tòa là quyền của các bị cáo theo quy định của Bộ luật Hình sự. Để kết tội một bị cáo, hội đồng xét xử không chỉ dựa vào ý thức chủ quan của người đó, mà sẽ căn cứ vào lời khai này cùng các chứng cứ khách quan có trong hồ sơ vụ án và tài liệu khác.
Trong vụ án này, thông qua hồ sơ tố tụng và diễn biến xét xử, có thể khẳng định Công ty Việt Á đã thao túng thị trường, cấu kết với các cựu cán bộ, quan chức để nâng khống giá kit test Covid. Do đó, một số bị cáo là cựu cán bộ, công chức có lời khai cho rằng việc nhận tiền từ Việt Á là "chia sẻ lợi nhuận" hay "họ có nhã ý cám ơn thì nhận", đó là nhận thức sai lầm.
Với những cá nhân từng là người giữ chức vụ cao, điều kiện tiên quyết là cá nhân đó phải am hiểu pháp luật. Khi ra tòa, cá nhân sai phạm không thể khai rằng sau khi thực hiện xong nhiệm vụ, "doanh nghiệp đưa tiền thì tôi có quyền nhận". Điều này là hoàn toàn không đúng với chức trách, nhiệm vụ của một cán bộ, công chức.
Còn nếu khai báo trước hội đồng xét xử mà dùng những lý lẽ mang tính ngụy biện, giải thích nhằm che đậy hành vi một cách ngô nghê, thì các bị cáo nên sử dụng quyền im lặng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Khi đó, hội đồng xét xử có thể công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, hơn là bị cáo tự mình ngụy biện một cách không phù hợp.
Pháp luật vốn rất công bằng. Tôi còn nhớ trong một số vụ án về kinh tế, có những cá nhân có chức vụ cũng từng nhận tiền, song họ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự bởi họ vi phạm nhưng không tư lợi.
Vì vậy, khi đứng trước tòa án, các bị cáo nên thành khẩn để có cơ hội được hưởng sự khoan hồng của luật pháp, thay vì tìm mọi cách để biện minh cho hành vi phạm tội của mình.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận