Đại biểu Ngô Ngọc Bình (TP HCM) phát biểu thảo luận chiều 12/11. |
Công bằng về “cơ hội”
Tại phiên thảo luận, ĐB Đào Trọng Thi đã dùng từ “cơ hội” để nói về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ông Thi đặt câu hỏi: Tại sao lại có khái niệm nghĩa vụ thay thế. Công dân phải dành một thời gian để thực hiện nghĩa vụ quân sự, được rèn luyện, huấn luyện, đào tạo các kỹ năng sử dụng vũ khí, kỹ, chiến thuật… để khi có chiến tranh là chiến đấu được ngay. Nếu quy định nghĩa vụ thay thế thì làm gì có những kỹ năng ấy.
“Đã gọi là công bằng thì mọi thanh niên ở độ tuổi đó đều có “cơ hội” như nhau. Học sinh, sinh viên đang đào tạo tại các trường chính quy được hoãn chứ không phải miễn, để khi học xong, tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quân sự”, ông Thi nói và cho rằng, về quy định miễn gọi nhập ngũ đối với thanh niên tình nguyện, cán bộ, công chức, viên chức được cử đến công tác, làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… chỉ coi là do nhu cầu công tác theo phân công của Nhà nước. Càng không thể coi đó là nghĩa vụ thay thế.
Ông Thi cũng phản bác quan điểm cho rằng, có thể nộp tiền thay thế nghĩa vụ quân sự (giúp quân đội có điều kiện hiện đại hóa), bởi nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là thiêng liêng, không thể mang tiền ra trao đổi.
Cùng quan điểm cho rằng, môi trường quân đội là nơi tốt để rèn luyện phẩm chất, đạo đức của con người, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, đã là nghĩa vụ thì phải thực hiện, không có ưu tiên. “Tôi thấy có nước, cứ đến tuổi là phải nhập ngũ. Thi rồi cũng đi, đang học đại học cũng đi, về học tiếp. Đây là sự công bằng rất rõ. Có như thế, anh chị em công nhân, nông dân mới không phàn nàn: Đi chiến đấu là con chúng tôi, còn đi học là con các ông, các bà”, ĐB Bùi Thị An nói.
Du học trở về vẫn phải nhập ngũ
Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến đồng tình kéo dài thời gian tại ngũ lên 24 tháng để đáp ứng yêu cầu huấn luyện của quân đội trong tình hình mới. Đồng thời thống nhất chỉ nên có một hội đồng tuyển chọn nghĩa vụ quân sự chung cho cả quân đội, công an, thay vì vẫn có hai hội đồng như hiện nay. Liên quan đến quy định về đối tượng miễn, hoãn gọi nhập ngũ, theo ĐB Ngô Ngọc Bình (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, còn một đối tượng con em đi học ở nước ngoài, rất nhiều nhưng chưa thấy đề cập trong dự thảo luật. Các đối tượng này học xong về nước cũng không có ràng buộc nào trong luật.
“Các nước khác, thanh niên đi học nước ngoài có ràng buộc như đóng tiền, khi về thực hiện nghĩa vụ quân sự người ta trả lại tiền đó. Ở Việt Nam thực hiện cũng khó nhưng nên đưa vào điều khoản ràng buộc”, ông Bình nói.
Cùng tổ TP Hồ Chí Minh, ĐB Nguyễn Văn Hưng đề nghị cân nhắc gọi nhập ngũ đối tượng thuộc diện gia đình nghèo. Bởi “Nhà nước cũng có nhiều chính sách cho người nghèo. Nếu vì đi nghĩa vụ quân sự mà gia đình rơi vào bế tắc về kinh tế vì mất đi lao động chính thì cũng cần phải xem lại”, ông Hưng nói và đề nghị thêm, cũng không nên gọi nhập ngũ với thanh niên đã có vợ con.
Ông Hưng cũng đề nghị cần nâng số lượng đối tượng là cán bộ, công chức ở các cơ quan ban ngành, địa phương, đặc biệt là các đối tượng đảng viên thực hiện nghĩa vụ quân sự để đảm bảo “công bằng”. Theo ĐB Hưng, đây là nhóm đối tượng có tỷ lệ thực hiện nghĩa vụ quân sự rất hạn chế.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận